Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Tọa độ check-in siêu hot: Một ngày hóa thân thành Ninja tại công viên Naruto Tọa độ check-in siêu hot: Một ngày hóa thân thành Ninja tại công viên Naruto
Khám phá những công viên giải trí thú vị nhất hành tinh Khám phá những công viên giải trí thú vị nhất hành tinh
Xem Tiếp...
Kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh: Phải thay đổi tư duy trước khi quá muộn
Kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh: Phải thay đổi tư duy trước khi quá muộn

       08:24 18/04/2018
       Nguyễn Thu Hạnh là người tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm mang tư duy đột phá trong phát triển du lịch. Với vai trò là Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững STde suốt 8 năm độc hành trên con đường của mình, chị đã góp phần cho ra đời những sản phẩm du lịch độc đáo được khai thác từ những yếu tố thiên nhiên bất lợi như: mưa, gió, bão, lụt, bóng đêm.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về chị về những sản phẩm khác biệt và về con đường tư duy đột phá trong khai thác tài nguyên du lịch.
      - Tôi vẫn theo dõi hành trình tư duy ngược chiều của chị với những sản phẩm du lịch độc đáo được khai thác từ chính mưa, gió, bão lụt, bóng đêm và mới đây nhất là rơm Đường Lâm? Vì sao chị lại kiên định theo đuổi con đường tư duy đột phá trong phát triển du lịch đó?
       + Đơn giản vì đó là con đường ngắn nhất có thể giúp cho du lịch Việt Nam cạnh tranh được với các cường quốc du lịch khác trong khu vực như: Singapore, Malaysia hay Thái Lan…
       Nhìn vào bức tranh thực trạng phát triển sản phẩm du lịch ở Việt Nam, nhiều chuyên gia du lịch có chung đánh giá là: Tài nguyên du lịch của chúng ta có nhiều thế mạnh nổi trội, nhưng sản phẩm du lịch lại khá nghèo nàn, thiếu tính đặc trưng, độc đáo và không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách du lịch.
      Hạn chế này phần nhiều do chất xám chưa được sử dụng một cách hiệu quả vào quá trình khai thác tài nguyên, hay nói cách khác là tại Việt Nam chưa có một nền kinh tế sáng tạo, nền kinh tế mang hàm lượng chất xám cao với "Tư duy đột phá" trong phát triển du lịch.
      Tôi và các nhà khoa học STDe theo đuổi tư duy đột phá trong sáng tạo sản phẩm du lịch đã 8 năm nay. Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã sử dụng kinh tế sáng tạo từ lâu rồi.
      Việt Nam chúng ta cậy có tài nguyên nên cứ đào lên ăn mãi. Ăn sẵn tài nguyên thiên nhiên sẽ dẫn đến lười suy nghĩ, lười sáng tạo và đương nhiên là dẫn đến nguy cơ bị tụt hậu.
 

 
         Đến nay, chị đã có khá nhiều sản phẩm như "Mưa Huế", "Bão Đà Nẵng", "Lụt Hội An", "Mây Sa Pa", "Gió Bạc Liêu", "Khách sạn bóng đêm"… mở ra một cánh cửa mới cho con đường phát triển du lịch tại Việt Nam. Sau 8 năm, đã có những sản phẩm tâm đắc nào của chị được đưa vào ứng dụng?
        + Một trong những dự án tâm đắc nhất có lẽ là: "Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch". Đây là dự án đầu tiên mà STDe công bố vào tháng 3/2011.
         Dự án này đã thay đổi hoàn toàn tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Thay cho "trốn chạy" và "chống lại" các yếu tố thời tiết bất lợi, dự án đề xuất các sản phẩm du lịch mới, mang tính đột phá, để du lịch có thể "sống chung" và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi đó.
       Khi mới ra đời, dự án đã gây nhiều tranh cãi, nhưng hiện nay đã được các doanh nghiệp tại TP Huế và TP Hội An triển khai ứng dụng và tiếp tục hoàn thiện.
      Gần đây STDe đã đầu tư triển khai dự án "Sản phẩm du lịch từ rơm Đường Lâm", giúp người dân làng cổ Đường Lâm khai thác tận dụng rơm để làm ra nhiều sản phẩm du lịch khác nhau như: Nhà nghỉ bằng rơm, đồ lưu niệm rơm, thời trang rơm…
      Hiện nay, dự án này đang được phối hợp với người dân Đường Lâm để triển khai vào thực tế.  Một dự án gây nhiều bất ngờ trong việc khai thác những giá trị vô hình là "Sản phẩm du lịch từ gió Bạc Liêu".
      Với dự án này, STDe đã giúp cho nhà máy điện gió Bạc Liêu có một hướng phát triển mới để gia tăng chuỗi sản phẩm du lịch từ gió, tạo thêm nguồn thu nhập lớn từ việc khai thác "cánh đồng điện gió Bạc Liêu"...
      Dự án đang được UBND tỉnh Bạc Liêu hết sức ủng hộ và đứng ra kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với STDe để triển khai vào thực tế trong năm 2018.
     - Những đột phá trong các sản phẩm của chị luôn hướng tới những giá trị nhân văn, bền vững. Chị có nản không vì hành trình đơn độc 8 năm qua?
      + Mọi sự đều phải tùy duyên mà khởi, tôi chờ 8 năm rồi nên có chờ thêm 8 năm nữa cũng không sao. Hạnh phúc ở trên đường đi chứ hạnh phúc không phải là đích đến.
      Tuy nhiên, tôi thấy mình đã quá may mắn vì các dự án du lịch đột phá của STDe đã bước đầu được xã hội đón nhận. Bản thân tôi đã được nhà nước trao tặng khá nhiều giải thưởng về những cống hiến cho cộng đồng.
      Năm ngoái, tôi rất may mắn được nhận giải vàng giải thưởng kiến trúc quốc gia cho khu du lịch "Làng Vũ Đại ngày ấy"- mô hình du lịch văn học đầu tiên của Việt Nam.
    Tôi luôn cảm ơn nghề của mình, nó cho tôi cơ hội được tìm hiểu thật nhiều giá trị của các yếu tố thiên nhiên. Nhìn thấu được bản chất và thưởng thức được vẻ đẹp muôn màu của mẹ thiên nhiên khiến cho tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và biết ơn cuộc đời…
 

 
Khách nước ngoài thích thú với sản phẩm du lịch rơm Đường Lâm.

       - Gần đây, trên một tạp chí du lịch công bố rằng, Hà Nội được xếp là điểm đến thứ 2 châu Á. Chị có ngạc nhiên về điều này không? Và theo chị làm thế nào để du khách có thể quay lại Hà Nội cũng như Việt Nam nhiều lần?
     + Tôi không ngạc nhiên vì Việt Nam vẫn là một điểm du lịch đầy tiềm năng trên bản đồ du lịch thế giới với nguồn tài nguyên đa màu sắc chưa được khám phá.
    Giá dịch vụ lại rẻ, khách sạn lưu trú khá tốt. Nhưng chúng ta thiếu nhiều dịch vụ vui chơi giải trí và những sản phẩm lưu niệm có chất lượng.
   Theo tôi vấn đề khách có quay lại hay không quan trọng bằng việc khách chi tiêu nhiều hay ít khi đến Việt Nam. Họ chỉ đến 1 lần thôi nhưng họ chi trả nhiều thứ thì hiệu quả kinh doanh mới cao.
           Đến nhiều không mua bán, không tiêu tiền thì chỉ lãng phí tài nguyên thôi. Hiện nay Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Bà Nà đông ngột ngạt. Số lượng khách đông nhưng doanh thu đã đạt được nhu cầu mong muốn chưa?
          Cần phải có thống kê và nhìn nhận nghiêm túc về bài toán doanh thu. Hiện chúng ta đang kinh doanh thô tài nguyên nên chỉ bán được vé tham quan. Các điểm đến cần phải phát triển thêm nhiều chuỗi dịch vụ gia tăng từ du lịch.
           Cần tập trung khai thác theo chiều sâu chứ không nên tiếp tục khai thác theo chiều rộng. Phải tiết kiệm tài nguyên, vì khi tài nguyên bị phá hoại, ô nhiễm về lâu dài sẽ không thu hút được khách nữa.
          Nếu đi Hàn Quốc, sẽ thấy họ hơn hẳn mình về tư duy làm du lịch. Đảo Jeju có 1 làng cổ không còn lại di tích gốc, nhưng họ đã xây lại một số ngôi nhà cổ y như cũ rất đẹp và dùng chính người địa phương làm hướng dẫn viên.
         Kịch bản cho hướng dẫn viên rất sáng tạo và sinh động. Khách vào từ cổng làng đã bị cuốn hút bởi lối kể chuyện vô cùng hấp dẫn của hướng dẫn viên.

         Điều khác biệt là họ đầu tư vào kịch bản rất kỹ và phù hợp tâm lý khách. Sau đó họ bán cao ngựa trắng, mật ong với giá khá cao, có nhãn mác uy tín bảo đảm chất lượng. Công nghệ bán hàng của họ phải nói là tuyệt vời.
         Đảo Jeju cũng có một công viên về chủ đề tình yêu-tình dục, nhưng công viên tình yêu ở Hàn Quốc họ làm rất đẹp, thẩm mỹ cao và hài hước chứ không phải là những tác phẩm nửa vời, gây phản cảm như ở Việt Nam.
 

 
         Nhiều ý kiến cho rằng, bây giờ chúng ta cần xây dựng điểm đến, xây dựng chiều sâu trong phát triển du lịch chứ không chỉ quảng bá, khuếch trương?
       + Theo tôi, xúc tiến quảng bá là rất cần thiết nhưng phải song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại các điểm tham quan, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn... để giữ gìn hình ảnh tốt đẹp như quảng cáo. Muốn vậy, chúng ta phải có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết toàn diện các khâu còn yếu kém của du lịch Việt Nam.
       Ví dụ như Hà Nội, chúng ta còn khá nhiều danh thắng, di tích văn hoá lịch sử như: Hồ Gươm, Hồ Tây, Văn Miếu, Quốc Tử Giám và các điểm lân cận ở ngoại thành đang ở dạng khai thác thô. Sản phẩm du lịch tại các điểm đến này còn rất nghèo nàn, đơn điệu.
      Cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông ách tắc, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Nạn ăn xin, chặt chém, chèo kéo ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại. Những vấn nạn này đã để lại nhiều dấu ấn không tốt trong cảm xúc của khách du lịch trong và ngoài nước.
     Đối với Hà Nội, STDe đã nghiên cứu đề xuất "Tour du lịch tâm linh Huyền thoại Hồ Gươm. Tour du lịch này kết nối 4 tuyến du lịch với chủ đề: "Con đường vua Lý", "con đường vua Lê", "con đường Đông Kinh Nghĩa Thục" và "con đường Rồng bay". Nếu được triển khai vào thực tế tốt, tour này sẽ góp phần tạo ra dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu của du lịch thủ đô.
      - Con đường phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam có vẻ còn gian nan nếu chúng ta không thay đổi tư duy, đúng không chị?
     + Đúng vậy, tư duy cũ, kinh nghiệm cũ, dù đã lạc hậu nhưng là cách nghĩ an toàn của số đông xã hội. Điều này khiến cho Việt Nam vẫn mãi là quốc gia nghèo và chạy theo các quốc gia khác mà không có được con đường sáng tạo của riêng mình.
     Thế mạnh sẽ trở thành điểm yếu khi chúng ta không có tầm nhìn rộng và tri thức sâu sắc trong việc nhìn nhận và đánh giá giá trị của nguồn tài nguyên.
     Tư duy ăn sẵn với "nền kinh tế cơ bắp" dựa nhiều vào nhân công giá rẻ và "nền kinh tế đào mỏ" dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho các nguồn tài nguyên của Việt Nam nhanh chóng cạn kiệt.
    Vì vậy, những người làm du lịch Việt Nam bắt buộc phải thay đổi tư duy trước khi quá muộn.
   - Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.
 
Lan Tường (thực hiện)
 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: