Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

7 phong tục kỳ lạ ở châu Phi 7 phong tục kỳ lạ ở châu Phi
Những thị trấn kỳ lạ nhất thế giới Những thị trấn kỳ lạ nhất thế giới
Xem Tiếp...
KHAI THÁC LỢI THẾ VĂN HÓA TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH

TS. Nguyễn Văn Hiệu
Như tất cả các hoạt động khác, hoạt động du lịch có mặt văn hóa của nó.  Đấy vừa là phẩm chất của một dạng thức hoạt động, vừa là một thứ vốn đặc thù – vốn văn hóa (cultural capital). Vốn văn hóa không chỉ là vốn tri thức, là trình độ văn hóa hay kỹ năng của một cá nhân gắn liền với sự thành công hay thất bại của cá nhân đó trong đời sống kinh tế - xã hội [xem Chris Barker 2004: 37] mà còn là một tài sản, một kiểu giá trị nằm trong bản chất của văn hóa. Nếu biết khai thác, vốn văn hóa sẽ trở thành nguồn lực lớn lao trong hầu khắp các lĩnh vực hoạt động. Bài viết này chỉ đi vào phân tích lợi thế của hoạt động du lịch từ  một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa.


Từ tính đa dạng của văn hóa

Văn hóa thống nhất trong đa dạng. Tiếp cận từ đặc trưng, Trần Quốc Vượng xem đấy là bản chất và cũng là biểu hiện của văn hóa [Trần Quốc Vượng 2003: 42]. Tiếp cận từ góc độ giá trị và nhân văn, trong Tuyên ngôn toàn cầu về đa dạng văn hóa, UNESCO xem tính đa dạng của văn hóa, ở cấp độ toàn cầu, là “di sản chung của nhân loại” (the common heritage of humanity), “cần thiết cho loài người như sự đa dạng sinh học cần thiết cho tự nhiên” (as necessary for humankind as biodiversity is for the nature). Điều đáng lưu ý là UNESCO, qua quan điểm của ông Tổng Giám đốc Koichiro Matsuura, xem đa dạng văn hóa chính là đời sống (a living), là tài sản luôn đổi mới (renewable treasure), đảm bảo cho sự sống của con người chứ không phải là di sản bất biến (unchanging heritage) [UNESCO 2002].

UNESCO tuyên ngôn về đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, nhất là ngay sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001. Trong Tuyên ngôn này, UNESCO bày tỏ mối quan ngại về thách thức của quá trình toàn cầu hóa đối với đa dạng văn hóa, nhưng cũng đồng thời xem đó là điều kiện mới cho việc đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, nhưng có thể xem xét thêm từ một góc độ khác, góc độ ý thức về bản sắc văn hóa của một cộng đồng, một nền văn hóa. Theo Zdzislaw Mach, một trong những đặc điểm của thế giới hiện đại “là sự nảy sinh và phát triển của những khuynh hướng chia rẽ, sự đấu tranh vì tự trị văn hóa, sự tìm kiếm những cội nguồn và truyền thống văn hóa, sự nhấn mạnh đến những đặc thù văn hóa, và quyền của một nhóm đối với dạng thức đặc thù của sự phát triển” [Zdzislaw Mach 1993: ix]. Cũng trên tinh thần đó, Diminique Wolton khẳng định: “Càng đi lại nhiều, càng hướng ra thế giới, tham gia vào thế giới hiện đại và vào một kiểu ‘văn hóa toàn cầu’, con người càng chứng minh được nhu cầu bảo vệ bản sắc văn hóa, bản sắc ngôn ngữ, bản sắc địa phương của mình” [Diminique Wolton 2006: 26]. Và như vậy, vô hình trung, mỗi nền văn hóa sẽ góp phần làm phong phú hơn tính đa dạng của văn hóa ở một cấp độ sâu hơn. Tất nhiên nhu cầu và ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa, bảo vệ cái riêng ở đây không đồng nghĩa với việc khép kín, bảo thủ, đi ngược lại với quy luật giao lưu và tiếp biến văn hóa, đi ngược với quy luật vận động và phát triển của văn hóa.

Tính đa dạng của văn hóa không chỉ ở cấp độ toàn cầu, trong tương quan giữa các nền văn hóa. Mỗi nền văn hóa là một thể thống nhất trong đa dạng và cũng gắn với những quy luật chung của ý thức về cộng đồng, về bản sắc riêng của các cấp độ văn hóa. Có điều, trong nội bộ một nền văn hóa, sự liên kết giữa các tiểu văn hóa, giữa các cấp độ văn hóa chặt chẽ hơn do có sự gắn kết và chia sẻ ký ức chung, hệ giá trị chung trong quá trình phát triển lịch sử, trong cơ chế tự bảo vệ những giá trị chung trong tương tác với những nền văn hóa khác.

Đến lợi thế của sự khác biệt

Trên quan điểm về giá trị từ góc nhìn của khoa học văn hóa, khó có thể nói nền văn hóa này có giá trị hơn nền văn hóa khác. Bên cạnh những giá trị phổ quát do tính thống nhất của văn hóa đem lại, giá trị cụ thể của từng nền văn hóa trong so sánh với nền văn hóa khác chính là ở sự khác biệt và vốn văn hóa trước hết nằm ở tính đa dạng, ở sắc thái đặc thù của các dạng thức văn hóa.  Đây là tiền đề cơ bản hình thành nên hoạt động du lịch và hoạt động này, từ trong bản chất, là hoạt động gắn liền với văn hóa, nhất là từ phía người đi du lịch.

Có thể nói, tìm kiếm, thưởng thức, trải nghiệm những cảm xúc mới mẻ ở những vùng đất mới luôn là mong ước của mỗi người, nằm trong bản chất thích khám phá ở con người. Nhiều ghi chép từ thời cổ đại (như của Herodotus, Julius Cesar), cho thấy sự thích thú của con người trong việc khám phá những vùng đất mới và đi du lịch, như là một trong những biểu hiện của đời sống văn minh (civilized life), đã khá phổ biến từ thế kỷ 12 [www.lotsofessays.com]. Khi nhu cầu có thực và du lịch thành hiện tượng phổ biến, tất yếu sẽ nảy sinh kinh doanh, dịch vụ, nảy sinh ngành du lịch với những quan hệ có tính đặc thù của nó. Khi phương Tây phát triển kinh tế tư bản, điều kiện đi du lịch được mở rộng hơn, chính ghi chép của nhiều nhà du lịch về những vùng đất xa lạ, về những nền văn hóa sơ khai ngoài phương Tây, đã góp phần đánh dấu bước ngoặt của ngành du lịch ở phương Tây và góp phần không nhỏ trong việc hình thành khoa nghiên cứu tộc người học, nhân học vào cuối thế kỷ 19.       

Không phải ngẫu nhiên đến nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Theo tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), trong nhiều thập niên qua, ngành du lịch ngày càng phát triển, đa dạng về loại hình và là một trong những lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, trở thành một động lực chủ yếu (a key driver) đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội [www.uneto.org]. Về phía mình, mỗi một quốc gia đều tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và ngày càng chú ý hơn đến việc khai thác những lợi thế văn hóa trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói này, trong đó, các nước đang phát triển có những lợi thế riêng, và cả những thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Xét về vốn văn hóa, Việt Nam đã và đang có những lợi thế nổi bật trong hoạt động và phát triển du lịch, từ nguồn lực con người đến sự đa dạng về tài nguyên văn hóa. Ở đây chỉ kể một số điểu kiện và đặc điểm cơ bản gắn liền với lợi thế nhìn từ đặc trưng tính đa dạng của văn hóa:  

Trước hết, về điều kiện cần, do những hoàn cảnh lịch sử đặc thù, Việt Nam là một trong những nước chỉ thực sự xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới trong những thập niên gần đây, đảm bảo được là một trong những điểm đến mới (new destination) cho những khám phá mới, trải nghiệm mới. Chính nhận thức được lợi thế này, chính phủ Việt Nam từ rất sớm đã quảng bá Việt Nam là “Điểm đến của thiên niên kỷ mới” và trong gần thập niên qua, tuyên bố trên đã phần nào trở thành hiện thực [xem thêm thống kê về số lượng khách du lịch trên http://www.vietnamtravel.org/vietnam-tourism-statistics]. Một trong những điểm giúp Việt Nam thu hút được du khách nước ngoài, nhất là đối với du khách ở các nước phát triển, lại chính vì Việt Nam là một nước đang phát triển (developing country). Việt Nam chưa chịu sự tác động nhiều của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên bảo lưu được nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nhiều hình thái tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục và lối sống của xã hội truyền thống, thích hợp với những trải nghiệm văn hóa mới mẻ của du khách đến từ các nước phát triển.

Thứ hai, về mặt an ninh con người, cũng là một trong điều kiện tối cần cho một điểm đến, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia bình yên, đảm bảo cho an ninh du lịch đứng vào hàng thứ nhất của châu lục. Theo tạp chí Conde Nast Traveller, một trong những tạp chí du lịch uy tín của Mỹ, trong thời kỳ bất an, khủng bố hiện nay, Việt Nam là một trong những điểm đến an toàn nhất (one of the safest places) của du khách. Cũng theo khảo sát của tạp chí này vào năm 2007, Việt Nam là một trong 20 điểm đến được yêu thích nhất trong năm và dự báo Việt Nam sẽ lọt vào nhóm 10 điểm du lịch yêu thích nhất vào năm 2016 [http://www.concierge.com/cntraveler].

Thứ ba, không chỉ là điều kiện mà là lợi thế văn hóa xuất phát từ những đặc điểm văn hóa nổi bật của Việt Nam. Về cảnh quan, Việt Nam có cảnh quan văn hóa đa dạng của vùng bán đảo đặc trưng thuộc khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa với nhiều di sản thiên nhiên kỳ thú, trong đó có những cảnh quan được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng). Về mặt cấu trúc, Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, các tộc người đều có đặc trưng văn hóa riêng, tạo nên một bức khảm văn hóa đa sắc màu, thống nhất trong đa dạng. Nhiều di sản văn hóa Việt Nam mang đậm dấu ấn đóng góp của văn hóa đa tộc người được công nhận là di sản văn hóa thế giới (Kinh thành Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…).

Đặc biệt là Việt Nam có một truyền thống văn hóa – lịch sử đặc thù mà đối với du khách, đấy là truyền thống vừa đặc sắc vừa chứa đầy nghịch lý cần khám phá: một nền văn hóa uyển chuyển, dung hòa, sáng tạo và giữ vững được bản sắc trong những điều kiện tiếp xúc văn hóa hầu hết là không bình thường; một đất nước, một dân tộc nhỏ bé lại làm nên những kỳ tích thật vĩ đại trong chiến tranh chống Nguyên - Mông, chống Pháp, chống Mỹ… Và một Việt Nam xã hội chủ nghĩa lại chủ trương làm bạn với tất cả các nước, đã và đang thực hiện chính sách đổi mới đầy hiệu quả và ngày càng có vị trí trên trường quốc tế…

Nhìn chung, khó thể kể hết về những lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Điều có thể khẳng định rằng, tổng hợp các điều kiện và chỉ cần nhìn từ khía cạnh đa dạng văn hóa, từ lợi thế của sự khác biệt, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng là điểm đến của thiên niên kỷ mới. Vấn đề là làm thế nào để khai thác thật hiệu quả vốn văn hóa trong hoạt động du lịch theo hướng phát triển bền vững để du lịch Việt Nam không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là con đường để giao lưu, tiếp biến văn hóa năng động trong bối cảnh toàn cầu hóa.  tor-General

Và định hướng trong đào tạo nhân lực của văn hóa du lịch

Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, để đáp ứng được yêu cầu nói trên đòi hỏi phải nỗ lực trên mọi phương diện để tận dụng lợi thế văn hóa cũng như khắc phục những hạn chế, những thách thức thường là rất lớn đối với các nước đang phát triển. Trong đó, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch đóng vai trò rất quan trọng.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001-2010 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 22 tháng 7 năm 2002, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành du lịch với cơ cấu nhân lực phù hợp được coi là một trong những giải pháp chủ yếu [www.asianlii.org/vn/legis/laws]. Tuy vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch nước ta đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều trường cao đẳng, đại học ở nước ta có đào tạo chuyên ngành du lịch/văn hóa du lịch nhưng gặp phải khó khăn chung của hầu hết các cơ sở tào tạo chuyên ngành. Đó là chất lượng thí sinh đầu vào còn thấp, khó có thể tiếp nhận nhanh chóng và căn bản những tri thức, kỹ năng hiện đại. Chỉ riêng trình độ ngoại ngữ đã là một thách thức lớn. Đào tạo chuyên ngành du lịch ở nước ta vẫn còn khá mới mẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều chuyên gia giỏi và việc đào tạo cũng hướng đến đáp ứng những nhu cầu thực tiễn trước mắt hơn là đào tạo bề sâu, gắn với những định hướng lâu dài.

Nhìn từ mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch, tôi cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo tri thức văn hóa học cho người học chuyên ngành du lịch, cung cấp cho họ những lý luận cơ bản về văn hóa để có thể khai thác ngày càng có hiệu quả vốn văn hóa trong hoạt động du lịch. Nhiều khi chúng ta đặt nặng việc xây dựng các điểm du lịch theo phong cách hiện đại nhưng lại quên mất rằng chính tính khác biệt, tính độc đáo mới là lợi thế văn hóa thực sự.

Đào tạo du lịch ở Việt Nam cũng không thể tách rời với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh thời đại. Người học cần được cung cấp một cách hệ thống về văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới trên quan điểm xuyên văn hóa để có khả năng hoạt động tốt trong môi trường tiếp xúc đa văn hóa trên tất cả các lĩnh vực của hoạt động du lịch. Tất nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và trình độ ngoại ngữ là những mặt không thể thiếu trong hoạt động du lịch.              

           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Quốc Vượng 2003, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, H.: Nxb. Văn học.
  2. Zdzislaw Mach 1993, Symbols, Conflict, and Identity, Essays in Political Anthropology. State University of New York Press.
  3. Diminique Wolton 2006, Toàn cầu hóa văn hóa (Đinh Thùy Anh và Ngô Hữu Long dịch), H.: Nxb Thế giới.
  4. UNESCO 2002, Universal Declaration on Cultural Diversity, http://unesdoc.unesco.org/images/0012/001271/127160m.pdf
  5. http://www.lotsofessays.com
  6. http://www.unwto.org
  7. http://www.concierge.com/cntraveler
  8. http://www.asianlii.org/vn/legis/laws

 

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn (11/2009)

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: