Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Thành cổ Fatehpur Sikri - tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ Thành cổ Fatehpur Sikri - tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ
Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Xem Tiếp...
LẮNG SÂU ĐỂ CẢM NHẬN VÀ KHÁM PHÁ

Theo báo CSTC:
cstc.cand.com.vn/Tam-guong-cuoc-song/Lang-sau-de-cam-nhan-va-kham-pha%E2%80%A6-317381/

Bóng đêm,...mưa,bão,lũ,...và cát,muối,rác,...những thứ tưởng như chỉ gây cho con người sự lo lắng và phiền toái, đều trở thành những sản phẩm du lịch trong các dự án của Tiến sĩ, KTS.Nguyễn Thu Hạnh. Những ý tưởng lãng mạn và lạ lẫm với tư duy thông thường của mọi người. Nhưng chị, một kiến trúc sư trót mang trong mình niềm đam mê du lịch đang muốn làm một bước đột phá về tư duy.

Du lịch trải nghiệm mưa, bão, lụt

Một lần đến Hội An mùa lụt, bước lên tầng hai của những ngôi nhà gác mái, chị phát hiện ra một không gian khác của phố cổ. Hội An ở độ cao 1m-2m, hiện ra trong mùa lụt như một thành phố trên sông, thâm trầm, cổ kính, nhưng cũng an nhiên và lãng mạn lạ lùng.

Từ trên một tầm cao, giữa một không gian khoáng đạt Hội An hiện ra với những mái ngói thâm nâu, rêu phong cổ kính. Một khám phá mới lóe lên trong con mắt của một kiến trúc sư như chị. Ngồi trên tầng hai, nhâm nhi ly cà phê, ngắm nhìn Hội An trong mưa lũ, cũng thú vị. Hạnh chợt nghĩ, tại sao mình không làm du lịch từ bão lũ của Hội An…

Mỗi năm Hội An có một mùa bão lụt. Không thể cưỡng lại được quy luật của đất trời. Những cột nhà đều đánh dấu lũ, lụt cao thấp khác nhau. Trong từng ngôi nhà, đều có một ô vuông để chuyển đồ đạc lên tránh lụt. Sản phẩm “Du lịch Hội An trong mưa bão” ra đời. Chị đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân Thành phố Hội An.

Thuyền bè, đồ ăn, thức uống đã được chuẩn bị. Những vị khách đầu tiên cũng đã bỏ tiền ra, lên thuyền khám phá khu phố cổ này từ một góc nhìn khác với những không gian kiến trúc không kém phần cuốn hút ở tầng 2, tầng 3, và cả tầng mái,…

Sau bão lụt Hội An đến mưa Huế. Huế gắn liền với những cơn mưa dầm dề từ tháng 9 âm lịch cho đến cuối năm. Suốt thời gian đó, thành phố du lịch gần như vắng khách. Nhưng mưa đã làm nên một nét riêng rất thơ mộng của Huế. Mưa trong không gian hoài cổ càng nhuốm màu hoài niệm. Tại sao không biến mưa Huế thành một sản phẩm du lịch? Ý nghĩ đó khiến Thu Hạnh bắt tay vào thực hiện.

Bởi, Huế, từ một góc nhìn khác, sẽ trở nên thâm trầm hơn trong mưa. Những cơn mưa, không còn là rào cản mà trở thành một nguồn cảm hứng của thi ca, hội họa. Mưa sẽ làm cho con người hướng nội hơn, xích lại gần nhau hơn trong nhịp sống hối hả của đô thị…

Những ngày mưa, các hoạt động ngoài trời bị đình trệ, hoạt động trong nhà sẽ có lợi thế hơn. Mưa Huế cũng đặc biệt thích hợp với những du khách thích sự tĩnh tâm, thiền định và chiêm nghiệm...

Tháng 11 năm 2010, chị đã công bố bộ sản phẩm du lịch mưa Huế, được chính quyền và người dân Huế rất ủng hộ.

Những quán “Cà phê Mưa” dành cho khách ngồi nhâm nhi và ngắm mưa, lắng nghe âm thanh của mưa rơi xuống chum nước, rơi xuống mái gianh và những vật liệu khác nhau để tạo ra thứ âm nhạc mà người Huế vẫn gọi là : “ Thiên vũ cầm”

Chị tổ chức những tour ngắm mưa trên dòng sông Hương, trên đồi Vọng Cảnh, núi Ngự Bình. Huế du lịch trong mưa, tạo xúc cảm đặc biệt từ những chiếc áo mưa in hình ảnh riêng có của Cố đô, từ những chiếc ô được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt, đi dưới mưa có thể phát ra những bản nhạc khác nhau…

Những đồ lưu niệm gắn liền với hình ảnh mưa, như con mèo mặc áo mưa, nón thơ, con rối nước… là những kỷ vật lãng mạn của chuyến đi.

Sản phẩm của chị được thiết kế đồng bộ từ khách sạn, ẩm thực đến phương tiện vận chuyển như xích lô, xe buýt…đều mang màu sắc của mưa xứ Huế.  

Chị muốn khai thác văn hóa ứng xử tinh tế của người Huế qua những cơn mưa, trở thành nét văn hóa đặc trưng như Lễ hội Té nước ở Lào. Ai đến Huế mùa mưa mới hiểu mưa chính là bối cảnh ra đời của những món ăn tinh tế khéo léo, thói quen trọng cuộc sống gia đình sum họp của người Huế.

Kinh doanh bóng đêm và cát, muối, rác,...

Với tư duy biến thử thách thành cơ hội, TS. KTS. Thu Hạnh đã cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Sản phẩm du lịch “ Mô hình khách sạn bóng đêm” của chị ra đời từ sự kiện Giờ trái đất. Chị nhớ hồi đi du học ở Canada, nằm một mình nhìn ra bầu trời đầy sao, chị ước có thể nhìn được những ngôi sao trên bầu trời, nhưng điện thành phố sáng quá, đâu còn chỗ nào cho những vì sao. Lúc đó, chị mới thực sự hiểu được giá trị của bóng tối.

Chị lập một nhóm nghiên cứu, tổ chức cho mọi người có những trải nghiệm thú vị như ăn trong bóng tối, chụp ảnh, vẽ tranh và nghe nhạc trong bóng tối. Ngồi một mình nghe nhạc trong bóng tối, âm nhạc cũng sẽ sâu lắng hơn. Cuộc sống hiện đại, đôi khi con người cũng cần một khoảng lặng, ngồi trong bóng tối, để được lắng sâu hơn trong nội tâm của mình.                       

         Dự án “Mô hình khách sạn bóng đêm”, hay còn gọi là “ Sản phẩm du lịch Giờ trái đất” của TS. KTS. Thu Hạnh ra đời với nhiều sản phẩm độc đáo như “bữa ăn tình nhân” trong ánh nến lung linh, “bữa ăn quê xưa” dưới ánh đèn dầu, “ bữa ăn âm phủ” trong bóng tối hoàn toàn,… Năm 2011, dự án này đã được tôn vinh giải thưởng cống hiến trong cuộc thi ý tưởng kinh tế xanh.

Cát, muối cũng trở thành sản phẩm du lịch trong cách nhìn của chị. Muối có thể vẽ tranh, thành thuốc chữa bệnh. Những dải cát dài dằng dặc có thể thành vườn Thiền… Chị sử dụng những triết lý nhân sinh, triết lý về thời gian trong cát để làm du lịch về cát.

Thu Hạnh chia sẻ: “Bờ biển của chúng ta đang sở hữu một kho báu tài nguyên dồi dào là cát và muối. Những tài nguyên đó có khoảng mười giá trị thì chúng ta mới chỉ khai thác được hai, ba các giá trị bề nổi thôi. Còn nhiều giá tiềm ẩn khác, đòi hỏi phải có góc nhìn tòan diện, sâu sắc và tinh tế hơn, mang nhiều tư duy khoa học hơn, chưa được chúng ta quan tâm đầu tư thích đáng… Tôi thấy thương cho dân mình. Ở các nước phát triển, tài nguyên tự nhiên không có nhiều nhưng nhờ trí tuệ họ đã tạo ra nhiều đột phá cho du lịch. Càng đi nhiều, tôi càng thấy lòng tự hào dân tộc của mình bị tổn thương”.

 Và rác, rác đang quá tải ở các khu du lịch, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chị biến những sản phẩm tưởng như đã chết như chai nước, lon bia,…mà du khách vứt đi thành sản phẩm tái sinh và có một đời sống mới. Ý tưởng của chị phân loại rác, design thành một ngôi nhà với nhiều đồ vật làm bằng rác rất kỳ lạ, buộc du khách phải bỏ tiền ra để xem…

Sự kiện làm thay đổi cuộc đời

Chị kể, có một sự kiện trong cuộc đời đã làm thay đổi toàn bộ tư duy của chị. Khi đó chị 34 tuổi, phải đóng cửa “ ngồi thiền” một năm liền để tập trung cho luận án tiến sĩ của mình. Cho đến một ngày, một vệt sáng trắng đã xuyên rọi vào trí não của chị, khiến cho chị bừng tỉnh và ngộ ra chân lý. Chị cảm thấy tột cùng hạnh phúc và hiểu ra rằng chỉ có đam mê hết mình cho nghiên cứu khoa học mới có thể cho chị niềm hạnh phúc tuyệt vời đến như vậy.

Liền sau sự kiện đó, chị nhận ra mình có nhu cầu được cống hiến cho xã hội. Những kiến thức mà mình có được phải góp phần làm thay đổi tư duy và nhận thức của xã hội để mọi người có thể nhanh chóng làm giàu từ tài nguyên du lịch mà vẫn bảo vệ được giá trị lâu dài của nguồn tài nguyên.

Năm 2010, chị thành lập Liên hiệp khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe), một tổ chức nghiên cứu khoa học có sứ mệnh “ Thay đổi tư duy làm du lịch của người Việt”. STDe đã hội tụ được rất nhiều nhà khoa học tâm huyết ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau. Họ đam mê, sáng tạo và cống hiến dù cuộc sống vật chất của bản thân họ còn rất nhiều khó khăn.

Từ ý tưởng, triển khai thành sản phẩm, STDe đã đi đến từng địa phương, từng doanh nghiệp du lịch đểv thuyết trình với suy nghĩ: chỉ mong họ hiểu và áp dụng vào thực tế. STDe còn tình nguyện giúp các địa phương nghèo triển khai các ý tưởng khoa học thành hiện thực mà không đòi hỏi lợi nhuận…Năm ngoái, những người dân làng cổ Đường Lâm đã được những nhà khoa học của STDe tập huấn để có thêm các sản phẩm du lịch độc đáo từ rơm.

Người sinh ra để đối mặt

Chị bảo, hình như chị sinh ra để đối mặt với thách thức. Thế nên, tất cả sản phẩm của chị sáng tạo nên đều đi ngược lại với tư duy thông thường của số đông xã hội.

Khi các ý tưởng khoa học mới mẻ của STDe ra đời, chị đã gặp phải những rào cản rất lớn từ dư luận xã hội. Nhiều người cho chị là quá lãng mạn, viển vông,…và hoàn toàn không tin vào tính khả thi của các dự án. Những lúc như vậy, chị cảm thấy mệt mỏi và cô đơn vô cùng. Là một kiến trúc sư nhiều hoài bão, chị coi những chặng đường vô cùng khó khăn trong quá trình xây dựng các công trình kiến trúc mang tính cách mạng trên thế giới như: Tháp Eiffel ( Pháp); Nhà hát Opera de Sydney ( Úc), là những tấm gương lớn để động viên mình dũng cảm hơn, kiên tâm hơn với con đường đã chọn.

Thu Hạnh nói, chị chấp nhận làm người tiên phong, sẵn sàng trả giá để đối mặt với những khó khăn ngổn ngang phía trước. STDe của Thu Hạnh được thành lập để biến những ý tưởng khoa học thành thực tế. “ Hơn 2% GDP dành cho các nghiên cứu khoa học chỉ để nhận những cuốn sách xếp vào thư viện, một sự lãng phí về chất xám quá lớn trong khi đất nước còn nghèo.” Và chị, đã và đang cố gắng cải thiện tình hình đó.

Bản chất là một kiến trúc sư không thích theo khuôn mẫu, nên các sản phẩm do chị sáng tạo luôn có cách tiếp cận mới mẻ, thể hiện những cảm xúc lãng mạn, bay bổng nhưng lại được gắn kết bằng tư duy chặt chẽ của người làm khoa học.

Chị đang dồn tâm sức cho một sản phẩm sẽ ra đời vào cuối năm nay có tên là “Nhịp sống chậm”. Đó là một hành trình ngược giúp du khách trở về với chính mình. Trong hành trình đó, họ sẽ nhận ra “ Ta là ai? ”. Hành trình đi ngược lại với cuộc sống gấp gáp của xã hội hiện đại, là một khoảng lặng rất cần thiết cho mọi người trước khi bước tiếp những bước vội vã vào đời sống còn qúa nhiều bon chen...

Chị chia sẻ: “Cuộc sống có quá nhiều điều thú vị và mới mẻ mà con người có thể khám phá và thưởng thức. Tuy nhiên, con người hiện đại sống với vận tốc quá nhanh và gấp gáp, đầu óc họ bộn bề những suy tính về vật chất và dường như họ đã quên đi một nửa các giá trị của cuộc sống, đó là việc hưởng thụ các giá trị tinh thần.”

Có lẽ vì vậy mà bộ sản phẩm du lịch “ Nhịp sống chậm” của chị thấm đậm tinh thần của Phật Giáo, không bằng những triết lý khô khan mà bằng sự hướng nội, lắng sâu trong tâm hồn mình để cảm nhận, khám phá những vẻ đẹp khác nhau của cuộc sống.

Thay vì đến một điểm du lịch chỉ để tìm quán ăn ngon, phòng nghỉ sang trọng, khu vui chơi giải trí xịn,... chị muốn du khách khám phá được thế giới tinh thần nơi chính bản thân họ, trải nghiệm những cảm xúc mới mẻ, gần như chỉ xảy ra một lần trong đời như: trải nghiệm về sự tĩnh lặng và huyền bí của bóng tối và hạnh phúc tột cùng khi nhận cảm được luồng sáng trong tư duy ...

Chị, như một thuyết khách đang độc hành trên con đường xa ngái. Hành trình đó, dẫu gian nan, nhưng tôi tin, chị không cô đơn.

Khánh Linh - Báo CSTC
 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: