Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Lạ lùng chuyến bay hành khách không biết nơi đến Lạ lùng chuyến bay hành khách không biết nơi đến
Quán cà phê Nhật gây sốt với những con chuột khổng lồ Quán cà phê Nhật gây sốt với những con chuột khổng lồ
Xem Tiếp...
PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUỐC GIA CÁC TIỀU VÙNG SÔNG MÊ KÔNG MỞ RỘNG
Các nước Tiểu vùng sông Mê Kông: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái lan, Campuchia và Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, là một trong những cái nôi hình thành nên nền văn minh nhân loại. Tại đây nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, độc đáo đã được hình thành và phát triển.

Các giá trị văn hóa đã trở thành nền tảng tinh thần và động lực để các nước Tiểu vùng sông Mê Kông xây dựng và phát triển đất nước. Đối với hoạt động du lịch, văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự hình thành sản phẩm du lịch. Tuy vậy, để khai thác đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch là điều không hề đơn giản. Văn hóa là kho tư liệu chứa đựng các giá trị lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, các thành tựu văn hóa của dân tộc, của các cộng đồng dân cư, còn sản phẩm văn hóa là những giá trị văn hóa đã được quy hoạch, thiết kế, quảng bá để khai thác vào trong hoạt động du lịch. Những năm qua, cùng với các sản phẩm du lịch khác, du lịch văn hóa đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, nhiều tour du lịch hấp dẫn đã được hình thành như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội,” “Một ngày ăn cơm ba nước”, du lịch Canavan… Theo thống kê của cơ quan Du lịch quốc gia Thái lan, Lào và Campuchia thì văn hóa là sản phẩm hấp dẫn thu hút đông khách du lịch nhất.

 

Một điều dễ nhận thấy là sản phẩm du lịch ở các nước Tiểu vùng sông Mê Kông còn đơn điệu, nhiều sản phẩm na ná giống nhau, chưa tạo được thương hiệu mạnh mang tầm toàn cầu; giữa các quốc gia, các vùng miền, các công ty du lịch còn hoạt động riêng lẻ, chưa tạo được sự liên kết, tiếng nói chung trong hoạt động du lịch...

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHAI THÁC TIỀM NĂNG VĂN HÓA ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

 

Một là, cần kết hợp chặt chẽ giữa khai thác và bảo vệ các giá trị văn hóa. Mối quan hệ biện chứng của du lịch và văn hóa là mối quan hệ tương tác, phối hợp, bổ trợ lẫn nhau. Văn hóa là tác nhân quan trọng cho phát triển du lịch và ngược lại, phát triển du lịch là tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Điều đó có nghĩa là trong quá trình khai thác các giá tri văn hóa phục vụ mục đích du lịch cần phải chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, tránh tác động tiêu cực làm cho văn hóa bị mai một, biến dạng so với nguyên bản, bị thương mại hóa. Đồng thời, có kế hoạch đầu tư trở lại để bảo tồn và phát triển văn hóa, làm cho văn hóa được phát triển và thăng hoa.

 

Thông thường sau mỗi chuyến tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa sẽ là dấu ấn khó phai, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng du khách. Với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, mỗi quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đều có truyền thống, bản sắc văn hóa riêng, do đó cần xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa, truyền thống và tính đặc thù khác biệt của từng nước, từng vùng miền, tránh tình trạng bắt chước, làm theo hời hợt và hình thức, không gây ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Phải bằng mọi cách cố gắng tạo ra được các sản phẩm du lịch văn hóa đủ sức cạnh tranh với các điểm du lịch khác.

 

Hai là, nghiên cứu, lồng ghép các tour du lịch văn hóa hiện có của mỗi nước, mỗi vùng miền trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông để trở thành những tour du lịch chung của khu vực trên nguyên tắc tôn trọng định hướng du lịch quốc gia của mỗi nước, song có sự diều chỉnh nhằm hạn chế sự trùng lặp về sản phẩm du lịch; khai thác có hiệu quả nhất những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi quốc gia trong vùng.

 

Căn cứ vào những đặc diểm chung về văn hóa của các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông để tạo dựng thương hiệu mạnh về du lịch văn hóa đủ sức cạnh tranh với các khu vực khác trên thế giới. Có thể căn cứ vào giá trị của các di sản văn hóa của nhân loại để xây dựng tour du lịch khám phá di sản các nước trong vùng hoặc căn cứ vào sự phổ biến của đạo Phật ở các nước trong khu vực, xây dựng các tour du lịch hành hương dành riêng cho các tín đồ Phật tử.

 

Ba là, kết hợp du lịch văn hóa với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm. Không ngừng sáng tạo đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa nhằm tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho du khách, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của các loại khách. Đoạn tuyệt với cách làm tour đơn giản, chuyên biệt, độc lập, khô cứng; cần sáng tạo và linh hoạt trong tổ chức tour du lịch văn hóa, sự kết hợp khai thác các sản phẩm du lịch đặc sắc và có tính đặc thù của từng vùng miền, từng quốc gia.

 

Rất nhiều cách kết hợp du lịch văn hóa với các sản phẩm du lịch khác. Có thể kết hợp du lịch lễ hội với du lịch tâm linh - tín ngưỡng; du lịch khám phá di sản văn hóa, kết hợp du lịch hoài niệm, hồi tưởng; du lịch văn hóa gắn với du lịch thể thao, nghỉ dưỡng biển, ẩm thực; du lịch khám phá các di tích chiến tranh, di tích lịch sử kết hợp du lịch sinh thái, mua sắm…

 

Bốn là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiên nay, liên kết để phát triển là xu thế tất yếu. Vì vậy, cần tăng cường liên kết cơ quan quản lý du lịch quốc gia, các cơ quan xúc tiến du lịch, các công ty lữ hành các nước Tiểu vùng sông Mê Kông trong hoạt động khai thác du lich nói chung và du lich văn hóa nói riêng nhằm xây dựng chiến lược phát triển du lịch, tạo sự ổn định của hệ thống dịch vụ sử dụng, mức giá cạnh tranh với các điểm đến khác; liên tục sự phối hợp trong vấn đề tạo ra sản phẩm chung cũng như việc nghiên cứu đổi mới sản phẩm văn hóa - du lịch.

 

Mọi cố gắng đều hướng đến việc tạo ra các nhóm Công ty liên kết nhằm tổ chức khai thác một cách chuyên nghiệp, tạo sức mạnh chung cho khai thác khách du lịch văn hóa. Từng bước xúc tiến hình thành Hiệp hội Du lịch các quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông.

 

Năm là, cùng với tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN với các trụ cột chủ yếu, trong đó trụ cột văn hóa có ý nghĩa giao thoa và tiếp biến mạnh mẽ. Các quốc gia trong vùng cần xây dựng các chiến lược quảng bá tuyên truyền hình ảnh đất nước, con người, truyền thống văn hóa và tiềm năng du lịch của mình một cách sâu rộng trên phạm vi quốc tế. Theo đó, các địa phương, nhất là các quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tích cực tuyên truyền, quảng bá văn hóa đặc sắc và thế mạnh về du lịch của mình, quảng bá những nét tương đồng văn hóa đặc sắc và tiềm năng du lịch của các quốc gia khác trong vùng, tạo ra sức mạnh chung, có sức lan tỏa mạnh mẽ thu hút du khách khát khao khám phá.

 

Đi đôi với quảng bá, tuyên truyền cần tăng cường nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đi lại trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. Giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, lệ phí nhiêu khê, áp dụng công nghệ tiên tiến kiểm soát tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ, sân bay, hải cảng. Trước hết là các quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây. Đây là điểm mấu chốt cơ bản tạo ra không gian văn hóa – Du lịch thông thoáng để khách du lịch được thỏa sức tham quan, khám phá các nét đẹp văn hóa của các nước trong khu vực.

 

Sáu là, văn hóa do nhân dân sáng tạo ra  nên văn hóa là của nhân dân. Vì vậy, các địa phương các nước trong khu vực cần có những chính sách, những giải pháp tạo điều kiện để nhân dân được trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch văn hóa nhằm tạo ra môi trường du lịch – văn hóa cộng đồng phát triển bền vững.

 

Cần tạo cơ chế phù hợp để khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của mình. Đồng thời, khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống mỗi tộc người, mỗi cộng đồng để phát triển du lịch đem lại lợi ích chung, trong đó họ được quyền chia sẻ lợi ích một cách thỏa đáng. Đó chinh là cơ sở, là lý do để từng tộc người, cộng đồng dân cư yêu mến, trân trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của mình, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong đó phát triển du lịch là hướng mở chủ đạo.

 

Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch là một hướng đi đúng trong hoạt động du lịch cũng như trong công tác bảo tồn, tôn tạo, xây dựng và phát triển văn hóa. Song để đạt được hiệu quả cao, đòi hỏi phải tiếp cận vấn đề một cách tổng thể và phải được nghiên cứu bài bản, khoa học. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan cũng như sự tham gia đông đảo, tích cực từ phía cộng đồng các quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông.

 

                                                  TS. Nguyễn Văn Dùng

                                                  ThS. Nguyễn Tiến Lực
Nguồn: www.vtr.org.vn

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: