Du lịch “Mùa lúa chín”: Thương hiệu du lịch Làng cổ Đường Lâm |
Theo Kênh thông tin đối ngoại của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững nhận định, hiện nay người nông dân mới chỉ khai thác lúa dưới khía cạnh là lương thực, còn nhiều khía cạnh giá trị khác của lúa như: giá trị cảnh quan, gía trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, giá trị thời trang, giá trị vật liệu xây dựng... còn chưa được biết đến để gia tăng chuỗi giá trị cho lúa. Làng cổ Đường Lâm hoàn toàn có thể tạo ra sự đột phá về kinh tế nông nghiệp nếu tập trung đầu tư trọng điểm cho các sản phẩm du lịch từ cây lúa”. Đây cũng là để trả lời cho nỗi trăn trở của các của các nhà khoa học STDe về những câu hỏi: Vì sao Việt Nam là đất nước trồng rất nhiều lúa nhưng người dân lại không sống được nhờ cánh đồng?; Vì sao Việt Nam có khá nhiều làng cổ truyền thống nhưng du lịch làng quê vẫn không có cơ hội phát triển?...
Theo Tiến sĩ Hạnh, Tour du lịch "Mùa lúa chín” xây dựng những góc nhìn sáng tạo mới về cây lúa để đề xuất các hoạt động du lịch phù hợp và được kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu du lịch cho Làng cổ Đường Lâm với các hoạt động: Tham quan và thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín vàng. Tổ chức các đám cưới lãng mạn trên cánh đồng, trải nghiệm thú vị với công viên Rơm... Ngoài ra, sản phẩm ”Đêm trăng Đường Lâm” sẽ giúp du khách có một đêm tuyệt vời và khó quên tại làng cổ. Mô hình "Công viên lúa" với 3 không gian chính: Không gian ”Hoài niệm”, không gian”Tình yêu” và không gian ”Khám phá”. Không gian ’’Hoài niệm” giúp du khách trở về quá khứ với sắc màu vàng rực rỡ của cánh đồng mùa lúa chín, với hương lúa, cánh cò, tiếng sáo diều và các món ăn dân dã thôn quê. Không gian ”Tình yêu” được tạo dựng với nhiều không gian riêng tư lãng mạn khác nhau để hẹn hò, tâm sự, và chụp những bức ảnh kỷ niệm cho ngày cưới. Không gian ”Khám phá” là thế giới dành cho trẻ em với các bù nhìn rơm ngộ nghĩnh và nhiều trò chơi thú vị với rơm. Bên cạnh đó là "Công viên rơm" với 3 không gian hoạt động: Khu trình diễn thời trang rơm, khu dạy làm đồ lưu niệm rơm và khu ẩm thực. Đây là 3 không gian hoạt động có nhiều sức hút bởi sự độc đáo từ các hoạt động mới lạ. Đặc biệt, sau một ngày du lịch sôi động, du khách cũng được nghỉ ngơi thư giãn tại "Công viên trăng". Tích này sẽ giúp du khách trở về không gian tĩnh lặng để thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng Đường Lâm. Những ngôi nhà nghỉ xây dựng bằng vật liệu địa phương như tre, gỗ, rơm, đá ong với nhiều hình thức mới lạ sẽ để lại ấn tượng khó quên cho du khách về đêm trăng Đường Lâm. Theo ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, tour du lịch này rất dễ triển khai vào thực tế vì đã khai thác được những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương. Phát triển tốt loại hình du lịch này sẽ trở thành cơ hội tạo công ăn việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương … Và cuối cùng, khi người dân có được lợi ích thực sự từ cánh đồng, họ sẽ nhận thức được giá trị của di sản cha ông và tích cực gìn giữ viên ngọc quí ” Làng cổ Đường Lâm”. Dưới khía cạnh quản lý nhà nước, ông Nguyễn Quốc Hưng (Phó Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch ) đánh giá rất cao tâm huyết và tinh thần tiên phong của các nhà khoa học STDe trong việc nghiên cứu giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến việc khai thác tài nguyên chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Theo ông Hưng ”Tour du lịch mùa lúa chín” có tính khả thi cao và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội nhiều mặt cho làng cổ Đường Lâm. Bên cạnh đó, Tour du lịch ”Mùa lúa chín” cũng được kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu du lịch cho Làng cổ Đường Lâm nói riêng và là mô hình du lịch nông nghiệp điển hình cho các làng cổ ở Việt Nam nói chung. Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh đã thay mặt STDe trao tặng cho đại diện làng cổ Đường Lâm dự án TOUR DU LỊCH MÙA LÚA CHÍN. Mười đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cưú đã cùng ký vào biên bản ghi nhớ sẽ hợp tác để triển khai dự án này vào thực tế nhanh nhất. Hà Vũ |