Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Thành cổ Fatehpur Sikri - tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ Thành cổ Fatehpur Sikri - tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ
Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Xem Tiếp...
VIỆC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO SẢN PHẨM THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG HUẾ


VIỆC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO SẢN PHẨM

THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG HUẾ:

THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG HỆ QUẢ CẦN ĐỐI MẶT 

                                                                                                                                                                                                     Nguyễn Hữu Thông

T
Ừ GÓC NHÌN LỊCH ĐẠI

Có những hiện tượng của xã hội đương đại, nếu chỉ lý giải trên nền so sánh đồng đại, hoặc giải thích những hệ quả có tính xâu chuổi trong một giới hạn nhất định của thời gian, có thể dẫn ta đến sự lúng túng trong quá trình phân tích một thực trạng. Có những biểu hiện hay thuộc tính, hình thành, chi phối, tạo nên một số đặc trưng trong đời sống kinh tế-văn hóa của một cộng đồng, vùng miền cụ thể, nhưng, nguyên nhân lại không thể nhận ra từ quan sát hay thống kê được bằng định lượng.

 Một xã hội lấy nông nghiệp lúa nước làm nền tảng từ lâu đời như Việt Nam, đó là điều ai cũng có thể nhận ra qua những cứ liệu của lịch sử, thế nhưng, tâm lý tiểu nông tồn tại dai dẳng trong mỗi chúng ta, lại không dễ nhận diện cũng như từ bỏ chúng. Ngôi làng nông nghiệp, một sản phẩm rực rỡ nét son trong lịch sử chống ngoại xâm, cũng như trong quá trình bảo tồn bản sắc văn hóa Việt, nhưng, lại cũng chính từ đó, đồng thời xuất hiện những vật cản vô hình cho người làm tiểu nông trong tiếp nhận và giao lưu, tạo nên những tiền đề bất lợi cho sự hình thành những trung tâm thương nghiệp để kích thích thị trường hàng hóa.

Các ngành nghề thủ công vì vậy trải qua nhiều thế kỷ cũng chỉ dừng lại ở sứ mạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng tại chỗ, thậm chí, khó khăn lắm mới vượt ra được khỏi ranh giới ngôi làng của mình. Thiếu sự kích hoạt của thương nghiệp hàng hóa, cho nên ngành thủ công nghiệp đã không tách khỏi nông nghiệp để làm tròn sứ mạng của mình là tạo dựng được những trung tâm trao đổi buôn bán, làm tiền đề cho sự hình thành đô thị. Vì đây cũng là nơi, là điều kiện quan trọng để duy trì và nuôi lớn chính chúng.

Quá trình hình thành một số không ít đô thị Việt Nam thời phong kiến với những đặc thù của từng giai đoạn lịch sử, thường liên quan đến vai trò chính trị, hành chính, phong thuỷ… nhiều hơn là được tác động bởi sự phát triển vốn có của một điểm tập kết hàng hóa, trao đổi, thương nghiệp. Chính vì nguyên nhân chủ quan vừa nêu, loại đô thị này nhanh chóng trở thành khu trung tâm, tạo nên cơ hội nuôi sống những ngành nghề thủ công, thương nghiệp.., do sức hút của lao động, thị trường, nhu cầu tiêu thụ từ mối quan hệ lịch sử của chúng. Chính vì vậy, khi có sự chuyển dịch vai trò lịch sử, thì các dạng trung tâm như vậy sẽ chịu tác động và xáo trộn không nhỏ, dẫn đến sự tồn vong của nhiều ngành kinh tế. Tất nhiên, các hoạt động thủ công nghiệp cũng là nạn nhân mang tính hệ quả.

Chúng ta có thể xem đô thị Huế trong quá khứ như một ví dụ điển hình. Từ vai trò thủ phủ của xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của quốc gia phong kiến thời cận đại, nhiều nghệ nhân và ngành nghề nổi tiếng khắp nước đã quy tụ về đây theo lệnh trưng tập của chính quyền trung ương. Vô hình trung, Huế trở thành một trung tâm thủ công nghiệp quan trọng, cung ứng sản phẩm cao cấp cho nhiều nhu cầu của triều đình cũng như cho các tầng lớp hoàng thân quốc thích, quan lại, quý tộc, thượng lưu…quy tụ trên mảnh đất này. Ngoài những quan xưởng, tổ chức và biên chế theo dạng lính thợ trong các công trường thủ công phong kiến, còn có nhiều tượng cục đăng ký hoạt động và được triều đình công nhận theo chính sách riêng. Bên cạnh đó, các làng nghề dân gian cũng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giải quyết thị trường, nhân lực, nguyên liệu lẫn nhu cầu.

Chính vì những lẽ trên, khi vai trò lịch sử của Huế không còn nữa, đồng thời với nó là sự quay về cố hương của nhiều thợ thủ công, cũng như sự biến mất vội vã sau đó của nhiều ngành nghề quan trọng và tinh xảo. Tất nhiên, từ nhiều nguyên nhân, có những dòng họ hay cá nhân những tay thợ giỏi tiếp tục ở lại, nhưng, đây không phải là trường hợp phổ biến, cũng như không vì thế mà tình hình thủ công nghiệp hạn chế được sự biến động theo chiều hướng bất lợi.

Một loạt công trường thủ công sản xuất những mặt hàng cao cấp theo lệnh trưng tập của triều đình đã định hình một phương thức hoạt động ở Huế trong quá khứ, mà nhu cầu đào tạo thợ cả tại chỗ là hoàn toàn không cần thiết, cho nên, khỏang trống để lại cho Huế khi giải thể các tổ chức này là điều tất yếu và đáng tiếc. Việc kế thừa về mặt nhân lực, tay nghề lẫn loại hình sản phẩm trong tình hình ấy so với thực tại, chúng ta không thể chỉ đổ thừa vì thời gian hay do thất truyền như tình hình thường thấy ở những địa phương khác.

Từ những vấn đề như vừa nêu, cần thấy rằng quá trình hình thành và những thăng trầm của các làng nghề thủ công truyền thống ở Huế vừa mang số phận chung như những làng nghề khác phổ biến trên nhiều địa phương của cả nước, vừa có những ưu thế và thiệt thòi riêng do vai trò của Huế trong lịch sử.

II. NHỮNG HỆ QUẢ PHẢI ĐỐI MẶT

Không ai trong chúng ta khi nhìn những sản phẩm đang hiện hữu trên nhiều di tích, trong không gian nội thất của cung đình, chùa chiền, hay một số phủ đệ, tư gia hoặc trong bảo tàng, sưu tập cá nhân ở trong lẫn ngoài nước mà lại không nhận ra một thời kỳ vàng son tuyệt đỉnh đối với hoạt động và thành quả của các ngành nghề thủ công ở Huế. Tuy nhiên, đời sống cũng như nhu cầu xã hội trong mỗi thời điểm đều đòi hỏi những sự đáp ứng phù hợp, do vậy, sự mất đi hay không còn vị thế của nhiều mặt hàng thủ công ở Huế trong thương trường do hậu quả của nhiều nguyên nhân, âu đó cũng là lẽ thường tình.

Điều chúng tôi muốn đề cập trước tiên là đặc điểm nguyên uỷ của mặt hàng thủ công ngày trước không có gì khác hơn là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người. Có những mặt hàng giá trị sử dụng được đề cao hơn các yếu tố khác (1), nhưng, cũng có những sản phẩm giá trị nghệ thuật lại đứng trước hoặc ngang hàng với giá trị sử dụng (2).

Trong trường hợp (1) nền công nghiệp hiện đại đã dần thay thế, cũng như tước dần sự tồn tại của hầu hết sản phẩm cũ.

Trong trường hợp (2) phần lớn chúng bị thất truyền bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, đáng kể là sự thất thóat do nhu cầu bảo mật trong kỹ xảo nghề nghiệp, hoặc sản phẩm không còn phù hợp với xu hướng thẩm mỹ hiện đại.

Tất nhiên, trong trường hợp này, một số mặt hàng cũng vẫn duy trì được sức sống của mình một cách khó khăn và không còn giữ được chất lượng như xưa, bởi sự cạnh tranh trong bài toán thực dụng về mặt kinh tế.

 Hiện nay, thông qua việc giao lưu hội nhập kinh tế văn hóa, cũng như sức sống của chính thị trường nội địa, vị trí của nhiều mặt hàng thủ công đã có cơ duyên hồi sinh, kể cả những sản phẩm không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, để có được điều ấy, mỗi ngành nghề đều gặp những thuận lợi và khó khăn không giống nhau.

 Những hệ quả mà Huế hôm nay phải đối mặt biểu hiện trên nhiều lĩnh vực:

- So với những sản phẩm đã từng được sản xuất trên đất Huế, được đề cập và ca ngợi trong những sử liệu (Phủ biên tạp lục, Đại Nam hội điển sự lệ…) thì hiện nay đã vắng bóng phần lớn. Trong đó có những ngành nghề thất truyền từ lâu. Những lão nghệ nhân, vừa là chứng nhân lẫn chủ nhân của nhiều sản phẩm cần phục hồi, ngày càng vắng bóng. Hiện tượng ly hương của đội ngũ thợ trẻ ngày càng phổ biến và gia tăng.

- Thực trạng thị trường của sản phẩm thủ công ở Huế hạn chế bởi nhiều nguyên nhân. Sức hút của của Huế trong lĩnh vực này yếu ớt do không thực sự nổi trội từ vị trí, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, chính sách, lẫn quy mô dân số, mãi lực… Có thể vì thế, khiến các nhà đầu tư hay những đối tượng đủ khả năng tổ chức khai thác, mở rộng, thay vì đến Huế họ lại hút lực lượng lao động trẻ có tay nghề ra đi.

- Khỏang cách giữa quá khứ và hiện tại trong tiềm năng lẫn khả năng đã tạo nên sự chông chênh giữa danh phận và thực lực trong việc phục hồi những sản phẩm đã từng được sản xuất trên đất Huế. Trong lúc đó, chúng ta chưa có những động tác đánh giá đúng thực chất những đặc điểm của thế và lực hiện có, để biết mình cần phải bắt đầu từ đâu và bằng biện pháp nào.

- Thế của Huế là đất kinh kỳ xưa, cũng chính nơi đây là túi hứng tinh hoa thủ công Việt Nam trong một thời kỳ dài. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, sang, và tinh xảo đã được sản xuất để phục vụ nhiều tầng lớp xã hội đặc thù đương thời. Chính vì vậy, khi nghĩ về Huế, du khách hay người tiêu dùng thường liên tưởng nhiều nhất đến đặc điểm ấy. Trong lúc đó, thực chất, chúng ta đã mất đi hầu hết những con người cũng như kỹ thuật để đáp ứng kỳ vọng đó của khách hàng.

- Lực của Huế hiện nay là đại đa số những nghề đang hiện hữu không đủ hấp dẫn để nằm trong danh sách mà người tiêu thụ chờ đợi, đây là một thực tế quá khó khăn để chúng ta có thể bình thảng đối diện. Cứ thử điểm qua một số ngành nghề thủ công tiêu biểu hiện nay như đúc, thêu, chạm khảm, tranh dân gian…đều không phải là những gì nổi trội so với mặt bằng toàn quốc, thậm chí, chúng ta đang đứng trước một thử thách lớn là đang đánh mất dần chất riêng của Huế trong phong cách và giá trị nghệ thuật thể hiện, bởi, một lẽ dễ hiểu là kẻ yếu bao giờ cũng có xu hướng mô phỏng sự thành công của kẻ mạnh.

Việc xác định thế mạnh và cái riêng của chính mình mù mờ chừng nào thì việc tìm thị trường cho sản phẩm càng khó chừng đó. Bài toán ấy đơn giản đến mức ai cũng nhận ra, nhưng không dễ để giải quyết chúng.

- Hầu hết những doanh nhân thành công bước đầu mang ước vọng làm ăn lớn đều có xu hướng tìm về các trung tâm kinh tế sôi động, hiện tượng này chẳng khác mấy so với việc mọi người đã tìm đến Huế trong những thế kỷ trước. Họ chính là kẻ có đủ phẩm chất và tiềm lực để có thể đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành kinh tế này.

 Suy cho cùng, số phận của mỗi làng nghề trong xã hội hiện đại nhiều lúc không phải do người thợ quyết định mà chúng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác, xuất phát từ những thông tin và khả năng nối kết họ với thị trường.

- Là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của quốc gia; là thành phố festival của cả nước, sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế có một vị trí quan trọng để tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách, cũng như mở ra cho tỉnh nhà một ngành kinh tế quan trọng trong giao lưu thị trường nội địa và xuất khẩu. Tất nhiên, việc này đã có nhiều cuộc hội nghị, nhiều văn bản khẳng định, nhưng, thực tế chúng ta vẫn đang lúng túng trong việc giải quyết mối quan hệ không thể tách rời giữa cơ quan quản lý, nghệ nhân, giới kinh doanh và nhà khoa học. Bản thân làng nghề hay người thợ thủ công không đủ thông tin để phân biệt cái họ đang có và cái người đang cần. Vai trò của một vài cá nhân làm nên thương hiệu cho làng nghề như gốm Phù Lãng, Làng Ngòi, Bàu Trúc ở nước ta không phải nhiều, chính vì vậy, việc nhận diện ưu thế và sự thiệt thòi của từng ngành, từng nghề để cùng nhau kiếm tìm sinh lộ cho từng trường hợp cụ thể là rất cần thiết trong lúc này.

III. VẪN CÒN KỊP CHO NHỮNG CÁI BẮT TAY

Ở Thừa Thiên- Huế, theo chúng tôi có 4 nhóm nghề thủ công cần định dạng trong phát triển:

- (1) Nhóm nghề sản xuất những mặt hàng chất lượng cao và nặng tính cầu kỳ, có giá trị nghệ thuật, khẳng định thể diện cho nhiều nhóm xã hội, đại diện cho tầng lớp thượng lưu một thời. Sự hiện diện của loại sản phẩm trong nhóm này mang tính đồng bộ với không gian cung đình. phủ đệ, tư dinh, quốc tự, đền miếu mang tầm quốc gia…thời phong kiến Nguyễn, bao gồm các đồ tự khí, sinh hoạt, nghệ thuật, trang trí…Đó còn là những tặng phẩm đại diện cho quốc thể trong bang giao…, và rất nhiều trong số ấy đã từng được làm ra trên mảnh đất này.

- (2) Nhóm sản phẩm thủ công dân gian phục vụ nhu cầu đại chúng, như bao địa phương khác. Điểm đặc trưng của đối tượng này là sự biến tấu trong phong cách, cũng như trong xử lý kỹ thuật, dấu ấn nghệ thuật do ảnh hưởng của hệ ứng xử địa phương, cũng như chính sự tiểu vẻ vốn có từ mặt hàng cao cấp của nhóm (1) mà họ từng chứng kiến hàng ngày.

- (3) Nhóm sản phẩm xuất hiện muộn và mới lạ do quá trình tiếp thu từ nơi khác, hoặc tự sáng tạo tại chỗ để phong phú hóa mặt hàng thủ công cho địa phương.

- (4) Nhóm sản phẩm của các tộc người thiểu số ở phía tây Thừa Thiên Huế, mang đậm dấu ấn của nghệ thuật nguyên thuỷ, mang chức năng sử dụng nhằm đáp ứng đời sống của những làng bản du canh du cư và khép kín, đời sống còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và phương thức kinh tế hỏa canh.

Cả 4 nhóm đối tượng trên đều có những ưu thế và khó khăn hạn chế riêng trong việc bảo tồn, phục hồi và phát triển:

- Nhóm (1) hiện nay, những nghệ nhân có khả năng tổ chức và nắm được kỹ thuật sản xuất đã mất đi nhiều. Tuy nhiên, theo chúng tôi đây là một thế mạnh dành riêng cho Huế về mặt chính danh. Nơi có đủ lý do khách quan để sản xuất và phát triển mặt hàng này. Vấn đề còn lại là phương thức, giải pháp hợp lý và khả thi để có thể hợp tác với những dòng họ, con người cụ thể nắm bí quyết nghề nghiệp đang sống trên những làng nghề khắp nước. Đây chính là những di duệ của lớp tiền bối đã có không ít người từng sống ở kinh đô Huế và phục vụ trong các quan xưởng, tượng cục của nhà Nguyễn.

 Mời ai, và việc phục hồi trước mắt cũng như lâu dài những sản phẩm nào; phương thức hợp tác ra sao, theo chúng tôi, đó không phải là những phép toán không lời giải.

 Những sản phẩm một thời tưởng chừng như đã chôn vùi trong lớp bụi thời gian như trang phục, trang sức quý tộc Nguyễn, những nghi cụ bằng vàng bạc, đồng, giấy, vải, những tác phẩm khảm sành sứ, sơn mài, thếp vàng, gốm sứ, pháp lam.., trên thực tế, đã dần dần đựơc phục chế một cách thành công trong các di tích và bảo tàng. Chừng ấy sự kiện, đã có thể trả lời phần lớn câu hỏi về khả năng tái sinh những xưởng thủ công cao cấp nhằm phục vụ khách, cũng như tạo nên những điều chỉnh phù hợp để hình thành mặt hàng du lịch và xuất khẩu trên mảnh đất này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thợ tại chỗ của Huế đóng góp cho nhóm này không còn nhiều, cho nên, con đường phải đi chính là sự hợp tác. Mọi hình thức hợp tác đặc thù này quả là không bình thường, vấn đề là hãy chọn lấy nó, như một cứu cánh tất yếu cho dù lắm gian truân.

Cuộc “ tái trưng tập” vì một cố đô, thành phố festival, gồm những thợ thủ công nổi tiếng khắp nơi đang còn truyền nhân và di duệ, tất nhiên, không thể bằng quyền lực của kẻ bề trên như vua quan của khinh đô Huế ngày xưa, mà là tư thế và tâm lực của những người đi cầu hiền tài, là ý tưởng mà chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh trở lại từ tham luận của mình trong hội thảo của festival năm 2005.

- Nhóm (2) với những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay đã phản ánh sự chậm chạp và thiếu sự nhạy bén thị trường trong khai thác, tổ chức, mẫu mã, lẫn tiếp thị..Phải khách quan đánh giá đúng sự thật về chất lượng mặt hàng này trong mặt bằng chung của thị trường là không có gì nổi bật, sức cuốn hút và ấn tượng đối với người tiêu thụ là kém.

Chính vì vậy, sự góp sức trong việc tạo nên thế đứng cho nhóm (2) này cần đến sự liên kết của giới doanh nhân đủ tầm vóc, để thấy trên nền kỹ thuật truyền thống, lực lượng sản xuất, cũng như tay nghề hiện có ở mỗi nơi, để từ đó họ biết phải làm gì trong việc giải quyết mẫu mã, kỹ thuật cũng như có những thảo luận cần thiết với người thợ trong sự phối hợp và điều chỉnh các khâu sản xuất. Thậm chí là sự kết hợp kỹ năng của nhiều nghề trên một sản phẩm.

 Không ai có thể nhận diện được thế mạnh của mình khi thiếu thông tin thị trường, và, đó không phải là sở trường của những người thợ thủ công trực tiếp sản xuất, nhất là các lão nghệ nhân khi tuổi đời đã cột họ lại quanh quẩn trong ngôi làng của mình.

- (Nhóm 3): Sự hình thành một số ngành nghề mới, hay bổ sung để làm phong phú hơn mặt hàng cũ từ việc tiếp thu kinh nghiệm ở một nơi khác, đều là những xu hướng tích cực trong việc phát triển loại hình sản xuất này. Trên thực tế, chúng khó lòng khẳng định vị thế của mình, bởi lẽ, việc tiếp thu trọn vẹn tinh hoa của một ngành nghề mới từ nơi khác là một điều khó thực hiện trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn không thừa cho việc phong phú hóa bức tranh thủ công nghiệp một vùng đất, cũng như giải quyết thêm công ăn việc làm cho một số lao động. Vấn đề cần đặt ra ở đây là phương thức và mức độ tiếp biến trong quá trình sản xuất để tạo nên được dấu ấn của mình trên sản phẩm. Ở đây, việc hợp tác với những lực lượng ngoài đội ngũ người thợ trực tiếp sản xuất lại cũng được đặt ra như một điều ắt có, để có thể hiện thực hóa sự đóng góp của nó một cách bình đẳng như nhóm (1)và (2).

- (Nhóm 4): Trong địa bàn Thừa Thiên Huế ngoài người Kinh còn có sự cộng cư của nhóm Katuic gồm có các tộc người như TàÔi-Pacoh, Katu, Vân Kiều…Đó là những tộc người có nền văn hóa độc đáo và còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật nguyên thuỷ, bảo lưu nhiều dấu ấn của xã hội nông nghiệp hỏa canh, biểu hiện trên nhiều sản phẩm thủ công độc đáo từ công cụ sản xuất, sinh hoạt, phục sức, trang sức, cho đến nhạc cụ, nghi cụ... trong đời sống thường nhật và cả trong lĩnh vực tâm linh, diễn xướng, tạo hình.

 Tìm hiểu đối tượng này để sản xuất một cách có mục đích và kế hoạch, tạo cho chúng cơ hội để có thể góp mặt một cách xứng đáng trong di sản các ngành nghề thủ công truyền thống của địa phương, cũng như dự phần làm phong phú hóa loại hình sản phẩm, tạo nên sự hấp dẫn đối với những du khách đến từ những xã hội công nghiệp phát triển.

*

*          *

Với những thế mạnh và thách thức vừa nêu, điều đầu tiên đáng bàn ở đây là cùng nhau khẳng định thế và lực của Huế một cách chính xác, cũng như có những thống kê điều tra về lực lượng tay nghề, phân định thực trạng của từng nhóm nghề, cũng như tạo được môi trường hợp tác một cách toàn tâm toàn ý giữa những thành phần khác nhau trong việc hoạch định kế hoạch và biện pháp có liên quan đến việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công dưới góc độ chủ trương chính sách, hiệu quả kinh tế và giữ gìn bản sắc…

Nếu thiếu một trong những yếu tố trên thì việc phục hồi sản phẩm thủ công như ước vọng bấy lâu sẽ khó lòng thực hiện được. Hơn lúc nào hết phải có được cái bắt tay thực sự như mong đợi giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người thợ trực tiếp sản xuất, mới mong nói đến vai trò và sự phát huy tác dụng của sản phẩm thủ công trong bối cảnh hiện nay.
                                                                                                                                          
Nguồn: www.vanhoahoc.edu.vn

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: