Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland
Xem Tiếp...
ĐẾN CỔ VIÊN LẦU NGẮM NHÀ CỔ
22 căn nhà cổ từ nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ “tụ hội” trên một khuôn viên rộng chừng 2 ha trong một hẻm núi ngay sát khu du lịch Tam Cốc – Bích Động (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Nơi ấy có tên gọi Cố Viên Lầu.

 Cố Viên Lầu có một vị trí rất đặc biệt. Mấy ngọn núi đá nhỏ nối nhau chạy thành một cái hình cánh cung và ở hai đầu cánh cung là hai ngọn núi nhô cao. Cố Viên Lầu nằm trọn vẹn trong cái cánh cung bằng đá. Ngay cả khi đến khu nhà cổ giữa trưa Hè, vẫn thấy mát lịm, bởi màu xanh trùm kín những ngọn núi xung quanh – một màu xanh hòa quyện giữa màu lục của cây và màu lam của núi đá. Nằm cách khu dân cư một quãng, những căn nhà gỗ, vốn được chạm trổ cực kỳ tinh vi, trở nên mát khá tịch mịch, nhất là chiều tà.

 

22 căn nhà được bố trí hài hòa, mỗi căn nhà đều được giới thiệu khá chi tiết về lịch sử của chính nó. Những ngôi nhà này thuộc nền văn hóa đồng bằng sông Hồng, có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, được làm bằng gỗ quý với những đường nét chạm khắc hoa văn tinh tế, sinh động, mang đậm màu sắc nghệ thuật và văn hóa dân tộc Việt. Và trong mỗi ngôi nhà ấy là những tủ kính trưng bày đồ cổ một cách hệ thống, khoa học theo thể loại và chất liệu riêng. Chẳng hạn, nhà cổ Nông Cống (1847), đời vua Tự Đức trưng bày đồ gốm Lý - Trần và đồ gốm Hán - Việt thế kỷ 11-14; nhà cổ Ý Yên (1883) trưng bày đĩa bát gốm men ngọc thời Lý và thạp gốm men trắng vẽ nâu, thế kỷ 11-13; đặc biệt, nhà cổ Thọ Xuân (1802) thời vua Gia Long, trưng bày hơn 70 chiếc chóe rồng (chóe rượu) đời Thanh. Những ngôi nhà khác trưng bày đồ đồng Đông Sơn, đồ trang sức, bát đĩa, mũi tên, giáo, rìu có bề dày hàng nghìn năm lịch sử.

 

Cố Viên Lầu như một làng quê Bắc bộ Việt Nam cổ kính cách nay vài trăm năm. Một số ngôi nhà cổ 5 gian đã được cải tạo hai gian ở hai đầu làm phòng nghỉ, có công trình phụ khép kín để phục vụ khách tham quan. Ở sát sườn núi đá là một hồ sen, giữa hồ được xây dựng một công trình thủy tọa rất thơ mộng, mang tên Nghênh tân gác, có 6 mái ngói và 3 cây cầu bắc qua. Nơi đây dành cho du khách ẩm thực, ngắm cảnh và thưởng thức văn nghệ dân gian với những đặc sản Ninh Bình nói riêng, đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Chủ nhân của Cố Viên Lầu là Nguyễn Minh Thoa. Cố Viên Lầu chính thức khai trương vào tháng 4/2008, nhưng ngày khởi công đã diễn ra cách đây 10 năm. Một thập niên xây dựng Cố Viên Lầu là chừng ấy năm ông chủ lăn lưng vào công trường.

 

Nguyễn Minh Thoa mê cổ vật từ cách đây hơn 20 năm. Hồi ấy, chả mấy ai quan tâm đến đồ cổ. Có người sở hữu đống bát cũ kỹ, hoặc sướng điên khi thấy có lão “hâm” nào đấy gạ đổi cho chục bát Hải Dương, hoặc quẳng làm bát cho chó, cho mèo... Thế mà anh đã sục sạo trong tất cả hang cùng ngõ hẻm để mua kỳ được. Anh đi nhiều nơi, cho đến khi nhận ra rằng có một món đồ cổ đang trên con đường mai một, không khác gì chiếc xe lao xuống dốc không phanh: Nhà cổ. Các làng quê người ta lấy ngôi nhà mái bằng làm thước đo của sự thành đạt. Những ngôi nhà bị xẻ đi không thương tiếc, để lấy gỗ đóng salon nan, hoặc làm gỗ ốp chân tường. Số khác lọt vào tay những trọc phú, mua nhà cổ để khoe sự giàu sang. Đó là lý do Thoa quyết mua nhà, dựng lại không gian Việt.

 

Anh chỉ mua, nếu người ta cần bán, và cũng chỉ mua những ngôi nhà có lý lịch “sạch” – đó mới là những cái đáng để lưu giữ, cho con cháu mai sau. Trong số này, anh dành nhiều tình cảm nhất, là căn nhà gỗ mua được tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông chủ Cố Viên Lầu cho biết, đây là một căn nhà có lịch sử đáng tự hào. Nguyên nó do họ hàng đóng góp xây tặng một vị quan của triều đình, vị quan ấy từng là giám khảo của các kỳ thi trong thời phong kiến trước kia. Dòng họ này cũng từng nhiều lần được vinh hiển. Toàn bộ ngôi nhà được dựng bằng lim xanh của Thanh Hóa. Tất cả kích thước, đường chạm đều đạt chuẩn mực. Thoa đã may mắn mua được ngôi nhà này bởi nó cũng lọt vào “tầm ngắm” của rất nhiều đại gia khi chủ nhà bán đi do không có con trai nối dõi.

 

“Sau mỗi ngày làm việc vất vả, con người ta ai cũng có những phút trung xuống, những phút nghỉ ngơi. Hẳn các vị sẽ có lúc ngồi mà nhìn lên trần nhà nhà mình. Cảm giác sẽ hoàn toàn khác, giữa một ngôi nhà bê tông và một ngôi nhà gỗ, những đường đục chạm của cha ông, ẩn chứa nhiều triết lí nhân sinh. Không lẽ ngắm nhà bê tông để nhận ra mình là người Việt?”, Thoa bảo thế.

Không lấy một xu tiền tham quan, được đắm mình trong những nếp nhà xưa cũ, nhấm nháp những bát nước vối. Không những thế, nếu may mắn, mọi người còn được đích thân ông chủ Cố Viên Lầu hướng dẫn tham quan những ngôi nhà cổ. Rất nhiều người đã tìm đến Cố Viên Lầu, như tìm lại cái bản thể của mình, mà thường ngày, nhiều khi người ta không nhận ra vì cuộc sống quá xô bồ. Đó chính là mục đích của Nguyễn Minh Thoa. Lý do duy nhất khiến anh dựng Cố Viên Lầu là “để mọi người cùng hiểu thêm về giá trị của kiến trúc Việt, của không gian Việt”.

Dã Liên

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: