Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

7 phong tục kỳ lạ ở châu Phi 7 phong tục kỳ lạ ở châu Phi
Những thị trấn kỳ lạ nhất thế giới Những thị trấn kỳ lạ nhất thế giới
Xem Tiếp...
Du lịch chữa lành và cơ hội phát triển
14/07/2023

Du khách trải nghiệm vẽ cát tại Cà phê S-Happy
Du khách trải nghiệm vẽ cát tại Cà phê S-Happy

Đặc biệt, từ sau những biến động lớn của đại dịch Covid-19, nhu cầu này càng gia tăng. Đó là lý do thời gian gần đây, du lịch chữa lành được đề cập khá thường xuyên và đang trở thành xu thế được nhiều du khách lựa chọn.

Vì còn khá mới mẻ cho nên đến nay, vẫn chưa có định nghĩa thật rõ ràng và thống nhất về du lịch chữa lành. Song về cơ bản, có thể hiểu du lịch chữa lành là loại hình du lịch thường được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, với các hoạt động như: thiền, yoga, trị liệu tâm lý, chẩn trị y học cổ truyền, thưởng thức ẩm thực thực dưỡng...

Thay vì vi vu khắp các cung đường đẹp, trải nghiệm nhiều trò chơi thú vị ở công viên giải trí..., du lịch chữa lành hướng đến các dịch vụ mang tính an tĩnh hơn để làm mới cảm xúc, thư giãn tâm hồn, hướng đến những giá trị sống tích cực hơn.

Du lịch chữa lành và cơ hội phát triển ảnh 1
Toàn cảnh tọa đàm về du lịch chữa lành do STDe tổ chức.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), điểm dừng chân của du lịch chữa lành thường là những không gian sở hữu nền tảng thiên nhiên nguyên sơ, hệ sinh thái thực vật phong phú có khả năng mang đến cho du khách sự kết nối thuần khiết với thiên nhiên.

Tại đây, du khách được xông, tắm, ngâm chân thảo dược, bắt mạch khám bệnh, được gặp gỡ các chuyên gia tâm lý, chuyên gia tư vấn để giải tỏa những căng thẳng, tìm kiếm sự phục hồi sức khỏe tâm-thân.

Các chuyên gia cho rằng hiện có nhiều điểm tương đồng về mặt nội hàm giữa du lịch chữa lành và một số hình thức du lịch khác như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch dưỡng sinh, du lịch tâm linh..., nhưng du lịch chữa lành sẽ thiên nhiều hơn về mục tiêu chăm sóc cảm xúc, xoa dịu tâm hồn, mang đến nguồn năng lượng tích cực cho du khách.

Đối tượng của du lịch chữa lành vì thế cũng tương đối rộng lớn, bên cạnh những người đang chịu tổn thương về tâm lý, rơi vào trầm cảm sau những biến cố của cuộc đời có nhu cầu được hàn gắn nỗi đau, còn là những người muốn khám phá thế giới tâm hồn bên trong, muốn được chăm sóc, nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của chính mình.

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute), đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.

Khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) năm 2022 cũng cho thấy, có tới 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% cho hay sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý. Những con số này đủ khẳng định sức hút cũng như tiềm năng phát triển dồi dào của thị trường du lịch chữa lành.

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute), đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, loại hình này đã được chú trọng phát triển với sự ra đời của nhiều mô hình sáng tạo, như các tour du lịch kết hợp thiền định, yoga tại Ấn Độ; tour thiền định giữa rừng ở đảo Jeju, Hàn Quốc; các chuyến đi với liệu pháp chữa lành bằng âm nhạc, hội họa, chăm sóc động vật... ở một số nước phương Tây; hay tại Thái Lan, còn có cả những tour trị liệu chuyên đề dành riêng cho người nghiện game, nghiện việc...

 

Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đa dạng gồm nhiều bãi biển, rừng nguyên sinh, điểm khoáng nóng, bùn nóng trải dài, cùng với đó là số lượng chùa, thiền viện đồ sộ, nền y học cổ truyền nổi tiếng...; Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch chữa lành.

Trao đổi tại tọa đàm “Du lịch chữa lành - Tiềm năng, cơ hội và giải pháp” do STDe vừa tổ chức, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch nước ta cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng khách du lịch chứ không phải số lượng khách du lịch. Và phát triển du lịch chữa lành chính là hướng đi giúp thu hút du khách chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững, góp phần khắc phục tính mùa vụ của du lịch.

Nắm bắt xu hướng này, gần đây, một số hãng lữ hành, điểm đến, doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các sản phẩm du lịch chữa lành nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tiêu biểu như tour chữa lành ở Khu du lịch Medi Thiên Sơn (Ba Vì, Hà Nội) với các hoạt động: thiền, yoga, tư vấn tâm lý, bấm huyệt, ẩm thực thực dưỡng...; Hành trình trải nghiệm lối sống tỉnh thức do Trung Nguyên Legend tổ chức tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gồm các trải nghiệm bắn cung, cưỡi ngựa, tập yoga, ẩm thực theo chủ đề “Ăn tỉnh thức”...; hay mô hình cà-phê du lịch chữa lành của Cà-phê S-Happy (Hà Nội) với dịch vụ du lịch trải nghiệm “Tự tìm hạnh phúc”, chia sẻ cách sống để được hạnh phúc, đưa du khách tham gia các hoạt động du lịch để khám phá thiên nhiên, tìm thấy niềm vui, hòa mình cùng những trải nghiệm độc đáo như vẽ cát, hát cát, múa cát, thiền cát...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch chữa lành ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu nên chưa thật sự đa dạng và chuyên nghiệp. Cùng với một số ít sản phẩm định hình tương đối rõ về yếu tố chữa lành, thì phần lớn các sản phẩm mới chỉ quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe về phần thân như massage, xông hơi, ngâm chân... mà chưa chuyên sâu về các hoạt động chăm sóc phần tâm.

Bàn về những khó khăn, thách thức mà du lịch chữa lành ở Việt Nam phải đối mặt, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh cho hay: Do nhận thức về tầm quan trọng của du lịch chữa lành còn hạn chế cho nên loại hình này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa có chiến lược phát triển ở tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chữa lành cũng còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng do thiếu liên kết với các chuyên gia y tế, chuyên gia trị liệu tinh thần.

Đứng ở góc độ khoa học luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch Trường đại học Văn hóa Hà Nội nêu ý kiến: cần thiết phải có sự phân định rõ ràng, tường minh về khái niệm “du lịch chữa lành” để phân biệt với các loại hình du lịch có nét tương đồng khác. Bởi đây là cơ sở khoa học để xác định sản phẩm, môi trường, đối tượng phục vụ của du lịch chữa lành, từ đó có định hướng phát triển phù hợp.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch chữa lành cũng còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng do thiếu liên kết với các chuyên gia y tế, chuyên gia trị liệu tinh thần.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty du lịch Khát vọng Việt Nguyễn Bá Toàn cho rằng: Hiện nay, có rất nhiều phương pháp chữa lành được các đơn vị đưa ra, mỗi nơi lại áp dụng những phương pháp khác nhau và hiệu quả cụ thể cũng chưa được kiểm chứng hoàn toàn.

Vì thế, để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch rất giàu tiềm năng này, các cơ quan quản lý về du lịch cần có nghiên cứu chi tiết về đặc điểm loại hình và thị trường của du lịch chữa lành, đưa ra những hướng dẫn cụ thể, thiết kế những tour chữa lành mang tính chuẩn mực, công bố các tiêu chí cần đáp ứng của đội ngũ chuyên gia chữa lành... làm căn cứ để các công ty, điểm đến xây dựng và mở rộng phát triển sản phẩm.



Link: nhandan.vn/du-lich-chua-lanh-va-co-hoi-phat-trien-post761900.html
LIÊN HIỆP KHOA HỌC PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG (STDe)
Địa chỉ: Tầng 2, toà nhà An Bình, số 1, ngõ 43 Kim Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội

 
 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: