Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland
Xem Tiếp...
Phát triển du lịch với việc quản lý di sản văn hoá ở Hội An, Việt Nam
Mối quan hệ giữa phát triển du lịch và quản lý di sản văn hoá đã được quan tâm và thảo luận trong nhiều nghiên cứu mang tính lý thuyết và thực tiễn. Bài viết này chỉ là tìm hiểu bước đầu về vấn đề này ở Việt Nam thông qua trường hợp của phố cổ Hội An, một trong những địa điểm di sản lớn nhất và quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay. Bài viết chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu vấn đề phát triển du lịch đã đóng góp như thế nào cho cộng đồng dân địa phương và việc quản lý các di sản văn hoá của phố cổ Hội An.

Nguyễn Thị Thu Hà
Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Nam
Mối quan hệ giữa phát triển du lịch và quản lý di sản văn hoá đã được quan tâm và thảo luận trong nhiều nghiên cứu mang tính lý thuyết và thực tiễn. Bài viết này chỉ là tìm hiểu bước đầu về vấn đề này ở Việt Nam thông qua trường hợp của phố cổ Hội An, một trong những địa điểm di sản lớn nhất và quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay. Bài viết chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu vấn đề phát triển du lịch đã đóng góp như thế nào cho cộng đồng dân địa phương và việc quản lý các di sản văn hoá của phố cổ Hội An.

Vốn là một thị xã nhỏ nằm trong ở tỉnh Quảng Nam, năm 1999, Hội An được UNESCO trao tặng danh hiệu di sản thế giới do đây là một ví dụ tiêu biểu cho các cảng thị của vùng Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn hàng thế kỷ nay. Ngày nay, phố cổ Hội An là một điểm du lịch hấp dẫn nổi tiếng trong và ngoài nước. Dưới những định hướng và chiến lược đúng đắn được vạch ra bởi chính quyền địa phương, du lịch Hội An đã đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi địa phương tiến hành Kế hoạch phát triển du lịch Hội An 1995-2010 với chiến lượcnhằm biến du lịch thành ngành công nghiệp chính của thị xã (UNESCO, 2000). Sau khi trở thành Di sản thế giới, thực tế cho thấy Hội An đã làm tốt công việc kết hợp phát triển du lịch với tăng trưởng kinh tế địa phương và bảo tồn di sản văn hoá vốn vẫn được coi là một ưu tiên trong bất kỳ vấn đề phát triển nào ở Hội An. Du lịch đã được chứng minh trở thành một phần không thể thiếu và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống cộng đồng dân địa phương và bảo tồn di sản văn hoá ở Hội An.

Tác động kinh tế

Tăng trưởng du lịch ở Hội An gần đây đã chứng tỏ nó đang dần chiếm lĩnh vị trí đầu tiên trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Những đóng góp của du lịch cho nền kinh tế địa phương thực sự đáng kể. Năm 2005, ngành du lịch chiếm 16,03% GDP toàn thị xã và cho đến năm 2006, con số này lên đến 17,21% (Phòng thống kê thị xã Hội An, 1999-2006).

Hình 1. Thu nhập từ du lịch của Hội An 1999-2006

Trên thực tế, toàn bộ Hội An giờ dường như là một khu du lịch mà trung tâm của nó là khu vực phố cổ. Hầu hết các hoạt động kinh tế trong khu vực thương mại và dịch vụ như là nhà hàng, nghỉ trọ, vận chuyển, tham quan, du lịch và các hoạt động khác đều là phục vụ cho du lịch. Số liệu trong Hình 1 cho thấy rằng thu nhập Hội An có được từ du lịch tăng ổn định. Ở Hội An, thu nhập từ du lịch hàng năm đến từ tổng thu của các nhà hàng, quán bar, khách sạn, nhà nghỉ, phương tiện đi lại, vé tham quan, dẫn khách du lịch theo tour và các hoạt động khác trong khu vực du lịch.Tiền thu được từ du lịch phần nào đã giúp bổ sung vào nguồn tài chính dành cho các chi phí địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, sức khoẻ y tế và an ninh xã hội. Trong một vài năm vừa qua, cơ sở hạ tầng Hội An đã được cải thiện nhiều nhờ vào nguồn tài trợ từ chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh và cả chính quyền địa phương mà trong đó, du lịch đóng góp một phần đáng kể. Ví dụ, hệ thống điện trong thị xã và các vùng lân cận đã được nâng cấp. Đặc biệt là trong khu vực phố cổ, toàn bộ hệ thống điện, viễn thông và cáp truyền hình đều được chuyển chôn ngầm dưới mặt đất nhằm giữ gìn diện mạo phố cổ đẹp gọn vào cuối năm 2007. Ngoài ra, 7 nhà vệ sinh công cộng đã được xây dựng thêm. Đường xá, vỉa hè và các cơ sở hạ tầng đô thị khác như cung cấp nước sạch và hệ thống cống cũng đã được nâng cấp nhiều.

Tạo cơ hội việc làm

Ngoài đóng góp về mặt thu nhập cho nền kinh tế địa phương, du lịch đã mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người dân và đặc biệt là cho lớp thanh niên trẻ của Hội An. Ở Hội An, số lượng các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar và các cửa hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, may quần áo, giầy dép và túi xách….xuất hiện ngày càng nhiều và nhờ thế, đòi hỏi có một lượng nhân công lớn làm việc cho họ. Sẽ rẻ và an toàn hơn nếu những đơn vị kinh doanh này thuê người dân địa phương làm cho mình. Và ở Hội An, họ được khuyến khích để làm điều này. Năm 2006, Hội An có 76 khách sạn và nhà nghỉ, 71 nhà hàng và quán bar, 751 cửa hàng may quần áo, 202 quầy bán đồ thủ công mỹ nghệ, lưu niệm và trưng bày nghệ thuật, 91 cửa hàng bán đèn lồng và 207 quầy bán các loại hàng hoá khác cùng hàng trăm quán hàng rong (Trần Ánh, 2001). Những cửa hàng này đòi hỏi một lượng nhân công khá lớn. Ngoài ra, có hàng ngàn người đang làm việc trong các loại hình kinh doanh dịch vụ khác liên quan đến du lịch trong và ngoài khu vực phố cổ như là các văn phòng du lịch, dịch vụ cung cấp thông tin du lịch, vận chuyển, bưu chính, hướng dẫn khách tại các địa điểm tham quan… Những con số đó phần nào có thể cho chúng ta thấy vai trò của du lịch trong việc mang lại nhiều việc làm cho người dân địa phương ở Hội An. Thông qua số liệu của Phòng thống kê thị xã Hội An, cho đến tháng 6 năm 2006, có khoảng 2.532 người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch (Phòng thống kê thị xã Hội An, 1999 - 2006).  Trong trường hợp của những vùng phụ cận Hội An như là ở các xã Tân Hiệp, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, du lịch cũng đã mang lại nhiều việc làm một cách gián tiếp. Do môi trường kinh doanh hấp dẫn ở khu vực phố cổ, nhiều người vốn là nông dân, ngư dân và những người làm nghề thủ công tạm thời dời làng để đến phố cổ làm việc, trở thành nhân viên trong các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp may mặc, nhiều người trong số họ trở thành những người bán hàng rong.

Tác dụng tạo công ăn việc làm của du lịch ở Hội An còn rõ ràng hơn trong trường hợp của những làng nghề truyền thống. Hội An có nhiều làng nghề, trong đó có làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng yến Thanh Châu,… Trước ngày du lịch phát triển, những làng này chủ yếu là để phục vụ nhu cầu đời sống của bà con nhân dân địa phương. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển mạnh ở Hội An, những làng này dẫn trở thành những điểm tham quan và ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhờ đó, những làng nghề truyền thống vốn đã từng có nguy cơ biến mất nay lại hồi phục và phát triển. Những làng nghề này sống trở lại đồng nghĩa với việc có nhiều việc làm hơn cho người dân địa phương. Những thanh niên vốn từng rời làng đi làm ăn xa giờ dần quay trở lại. Giờ họ có thể kiếm tiền ngay tại ngôi làng của họ thay vì phải đi kiếm ăn ở các nơi xa.
 Năm 2006, ông Huỳnh Ri, một trong những nghệ nhân còn lại của làng mộc Kim Bồng đã vui vẻ thông báo là ông đã đào tạo được 12 người thợ trẻ có tay nghề và rằng, xưởng của ông đang làm ăn rất tốt và đảm bảo thu nhập cho thợ. Một nghệ nhân khác của nghề mộc, ông Đinh Văn Lời cũng cho biết rằng, việc phát triển nhanh của du lịch đã thúc đẩy công việc làm ăn của ông tốt hơn và hiện ông có khoảng 100 thợ, phần lớn trong số họ là thương binh, những người tàn tật và những thanh niên trẻ tuổi[1].

Trong năm 2006, các làng nghề truyền thống khác như là làm đèn lồng, đồ thêu, khắc trên tre đã mang lại công việc cho khoảng 1.150 người dân địa phương. Dù rằng thu nhập từ những nghề thủ công này không cao so với các hoạt động du lịch khác nhưng chúng vẫn giúp cho khoảng 1.300 người Hội An có việc làm[2].

Nâng cao chất lượng đời sống

Chất lượng đời sống người dân Hội An ngày càng cao hơn nhờ vào nguồn thu cao, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện, và nhiều cơ hội việc làm từ việc phát triển du lịch địa phương. Thu nhập trung bình hàng năm của người dân tăng đáng kể: từ 7.92 triệu đồng (528 USD) năm 2003, 11.22 triệu đồng năm 2005 và khoảng 14.71 triệu đồng (>900USD) năm 2007 (Lê Phương, 2007; Lê Văn Giảng, 2007; Thanh Hải, 2003). So với các thành phố khác cùng cấp ở Việt Nam, Hội An rõ ràng có thu nhập bình quân cao hơn nhiều nhờ vào chính sách chiến lược biến du lịch thành ngành công nghiệp chính của thị xã kể từ năm 1995. Tại khu vực trung tâm của phố cổ, đặc biệt là dọc các con phố chính như Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Lê Lợi, Trần Phú,…nhiều hộ dân đã cải tạo ngôi nhà cổ của mình thành các cửa tiệm, quầy hàng, nhà hàng, quán bar hoặc phòng triển lãm nghệ thuật… Nhờ thế mà thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình này có tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, Hội An vẫn có tình trạng chênh lệch cao về thu nhập giữa các hộ dân sống ở các khu vực khác nhau. Những người sống và buôn bán trong khu phố cổ có thu nhập cao hơn do họ có điều kiện kinh doanh buôn bán trực tiếp trong khi những người sống ở các vùng phụ cận như ở các xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Tân Hiệp thì có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, du lịch ở Hội An gần đây có xu hướng mở rộng ra các vùng ngoại vi phố cổ nhằm tìm kiếm một môi trường du lịch hấp dẫn hơn cho du khách, như là những trải nghiệm về các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, câu cá hoặc trồng rau tại các làng ngoại ô. Nhờ thế, các làng ngoại ô này cũng có nhiều cơ hội để tăng thu nhập và nâng cao đời sống. 

Hỗ trợ tài chính cho bảo tồn các di sản văn hoá địa phương

Giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hoá ở Hội An là một công việc khó do mức độ phức tạp của hệ thống các di sản văn hoá của thị xã. Toàn bộ phố cổ Hội An là một nhóm tập hợp các ngôi nhà và các cấu trúc kiến trúc cổ, cùng với chúng là nhiều lễ hội văn hoá, phong tục, truyền thống và các sinh hoạt văn hoá của người dân Hội An. Tất cả các di sản này là kết quả của những tích luỹ qua nhiều thế hệ. Hàng năm, những ngôi nhà cổ và các công trình kiến trúc này đòi hỏi được bảo dưỡng, phục hồi và bảo vệ khỏi những hiểm hoạ từ thiên tai, sự bất cẩn trong quá trình sử dụng của con người, lạm dụng và áp lực của du lịch. Nhiệm vụ này cần đến một sự hỗ trợ lớn về mặt tài chính. Vì thế, thu nhập hàng năm thu được từ du lịch được đánh giá là một trong những nguồn hỗ trợ quan trọng cho việc bảo tồn các di sản văn hoá ở Hội An.

Năm 1999, việc bảo tồn di sản ở Hội An chiếm tới 60.3% tổng số kinh phí hỗ trợ hàng năm cho toàn bộ thị xã. Trong khoảng thời gian 1997-2006, Hội An có 166 di tích được tu bổ và hàng trăm di tích được nâng cấp. Nguồn kinh phí có việc tu bổ này phần lớn là từ ngân sách nhà nước (75,21%), phần còn lại là từ ngân sách địa phương (20,42%) và tiền ủng hộ trong và ngoài nước (4.37%) (Nguyễn Đức Minh, 2007). Trong trường hợp của những di tích do nhà nước quản lý, chi phí tu bổ được hoàn toàn lấy ra từ ngân sách nhà nước. Đối với những di tích do tư nhân quản lý, mà loại di tích này chiếm đến 82,8% trong tổng số các di tích nằm trên khu vực phố cổ, tuỳ thuộc vào từng loại và hiện trạng của di tích mà chúng có thể được nhận hỗ trợ về tài chính từ ngân sách trung ương. Thông thường, mức hỗ trợ này vào khoảng từ 20% đến 80% tổng chi phí tu bổ hoặc phục hồi. Trong nhiều trường hợp đặc biệt, hỗ trợ có thể lên đến 100% tuỳ theo tình hình tài chính của chủ sở hữu (Trần Anh, 2001). Chục năm vừa qua, thu nhập đạt được từ du lịch đã tăng dần, đóng góp không nhỏ vào việc tăng quỹ tài chính địa phương. Ở Hội An, quỹ dành cho việc bảo tồn và tu bổ di tích được lấy từ nhiều nguồn khác nhau: 50% tiền thuế từ các công ty tư nhân hoặc đơn vị kinh doanh và 74% của nguồn thu từ vé tham quan (vào năm 1999 thì chỉ lấy có 55% từ nguồn này). Trường hợp của nhà biểu diễn nghệ thuật truyền thống nằm trên đường Nguyễn Thái Học thì lại khác. Toàn bộ thu nhập của nhà biểu diễn này thu được từ vé vào cửa được dùng hết cho hoạt động của đơn vị này (UNESCO, 2000). Ngoài ra, nguồn tiền có thể đến từ tài trợ từ các tổ chức hay cá nhân. Ví dụ, cho đến năm 2001, Quỹ bảo tồn di tích Hội An đã nhận được 82.000USD từ JICA (Nhật Bản) để tu phục hồi ngôi nhà số 115, số 117 trên đường Nguyễn Thái Học và nhà thờ tộc Trương. Một vài hỗ trợ khác đến từ Quỹ Sumitomo (Nhật Bản), tập đoàn Tasei (Nhật Bản), quỹ Canada, UNESCO… (Trần Anh, 2001). Khi hiểu ra rằng hai phần ba tiền vé họ mua sẽ được dùng vào việc tu bổ và bảo tồn các di tích, nhiều du khách cho biết rằng họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn vào vé tham quan để có thể giúp Hội An làm tốt công việc bảo vệ các di sản. Kinh phí dùng cho việc tu bổ các di tích ở Hội An hoàn toàn được tài trợ bởi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chi phí cho công việc này ngày càng cao do tính phức tạp và dễ bị hư hại của các di tích ở Hội An. Chính phủ không thể trợ cấp mãi cho việc này. Vì thế, những đóng góp tài chính của du lịch cho việc bảo tồn và tu bổ các di tích văn hoá ở Hội An là rất quan trọng. Đối với kế hoạch quản lý di tích ngắn hạn hoặc dài hạn, du lịch dường như đã trở thành một đối tượng đóng góp then chốt.

Nâng cao nhận thức văn hoá cho người dân địa phương

Có một quan điểm chung khi cho rằng sự bền vững của các di sản phụ thuộc nhiều vào mức độ hiểu biết về văn hoá và nhận thức của cộng đồng. Hiểu biết của người dân về các di sản, mức độ quan trọng của chúng thực sự quan trọng đối với sự sống còn của các di sản văn hoá đó. Nếu người dân hiểu biết hơn, họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các di sản văn hoá của cộng đồng họ và sẽ cố hạn chế làm tổn hại đến chúng hơn. Ở đây, du lịch cũng góp phần đóng góp vào việc nâng cao nhận thức này cho dân địa phương. Chục năm qua, kể từ khi Hội An trở thành Di sản thế giới, người dân Hội An đã chứng kiến nhiều sự đổi thay to lớn trong cuộc sống của họ. Nhiều người đến Hội An hơn, nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh hơn, thu nhập cao hơn, mức sống cao hơn… Người dân Hội An ngày càng nhận thức rõ hơn về mức độ quan trọng của di sản và việc bảo vệ chúng. Họ đều hiểu rõ rằng du lịch, một công cụ hữu hiệu, đã và đang mang lại nhiều thay đổi cho đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá cho người dân hoàn toàn dựa trên các di sản văn hoá của địa phương. Nếu không có các di sản đó, du lịch không thể có cơ hội để phát triển ở Hội An. Mọi cố gắng từ chính phủ, chính quyền địa phương, từ các nhà quản lý di sản hay các chuyên gia di sản luôn luôn là không đủ để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hoá vốn đã đang gắn kết chặt chẽ với đời sống hiện tại của người dân địa phương. 82,8% các nhà cổ ở Hội An thuộc sở hữu tu nhân, nếu không có các ngôi nhà cổ này, Hội An không còn là Hội An. Hầu hết các thực hành văn hoá, phong tục tập quán ở Hội An đã đang được thực hành bởi người dân địa phương, nếu thiếu những thực hành đó, Hội An cũng không còn là Hội An. Vì thế, nếu thiếu đi sự tham gia và tự nguyện của những người chủ sở hữu, người thực hiện các thực hành văn hoá, những di sản đó không thể tồn tại lâu dài. Sự xuất hiện của du lịch đã mang lại nhiều cơ hội cho nhiều người để nâng cao thu nhập. Một khi đời sống kinh tế của họ được đảm bảo, người ta dường như quan tâm nhiều hơn đến nguồn đảm bảo sinh sống của họ hơn.

Chúng tôi quản bá di tích để cho khu phố cổ đông khách. Và tại đấy, cho phép người dân kinh doanh rộng rãi, chỉ cấm những mặt hàng làm mất mỹ quan chung thôi. Khách du lịch sẽ tới những nơi như thế, tập trung ăn uống, mua hang lưu niệm. Và chủ nhân của những ngôi nhà như thế sẽ được lợi. Và một khi họ càng phát đạt thì họ càng có trách nhiệm trong viêệ bảo vệ các di tích. Ngay cả đối với nhà tầng trệt trong hẻm mà khách du lịch ít khi vào thì nếu họ muốn kinh doanh, họ cũng phải gìn giữ ngôi nhà cổ của mình giống như nhà mặt phố. Và một khi ho chấp nhận yêu cầu này thì chúng tôi cũng cho phép họ ra vỉa hè đầu hẻm buôn bán. Vậy là ngay cả những ngưòi ở trong hẻm cũng được hưởng lợi vì khu phố của họ hấp dẫn khách du lịch nhờ bảo tồn tốt các di tích. Thực tế hiện nay, tôi không dám nói tất cả nhưng rõ ràng là những nhà ở mặt tiền đều giàu lên, có thể là do bản thân anh tự kinh doanh, có thể là do anh cho thuê cửa hàng (.…) Nói thật với anh, phát triển du lịch ở bất cứ nơi nào, chứ không chỉ trong phố cổ mà anh, nếu anh chỉ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và chủ dự án không thôi thì đảm bảo du lịch sẽ không bền vững. Muốn phát triển bất cứ một dự án du lịch nào thì cũng phải tính tới việc cộng đồng xung quanh anh, những người dân sở tại sẽ được lợi gì từ dự án ấy. Cái đó mới là bèn vững nhất, lâu dài nhất. Chính cái cộng đồng sở tại ấy sẽ gìn giữ môi trường này, gìn giữ tất cả những gì mà bản thân trong dự án của anh không có hay không đáp ứng được, như cảnh quan, môi trường, nếp sống…. (Nguyễn Sự, Bí thư thành uỷ Hội An)[3].

Mặt trái của phát triển du lịch với cộng đồng và di sản

Lợi ích không phải là toàn bộ câu chuyện về việc phát triển du lịch ở khu phố cổ nổi tiếng này. Du lịch vốn vẫn được biết đến như là một con dao hai lưỡi, có thể mang lại nhiều điều tốt nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác hại, đặc biệt ở những nước đang phát triển như là Việt Nam nơi du lịch chỉ mới đang ở giai đoạn non trẻ. Hội An cũng không là một ngoại lệ. Một vài tác động tiêu cực của phát triển du lịch đối với cộng đồng và di sản đã được quan sát thấy tại Hội An như sau:

- Lượng khách du lịch ngày càng tăng mạnh gây áp lực lớn lên các di tích và công trình kiến trúc vốn rất cổ và dễ bị hư hại. Áp lực này là một trong các nguyên nhân chính gây ra sự xuống cấp thể chất nghiêm trọng của các di sản văn hóa ở phố cổ.

- Lợi ích về kinh tế từ các hoạt động du lịch là lý do chính khiến nhiều chủ nhà cổ ở khu vực phố cổ biến nhà của mình thành những nơi buôn bán. Nhiều người cho rằng phố cổ Hội An giờ giống như một khu mua sắm và họ cảm thấy tiếc cho một Hội An hoài cổ và yên tĩnh như trước kia.

- Một số những tác động tiêu cực khác có thể quan sát thấy ở Hội An là rác thải, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn…. Tuy nhiên, những tiêu cực này chưa quá nghiêm trọng trong trường hợp Hội An.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, phát triển du lịch ở Hội An gần đây đã bộc lộ rõ những bất cập trong quá trình phát triển. Thứ nhất, phát triển du lịch đã tạo ra sự phân bổ thu nhập không đồng đều trong người dân Hội An. Thực tế đã cho thấy có sự khác biệt về thu nhập giữa các nhóm người trong từng khu vực khác nhau của Hội An. Trong khu vực phố cổ, những người sống ở các ngôi nhà dọc đường Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng thường có thu nhập từ việc kinh doanh buôn bán nhiều hơn những người sống ở các phố khác. Người dân sống ở khu vực phố cổ nói chung thì có nhiều cơ hội nâng cao thu nhập hơn người dân sống ở các vùng phụ cận như là Cẩm Kim, Tân Hiệp, Cẩm Thanh. Thứ hai, phát triển du lịch ở Hội An gần đây có chiều hướng tăng mạnh về số lượng các khu nghỉ cao cấp sở hữu bởi các công ty hay tập đoàn quốc tế chứ không phải người Hội An. Ngoại trừ nguồn thuế thu được từ các khu nghỉ này thì không có gì đảm bảo chắc chắn là những khu nghỉ này sẽ sử dụng hàng hoá, nguyên vật liệu và các dịch vụ của người địa phương. Điều này có thể sẽ mang lại sự thất thoát lớn về tài chính và không hoàn toàn mang lại lợi ích cho người dân địa phương mà phát triển du lịch vốn được trông mong nhiều là sẽ làm được điều này. Bên cạnh những điểm yếu đó còn có một vài những bất cập khác đang xảy ra trong quá trình phát triển du lịch ở Hội An, gồm có môi trường kinh doanh cạnh tranh cao và không lành mạnh, hoạt động của “cò”, làm phiền du khách của những người bán hàng rong, trẻ con bỏ học để đi bán dạo trong phố cổ….

Tuy nhiên, theo đánh giá riêng của người viết bài này, nếu đặt Hội An trong bối cảnh chung của du lịch di sản ở Việt Nam (Huế, Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng…) thì du lịch Hội An đang tiến triển khá tốt khi mà nó mang lại nhiều lợi ích hơn là tác hại. Tất nhiên, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu Hội An giảm được các ảnh hưởng tiêu cực và khuyến khích, tạo điều kiện cho các tác động tích cực của du lịch, dù rằng điều này yêu cầu nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa. Qua những lợi ích mà du lịch có thể mang đến cho địa phương, du lịch được thừa nhận như là một phương tiện đúng cho việc quản lý bền vững di sản văn hoá ở Hội An. Mặc dù vậy, làm cách nào để sử dụng phương tiện này một cách hiệu quả thực sự là một vấn đề đặt ra cho tất cả những cá nhân hay tổ chức tham gia vào quá trình này.

Lời kết

Hội An đã trở thành một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hoá và nâng cao chất lượng sống của người dân bằng định hướng phát triển du lịch. Lý do của thành công này là ở chỗ Hội An có một hệ thống các chính sách liên kết chặt chẽ quản lý di sản văn hoá và phát triển du lịch. Thực tế trường hợp Hội An chứng minh rằng sử dụng du lịch như một công cụ, đồng thời như một nguồn lực để quản lý di sản văn hoá có thể mang đến tính bền vững. Không phải tận đến khi Hội An trở thành Di sản thế giới mà chính quyền và những nhà quản lý mới nghĩ đến cách tiếp cận này. Kế hoạch 15 năm cho phát triển du lịch ở Hội An đã bắt đầu được tiến hành từ năm 1995, trước mốc 1999 (Hội An trở thành Di sản thế giới). Những đóng góp của du lịch đối với đời sống người dân địa phương và các di sản ngày càng chứng tỏ Hội An đang đi đúng hướng nhằm giữ gìn các di sản quý báu cho không chỉ người dân hiện giờ mà còn cho những thế hệ tương lai của thị xã. Một cách trực tiếp, du lịch đã đóng góp cho việc bảo tồn các di sản văn hoá ở Hội An bằng cách dùng một phần thu nhập như là quỹ hỗ trợ về tài chính. Một cách gián tiếp, bằng cách thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, cung cấp việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống,… là những việc mà nhờ đó, nâng cao được nhận thức của người dân về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn các di sản quý giá, du lịch đã giúp đỡ cộng đồng sở tại có nhiều phương tiện và động lực hơn để tự bảo vệ các di sản. Một mặt, những lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hoá của thế hệ hiện tại được đảm bảo. Mặt khác, các thế hệ người dân tương lai của Hội An có thể mong nhận được những di sản quý báu mà họ đáng được hưởng. Vì thế trong tương lai, khi Hội An và các địa điểm di sản khác ở Việt Nam không thể hoàn toàn dựa vào việc tài trợ và bảo vệ từ phía chính phủ thì du lịch được coi là một công cụ hứa hẹn nhất trong việc đảm bảo quản lý bền vững các di sản văn hoá.

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: