Du lịch trách nhiệm

Những ý tưởng làm du lịch của nữ kiến trúc sư, như chính nhiều người vẫn nói, đó là lạ, độc đáo và có phần… “không tưởng”. Với chị, những thứ như: Mưa, gió, rơm, rác… đều có thể trở thành sản phẩm du lịch. Và thực tế, chị đã hiện thực hóa những ý tưởng này. Trải qua 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn chiến lược và quy hoạch du lịch, trong con người của nữ KTS Nguyễn Thu Hạnh đã hình thành lối làm việc rất khác lạ: Nhìn thấy giá trị ở những sự vật tưởng như bình thường, vô dụng.

Trước thực tế các vùng miền, địa phương rất giàu tiềm năng phát triển du lịch, nhưng kết quả khai thác còn thấp, chị vẫn luôn đau đáu mong làm được một điều gì đó cho ngành du lịch hiện nay. “Việt Nam có khá nhiều tiềm năng du lịch nổi trội, nhưng so với các nước như Singapore hay Thái Lan, sản phẩm du lịch của chúng ta lại nghèo nàn, thiếu tính đa dạng, điều này phản ánh tính sáng tạo của chúng ta còn hạn hẹp” - chị bộc bạch.

Từ những trăn trở này, năm 2010, chị đã thành lập STDe, là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với mục tiêu: Thay đổi tư duy trong việc khai thác tài nguyên để tạo ra bước đột phá cho du lịch Việt Nam. Có cơ sở để thực hiện, có nguồn lực hỗ trợ, bởi thế, chỉ sau 5 năm thành lập, chị cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và công bố 15 bộ sản phẩm du lịch mang “Tư duy đột phá”, được dư luận đánh giá cao. Điển hình như: Dự án “Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch” đã thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Dự án đề xuất các giải pháp để du lịch có thể “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi. Các tour du lịch mùa mưa - lụt đã mang lại những hiệu quả bất ngờ. Dự án còn là cơ hội để du khách thực hiện hoạt động du lịch có trách nhiệm: Chia sẻ và động viên giúp đỡ người dân địa phương trong những ngày gặp thiên tai. Dự án “Mô hình khách sạn “Bóng đêm”” - mô hình khách sạn tiết kiệm năng lượng, hướng đến khai thác giá trị và vẻ đẹp của bóng tối để giúp du khách có những trải nghiệm hoàn toàn mới và tạo được doanh thu cho du lịch. Dự án này được trao tặng giải thưởng cống hiến của cuộc thi “Ý tưởng Kinh tế Xanh 2011”. Dự án “Sản phẩm du lịch từ rơm Đường Lâm”: Giúp người dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) khai thác tận dụng rơm để làm ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Còn nhiều trăn trở…

Với tư duy biến thách thức thành cơ hội, KTS Nguyễn Thu Hạnh và STDe đã liên tục và không ngừng cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch đột phá về tư duy, đi ngược lại với tư duy thông thường của số đông mọi người. Do đó, thời gian đầu, chị đã gặp phải những rào cản rất lớn từ dư luận. Nhiều người cho chị là viển vông và hoàn toàn không tin vào tính khả thi của các dự án. Nhưng, những điều đó không thể làm chị nhụt chí. “Mình sinh ra để đối mặt với thách thức” - chính sự tự tin, cùng hướng đi phù hợp đã giúp chị thành công và chiếm được lòng tin của người dân những vùng đất các chị đến.

Thực hiện các dự án, phổ biến các ý tưởng, tập huấn cho người dân địa phương đều được chị làm miễn phí, thậm chí phải bỏ tiền túi để làm, nhưng chị đều chấp nhận. Chị tâm sự rằng: Sẵn sàng đối mặt và vượt qua thách thức, chỉ mong mọi người có thể thay đổi tư duy cũ. Chị đã đến nhiều địa phương, DN du lịch để thuyết trình với mong muốn sớm đưa các mô hình mới áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, không phải ở nơi đâu, ý tưởng mới mẻ của chị cũng được đón nhận. Vẫn còn DN vì lợi nhuận trước mắt, không mặn mà áp dụng mô hình mới, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. “Mình sẽ còn cố gắng, cho tới khi nào thuyết phục được số đông người dân, DN thay đổi tư duy cũ để sống trách nhiệm hơn với môi trường” - chị tâm sự.
                                                                                                                     Bình Minh