Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

7 phong tục kỳ lạ ở châu Phi 7 phong tục kỳ lạ ở châu Phi
Những thị trấn kỳ lạ nhất thế giới Những thị trấn kỳ lạ nhất thế giới
Xem Tiếp...
XÂY DỰNG MÔ HÌNH DU LỊCH CHIẾN TRANH THEO CÁCH TIẾP CẬN CỦA “TƯ DUY ĐỘT PHÁ”
XÂY DỰNG MÔ HÌNH DU LỊCH CHIẾN TRANH THEO CÁCH TIẾP CẬN CỦA “TƯ DUY ĐỘT PHÁ” TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững ( STDe) Việt Nam là quốc gia được cả thế giới biết đến qua những cuộc chiến tranh giữ nước trong lịch sử. Nhiều nơi trên đất nước ta vẫn còn dấu tích của các nghĩa trang, ngục tù, chiến trường và các bảo tàng trưng bày bằng chứng về tội ác của quân xâm lược. Đây là một trong những điều đặc biệt tạo lên sức hút đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời đây cũng là một sản phẩm rất đặc thù, cấu thành nên loại hình du lịch “dark tourism”, một loại hình du lịch khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta, khái niệm du lịch chiến tranh ( du lịch chiến trường xưa) và “Dark tourism” vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng và chưa được đưa vào luật du lịch. Vì vậy, việc khai thác phát triển du lịch chiến tranh chưa tương xứng với tiềm năng và rất hạn chế đối tượng khách du lịch. Trong khuôn khổ hội thảo, tác giả sẽ đề cập đến một số nội dung cơ bản như: “dark tourism” là gì? nguyên nhân “dark tourism” và du lịch chiến tranh chưa phát triển mạnh tại Việt Nam? Đề xuất gợi ý cho việc xây dựng “ Mô hình du lịch chiến tranh” tại Việt Nam theo cách tiếp cận mới của “ TƯ DUY ĐỘT PHÁ” . “Dark tourism” là gì? “Dark tourism” là loại hình du lịch lịch sử, ngược về quá khứ, tham quan và trải nghiệm những địa điểm đã từng diễn ra một số sự kiện đen tối, thường liên quan đến chết chóc và bi kịch của lịch sử nhân loại. Thông thường, các sự kiện đen tối này có thể bắt nguồn từ những xung đột trong xã hội như: chiến tranh, diệt chủng, ám sát, khủng bố,… hoặc bắt nguồn từ những biến động thiên nhiên như: thảm họa động đất, sóng thần, bão lụt ... Dark tourism còn có thể được biết đến với cái tên: thana tourism, morbid tourism, black tourism hoặc grief tourism… Những chuyến tham quan tới những nơi đen tối, đau thương vừa là để tưởng nhớ, vừa là nhắc nhở du khách về những điều khủng khiếp mà loài người có thể thực hiện để giúp họ tránh những hành động tương tự xảy ra trong tương lai. Những địa điểm này còn là kho tư liệu trực quan để nghiên cứu lịch sử, giáo dục thế hệ hiện tại về giá trị của những gì đã qua và biết trân trọng cuộc sống đang có. Mặt khác, dưới khía cạnh du lịch,
đây còn là những trải nghiệm vô cùng sâu sắc, thậm chí là những trải nghiệm có một, không hai trong đời người. “Dark tourism” ngày càng thu hút được sự chú ý của xã hội do loạt phim thời sự có tên “Dark Tourists” của Netflix phát sóng trong năm 2018 với bối cảnh một nhà báo đi khám phá các điểm đến du lịch “kỳ lạ” và có phần rùng rợn cũng đã thu hút được lượng lớn khán giả với đề tài độc đáo này. Series được đánh giá khá cao trên IMDb với điểm số 7.6/10 nhờ không chỉ nội dung mà còn nhờ nghệ thuật dựng phim đã giúp tái hiện lại trải nghiệm của nhân vật tại các địa điểm trên một cách chân thực và lôi cuốn. Hiệu ứng của truyền thông cũng đã thúc đẩy nhiều người đến thăm một số địa điểm nổi tiếng hơn. Sau loạt phim ngắn “Chernobyl” của HBO về vụ nổ nhà máy điện hạt nhân năm 1986, được công chiếu tháng 3/2019, các công ty du lịch tổ chức tour đến khu vực này cho biết họ đã thấy lượng khách tăng 30 – 40%. Tại Mỹ, khu phức hợp tưởng niệm Sự kiện 11/9 ở thành phố New York kể từ ngày mở cửa cách đây 10 năm đã trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất, thu hút hơn 7 triệu du khách trong và ngoài nước Mỹ mỗi năm. Du khách đến đây để tưởng niệm các nạn nhân và cảm nhận sự mất mát trong sự kiện kinh hoàng chấn động nước Mỹ. Một ví dụ về khai thác Dark tourism gần đây là hiện tượng Vũ Hán: Vũ Hán là thành phố ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên mang tên virus Corona trước khi nó trở thành đại dịch toàn cầu khiến cho việc đi lại và nhiều ngành kinh tế của đa số mọi quốc gia trên thế giới gặp khủng hoảng lớn. Vì lẽ này, cái tên Vũ Hán trở nên quen thuộc với mọi người trong năm 2020 vừa qua, và trong số đó, có nhiều người không ngần ngại bày tỏ sự quan tâm muốn được tham quan địa danh này để xem thành phố đã vực dậy ra sao sau thời gian dài chiến đấu với dịch bệnh. Cụ thể, vào tháng 10/2020, chính quyền địa phương đã tổ chức một chuyến du lịch dành cho những công dân nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc đến Vũ Hán. Bên cạnh những địa điểm tham quan du lịch thông thường, những du khách này sẽ được tham quan Bệnh viện Lôi Thần Sơn (Leishenshan Hospital) - bệnh viện dã chiến được xây dựng để tiếp nhận nhiều ca nhiễm trong thời điểm dịch bùng phát và lây lan với tốc độ chóng mặt, cũng như được tham quan triển lãm do chính quyền Vũ Hán tổ chức nhằm giới thiệu về thành phố cũng như thành công của đất nước trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch chiến tranh tại Việt Nam Tại Việt Nam, khoảng ba chục năm trở lại đây các công ty du lịch đã làm tour du lịch chiến tranh. Không chỉ là những chuyến du lịch của những cựu chiến binh Mỹ, Pháp… như một cuộc sám hối với Việt Nam, mà còn là nhu cầu của những cựu chiến binh Việt Nam, đã từng một thời tham gia chiến đấu qua những cuộc kháng chiến chống xâm lược, để hoài niệm, tìm đồng đội, hay tri ân những người có công với đất nước. Du lịch chiến trường xưa có ý nghĩa tâm linh phù hợp với truyền thống nhân văn cao đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân Việt Nam. Ngoài các cựu chiến binh, thân nhân, bạn bè của những người đang sống và đã hy sinh, lớp trẻ hôm nay cũng muốn tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm và suy ngẫm về một thời chiến tranh, để lý giải vì sao Việt Nam chiến thắng. Du lịch chiến tranh đóng vai trò nhiều mặt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đa số những địa danh lịch sử gắn với chiến tranh tại Việt Nam còn nghèo, phát triển du lịch chiến trường xưa sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, du lịch chiến trường xưa còn là hoạt động ngoại giao nhân dân tích cực và hiệu quả, hướng tới hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Thực tiễn cho thấy loại hình du lịch chiến tranh được triển khai tại Quảng Trị và một số tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc trong những năm qua đã mang lại những kết quả khả quan. Hãng tin CNN (Mỹ) đã bình chọn địa đạo Củ Chi vào danh sách 12 công trình ngầm dưới lòng đất hấp dẫn nhất thế giới. Các công ty du lịch thiết kế tour để đón khách nước ngoài vào VN luôn có một phần điểm đến liên quan tới chiến tranh. Ở phía bắc là nhà tù Hỏa Lò, Gò Đống Đa, Bãi cọc trên sông Bạch Đằng, Điện Biên Phủ; vào miền Trung là Khe Sanh, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc ( Quảng trị), chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi); miền Nam là Nghĩa trang Hàng Dương, Nhà tù Côn Đảo, Trại giam Phú Quốc,địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (thành phố Hồ Chí Minh) ... Tuy nhiên, đối với thị trường khách nội địa, “Dark tourism” nói chung và du lịch chiến tranh nói riêng, chưa được quan tâm nhiều. Hầu hết các cuộc tham quan đến các di tích lịch sử cách mạng hay lịch sử chiến tranh đều mang tính chất tưởng niệm, tri ân, giáo dục tư tưởng Cách Mạng. Nhu cầu mang tính nghĩa vụ nhiều hơn là tự nguyện nên mức độ trải nghiệm và chi trả dịch vụ ít, không có đóng góp đáng kể cho các địa phương nơi có di tích.
Năm 2022, tác phẩm panorama ''Trận chiến Điện Biên Phủ’’ đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải Nhất - Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam.Tác phẩm hoành tráng này có diện tích 3.250m2, chất liệu sơn dầu, tác phẩm có sự đóng góp của gần 100 họa sĩ, thực hiện trong vòng 2,5 năm, thể hiện sự hùng tráng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Việt Nam, điển hình là Chiến dịch Điện Biên Phủ. vào ngày 30.4 lượng khách đến tham quan bức tranh panorama là 7.000 người và ngày 1.5 đạt con số kỷ lục là trên 10.000 người. Đây có thể coi là một động thái mới thể hiện quyết tâm cao của Tỉnh Điện Biên trong việc đầu tư cho các sản phẩm du lịch chiến tranh. Vài năm gần đây Tỉnh Quảng Trị cũng đã tạo được thương hiệu du lịch là “Ký ức chiến tranh-Khát vọng hòa bình.” Với lễ hội Hòa bình được tổ chức 2 năm 1 lần. Quảng Trị là địa phương đầu tiên tập trung khai thác mô hình du lịch DMZ (khu phi quân sự hay còn được gọi là khu giới tuyến quân sự tạm thời). Trên thế giới, các tour DMZ thường hút khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Những địa điểm kể trên đều là những địa danh mang các giá trị lịch sử, văn hóa và có tính giáo dục cao, giúp du khách hiểu thêm về lịch sử của điểm đến, hơn hết là ý chí quật cường của con người Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử bi thương nhưng hào hùng của đất nước. Trong những năm gần đây, các địa điểm di tích này đã được quan tâm đầu tư hơn, được quản lý bài bản hơn. Đối tượng tham quan những địa điểm này không chỉ bó hẹp là du khách trung niên, người cao tuổi mà ngày càng có nhiều du khách trẻ tuổi bị thu hút tới những địa điểm lịch sử bi hùng. Khi nhiều di tích lịch sử đã áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, các giá trị của di tích đã đến được gần hơn với công chúng, nhất là những người trẻ. Có thể kể tới việc di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức hoạt động trưng bày trên fanpage, kênh phát thanh trên nền tảng Spotify và Apple Podcasts, giúp mọi đối tượng công chúng trong và ngoài nước tiếp cận và tìm hiểu di tích một cách dễ dàng, thú vị và mới mẻ hơn. Vì sao du lịch chiến tranh chưa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Tại Việt Nam, du lịch chiến tranh hầu như mới chỉ được đầu tư phát triển như một loại hình tham quan, học tập, giáo dục đạo đức Cách mạng cho các thế hệ trẻ. Nhiều di tích chiến tranh mới chỉ khai thác sơ khai, chưa chuyên nghiệp, không gian trưng bày hiện vật còn khô cứng, kịch bản nội dung chưa được nghiên cứu sâu đi kèm với giải pháp không gian ấn tượng, dẫn dắt để di sản có thể kể câu chuyện một cách chân thật và sống động. Nhiều điểm di tích không thu phí và thiếu các dịch vụ bổ trợ như: lưu trú, trải nghiệm,vui chơi giải trí, ẩm thực, lưu niệm. Doanh thu tại các điểm di tích này gần như không có. Chi phí bảo tồn tôn tạo di tích đều lấy từ ngân sách nhà nước. Vì vậy chưa thể coi là sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn và chưa có doanh thu đáng kể để đóng góp cho kinh tế địa phương. Giá trị của một điểm di tích chiến tranh thường thể hiện dưới nhiều khía cạnh vật chất và tinh thần đa dạng như: dấu tích chiến trường, nghĩa trang, nhà tù, bảo tàng hiện vật chiến tranh (máy bay, tàu chiến, pháo, súng đạn, hay các bản tuyên ngôn, chỉ thị chiến đấu, bức thư, bài thơ, bài hát) … thông tin lịch sử của các di tich chiến tranh thường đến với du khách thông qua phim ảnh, sách báo và hướng dẫn viên nên khá đơn điệu và một chiều, hạn chế khá nhiều về cảm nhận, chưa kể trình độ của hướng dẫn viên tại các điểm di tích cũng chưa được đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng thuyết trình và ngoại ngữ. Để di tích trở thành đối tượng trải nghiệm sống động và hấp dẫn với khách du lịch thì cần phải quan tâm đến tâm lý và nhu cầu của từng đối tượng thị trường khác nhau để đưa ra các chương trình kịch bản với nội dung, hình thức và ngôn ngữ biểu đạt khác nhau, đáp ứng được như cầu cảm nhận của 6 giác quan. Mặt khác, xu thế thời đại với sự cuốn hút của công nghệ số đòi hỏi cách trình diễn và giới thiệu của di tích cũng phải theo kịp để tích hợp được đa chiều thông tin nội dung, hình ảnh và cách thức trải nghiệm. Cần đầu tư sáng tạo các không gian trải nghiệm ảo để du khách được tiếp cận gần gũi và sống động hơn với bối cảnh lịch sử chiến tranh ác liệt, để hiểu hơn cái giá của Độc lập tự do và Hòa Bình. Ngoài không gian cảm nhận tại vùng di tich gốc, cần mở rộng không gian trải nghiệm tại vùng đệm di tích với nhiều loại hình du lịch bổ trợ độc đáo mang nét đặc thù của loại hình du lịch chiến tranh như: Trải nghiệm làm du kích, ngủ hầm, ăn cơm nắm, chở xe thồ, đánh trận giả… Ngoài ra, để các di tích chiến tranh VN thu hút du khách nhiều hơn, trước hết phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhiều di tích ở vùng sâu, vùng xa nên đường sá đi lại rất khó khăn. Mặt khác, các điểm đến lịch sử phải đào tạo đội ngũ thuyết minh giỏi, không chỉ truyền đạt nội dung đơn thuần mà còn phải thể hiện được cái hồn của điểm đến. ĐỀ XUẤT GỢI Ý: MÔ HÌNH DU LỊCH CHIẾN TRANH TẠI VIỆT NAM
Tour du lịch theo dấu chân “Đại tướng” là một dự án nghiên cứu về “ Mô hình du lịch chiến tranh” theo cách tiếp cận của TƯ DUY ĐỘT PHÁ. Dự án do các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe) nghiên cứu và công bố. Với khoảng thời gian đi tour từ 3 đến 4 ngày du khách sẽ được tiếp cận 3 địa điểm là Quảng Bình- nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra; Điện Biên Phủ trên đồi A1- nơi diễn ra trận Điện Biên Phủ kì tích và bảo tàng lịch sử quân sự tại Hà Nôi- nơi giới thiệu toàn bộ về trận chiến Điện Biên Phủ. Trong đó, khu vực được tập trung nhất là Điện Biên với địa điểm trung tâm là hồ Huẩy Phạ. Các tour du lịch chính được tổ chức tại hồ bao gồm: Điện Biên Phủ trên đồi A1, Điện Biên Phủ trên không, Điện Biên Phủ trên nước, khu du lịch “thánh tướng” và điểm hẹn hòa bình. Mục đích của tour Du lịch theo dấu chân “ đại tướng” là giúp du khách có thể hiểu thế nào là nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam và đâu là bí quyết để dân tộc Việt Nam có thể đánh thắng các thế lực ngoại xâm lớn nhất thế giới như Pháp, Mĩ… Du lịch theo dấu chân “ Đại tướng” không chỉ giúp cho du khách có cơ hội ngược về lịch sử để khám phá và tự hào về kỳ tích chiến thắng của Điện Biên Phủ mà còn giúp cho du khách có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về bản chất của chiến tranh, nguyên nhân nó gây ra và những mất mát của con người sau chiến tranh. Kết luận: Nhu cầu của du khách hiện đại đối với điểm đến không chỉ dừng lại ở việc nằm trên bãi biển hay tận hưởng các dịch vụ xa hoa mà còn mong muốn được kết nối với các giá trị lịch sử, các nét khuất, các đau thương trong quá của điểm đến để có những trải nghiệm chân thực, toàn diện và sâu sắc hơn về điểm đến. Để phát triển du lịch hiệu quả tại các điểm di tích chiến tranh, các cơ quan quản lý điểm đến, các doanh nghiệp du lịch cần có tư duy và cách nhìn đổi mới, mang tính đột phá trong việc sáng tạo sản phẩm du lịch giúp du khách trải nghiệm trực quan sinh động hơn, đặc biệt là người trẻ. Đồng thời, cần tránh tình trạng khai thác du lịch quá mức hoặc thương mại hóa với các dịch vụ phản cảm, khiến những nơi này mất đi các giá trị lịch sử và nhân văn vốn có. 7 MỘT SỐ HÌNH ẢNH GIỚI THIỆU MÔ HÌNH DU LỊCH CHIẾN TRANH







 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: