Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Lạ lùng chuyến bay hành khách không biết nơi đến Lạ lùng chuyến bay hành khách không biết nơi đến
Quán cà phê Nhật gây sốt với những con chuột khổng lồ Quán cà phê Nhật gây sốt với những con chuột khổng lồ
Xem Tiếp...
TƯỞNG NHỚ NGƯỜI CHA TINH THẦN CỦA STDe...
Thế là đã 1 năm rồi Thầy xa chúng con, xa những người thân yêu trong gia đình STDe. Nhớ những lúc được nghe thầy truyền giảng về văn hóa VN, về nhân tình thế thái, về đạo đức làm người... Nhớ những lúc được nghe những lời động viên khích lệ của Thầy về tương lai của con đường SÁNG TẠO ĐỘT PHÁ còn đầy chông gai và thử thách...
Nhớ ơn Thầy, nhớ ơn người cha tinh thần đã luôn quan tâm dìu dắt,... chúng con xin thắp 1 nén hương để tưởng nhớ Thầy. Chúc Thầy luôn bình an, thanh thản và luôn mỉm cười khi nhớ về chúng con...



GS.TS Phạm Đức Dương


Hà Nội, Ngày 2/8/2010
Trần Hoài Nam

Vậy là hơn 1 tuần kể từ buổi nghe thuyết giảng đầu tiên tại nhà GS.TS. Phạm Đức Dương (sau này cho phép tôi được gọi bằng “thầy” - gần gũi, thân thương) – chuyên gia Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học ở Việt Nam (Chủ tịch TƯ Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á – Việt Nam), sau bao lần dự định lưỡng lự, cuối cùng tôi cũng cố gắng dành cho mình một “khoảng lặng” để hồi ức những cảm xúc ngỡ ngàng, khâm phục về con người, về công việc và về gia đình của một con người mà cả cuộc đời dành cho nghiên cứu khoa học. May thay, những ký ức của ngày hôm ấy vẫn còn “đọng lại” nguyên vẹn trong tôi như chưa hề có những vết cắt của thời gian.

Lần đầu may mắn được tiếp xúc với thầy là một buổi sinh hoạt của Liên hiệp. Được giao nhiệm vụ đón thầy tại cổng trường Đại học xây dựng – tôi không khỏi ngạc nhiên với vẻ bề ngoài khá “lãng tử” trông giống như một nghệ sĩ hơn là một nhà khoa học đầu ngành và trẻ hơn nhiều so với tuổi 80 mà thầy đang “sở hữu”: mái tóc dài ngang vai đã ngã màu hoa râm được chải chuốt kỹ càng, dáng người cao lớn, mặc comple, đeo cà vạt…và điều đặc biệt là bàn tay phải có 6 ngón. Nhưng sau đó là một sự thân thiện đến “lạ lùng” và những bất ngờ về thầy cứ thế ngày càng “chồng chất”. Suốt cả buổi nói chuyện, những kiến thức chuyên sâu đã làm tôi đi từ khâm phục này đến khâm phục khác. Như thường lệ, những ngày sau đó là những thông tin về thầy mà tôi tự tìm kiếm được trên mạng càng làm tôi kính trọng và ngưỡng mộ. Nhưng ấn tượng lớn nhất đối với tôi là thư viện của thầy với hơn 6000 đầu sách phục vụ miễn phí cho tất cả những người yêu sách, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ đến tìm hiểu, nghiên cứu và có thể trao đổi trực tiếp. Cả cuộc đời dành tâm huyết cho nghiên cứu, thư viện này là tài sản lớn nhất và quý giá mà thầy mong muốn “truyền lại” cho những người “ham sách” và có ý định tiếp bước con đường của thầy đang xây dựng.

Mong muốn được “tận mục sở thị” thư viện và kiểm nghiệm một lần nữa về những gì mà người ta hết lời ca ngợi thầy trên các phương tiện truyền thông, càng làm tôi háo hức đến ngày được đến nhà thầy cùng với các bạn trong CLB du lịch xanh để nghe thầy giới thiệu về các điểm di tích ở Hà Nội. Và tôi đã thõa nguyện những mong ước bây lâu. Tôi không những không thất vọng mà còn tự cho mình quá may mắn về những trải nghiệm thú vị, hữu ích của ngày hôm ấy.

Ngày 24 tháng 7 – một ngày thứ 7 đặc biệt, tôi cùng các bạn trong CLB du lịch xanh đến nhà thầy – người thầy mà mới chỉ gặp 2 lần những tôi hằng kính trọng. Cuộc hành trình đến nhà thầy vất vả hơn những gì mà tôi hình dung ban đầu nhưng sau một thời gian lòng vòng, hỏi qua nhiều người, tôi cũng tìm đến được nhà thầy. Tôi là người đến sớm nhất có lẽ do là người trưởng nhóm nghiên cứu nên phải chuẩn bị chu đáo cho buổi thuyết giảng. Đập vào mắt tôi là một ngôi nhà nhỏ nhắn và dường như quá “khiêm tốn” so với những gì mà thầy đã từng làm, đã từng cống hiến cho xã hội (gọi là nhà nhưng thực chất đây là một căn hộ trong khu tập thể Khoa học xã hội nhân văn mà thầy được nhà nước cấp). Tôi tự nghĩ điều này cũng rất dễ hiểu bởi tính cách của thầy mà tôi đã từng được nghe, được đọc và được xem.

Chúng tôi đã tập trung đầy đủ nhưng muộn hơn so với dự kiến 10 phút (8h40) do các bạn tìm đường hơi. Tôi cũng có phần lo lắng bởi lần đầu tiên mình đã lỡ hẹn với thầy. Tôi bấm chuông và ra mở cửa không phải là thầy mà là một người phụ nữ đôn hậu, nét mặt vui vẻ tươi cười và đặc biệt là chất giọng đậm chất “Xứ Nghệ” nghe thân quen, gần gũi (Tôi cũng là người Xứ Nghệ mà). Tôi nghĩ có thể đó là vợ thầy – người phụ nữ mà thầy gọi là “ân nhân” của đời mình.

Bước vào nhà lên tầng 3, tất cả chúng tôi quá ngỡ ngàng với một căn phòng nhỏ “ngập” trong sách và sách. Sách ở trên tường, sách ở dưới nền nhà và sách ở lối đi cầu thang. Một thế giới sách thu nhỏ với nhiều tài liệu quý mà thầy dày công sưu tầm biên soạn. Những gì mà tôi hình dung về thư viện, về “đứa con tinh thần” mà thầy “nuôi dưỡng” mấy chục năm nay qua quá nhỏ bẻ hơn với những thứ đang bày ra trước mắt tôi. Những choáng ngợp rồi cũng nhanh chóng qua mau và tôi thấy có một người vẫn đang ngồi “cặm cụi” bên bàn làm việc. Và rất dề để nhận ra đó là thầy. Tôi vội chào thầy và xin lỗi thầy vì sự đến muộn của cả nhóm. Đáp lại là một nụ cười hiền hậu và câu hỏi thân quen “Các em đến rồi ah?”. Tôi đinh ninh là thầy đang ngồi đợi chúng tôi đến để làm việc vì hẹn thầy 8h30 mà. Nhưng may mắn là không phải, thầy vẫn làm việc say sưa, dường như đối với thầy thời gian nghỉ ngơi là những gì đó quá “xa xỉ” trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình. Sự khâm phục, sự kính trọng của tôi dành cho thầy lại lớn hơn chút nữa.

Căn phòng nhỏ bé, vốn đã “chật chội” với sách, có thêm 8 người chúng tôi nữa có vẻ hơi khó khăn để bố trí chỗ ngồi. Nhưng dường như thầy đã quá quen với các đợt sinh viên hay những người mê sách đến đây nghiên cứu và trao đổi. Cuối cùng thì thầy trò vẫn quây quần với nhau trong một không gian thật đầm ấm, cởi mở và chân thành. Sau giây phút làm quen giữa thân thiện giữa thầy và trò - mặc dù chúng tôi không phải là những sinh viên mà hằng ngày được thầy “nâng niu” trên giảng đường nhưng cũng được xin phép làm học trò của thầy bởi truyền thống của dân tộc Việt Nam “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, Tất cả chúng tôi dường như lạc vào một không gian văn hóa thực sự - không gian văn hóa trong tiềm thức mỗi người:

- Hà Nội một mảnh đất nghìn năm văn hiến với truyến thống văn hóa Thăng Long “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu ca ấy như minh chứng cho một vùng đất văn hiến từ ngàn xưa. Đấy là trên những trang sách, trên những phương tiện thông tin mà tôi từng có điều kiện tham khảo. Song trên thực tế, một người đến từ tỉnh lẻ và mới chỉ “gắn bó” với nơi đây 6 năm – Hà Nội trong mắt tôi là một Hà Nội khác xa nhiều: chật chội, đông đúc, xô bồ và nhiều những vấn nạn khác nữa. Cuộc sống đã biến đổi không ngừng do kinh tế thị trường đã ăn sâu vào tâm lý, tính cách của con người nơi đây. Một thành phố của sự nhập cư lộn xộn từ nhiều địa phương và mang theo những nét văn hóa khác tạo nên một quá trình pha trộn văn hóa sâu sắc. Trong bối cảnh đó, câu hỏi “văn hóa Tràng An đang nằm ở đâu trong tâm thức của người Hà Nội?” thực sự dễ tìm ra câu trả lời. Nhiều lúc tôi tự hỏi bản chất văn hóa Hà Nội nằm ở đâu? Nhiều người bảo bây giờ chỉ có những người Hà Nội gốc sống ở phố cổ mới giữ được nét văn hóa này. Câu trả lời có phần hơi phiến diện nhưng cũng có những hợp lý của nó. Và thầy đã đưa chúng tôi trở về với văn hóa Tràng An – một thời từng được nhân dân cả nước tự hào. Đó là cách ăn mặc đơn giản nhưng thanh lịch, cách ăn nói, dáng đi đứng…..Tất cả đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng của Hà Nội xưa. Hà Nội không chỉ có Hồ Gươm, tháp Rùa mà còn có “văn hóa Tràng An”. Một Hà Nội khác mà tôi và rất nhiều bạn trẻ nữa đã không nhận ra. Đối với nền kinh tế thị trường đang sôi động thì Hà Nội “ấy” sẽ không bao giờ được biểu hiện ra bên ngoài mà nằm ở bên trong thậm chí là rất sâu bởi sự “che lấp” của một Hà Nội mà tôi đã và đang thấy. Việc tìm ra Hà Nội “ấy” cần có thời gian, cần có trải nghiệm và cần có kiến thức sâu rộng về văn hóa. Và thầy đã giúp tôi tìm ra Hà Nội ấy nhanh hơn mà không phải mất công tự mày mò, tự tìm tòi.. Nếu không có những người lưu giữ văn hóa như thầy thì chắc chắn văn hóa Hà Nội xưa sẽ còn mãi là dĩ vãng, sẽ còn mãi là những kỷ niệm ngọt ngào mà thôi. Những người như vậy xứng đáng được tôn vinh, được kính trọng. Đặc biệt là trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long đầy ý nghĩa như thế này.

Cảm ơn thầy – người đã mang văn hóa Tràng An đến với chúng em.
- Đó là lịch sử của thủ đô ngàn năm trải qua các giai đoạn khác nhau, từ khi Lý Công Uẩn đời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đến giai đoạn đấu tranh chống giặc ngoại xâm thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuối cùng là giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa. Mỗi giai đoạn phát triển là mỗi giai đoạn mà Hà Nội có những biểu tượng khác nhau: Thăng Long biểu tượng thủ đô văn hiến, Hà Nội biểu tượng thủ đô anh hùng và Hà Nội biểu tượng của thủ đô Hòa bình trong giai đoạn thứ 3. Ý nghĩa của tên hồ Hoàn Kiếm được thầy giải thích cặn kẽ - tức là trả lại gươm, mang ý tượng trưng cho công cuộc xây dựng hòa bình, phát triển đất nước sau chiến tranh. Chiến tranh là bất đắc dĩ, để bảo vệ quê hương, thần Kim Quy đã cho mượn gươm thần để chống chọi với giặc ngoại xâm hung bạo, tàn ác. Và khi chiến thắng quân xâm lược, chúng ta phải xây dựng đất nước. Đó là lúc thích hợp để vứt bỏ binh đao mà hành động trả gươm là mang ý nghĩa lớn lao đó. Nhưng phải xây dựng đất nước bằng cách nào? Đó là chỉ có cách dùng văn (đại diện cho tầng lớp tri thức ngày xưa - muốn làm quan thì phải thi văn) và Tháp Bút – “Viết lên trời xanh” là mang ý nghĩa đó. Minh chứng rõ ràng nhất là việc xây dựng văn miếu Quốc Tử Giám sau đó – trường đại học đầu tiên của cả nước. Quả thực là một tầm nhìn lớn và đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự.

Càng được nghe càng thêm trân trọng, càng thêm tự hào về Hà Nội xưa. Nhưng tại sao, hiện chúng ta lại đang “cùng nhau” làm mất đi những gì quý giá nhất mà ông cha ta đã gây dựng nên. Hãy nhìn những di tích Hà Nội bị lấn chiếm, bị biến mất; hãy nhìn Hồ Gươm đang bị biến thành một “cái ao”,….. thì mới thật xót xa. Thế hệ hôm nay đang có lỗi với “tổ tiên” và có thể là có lỗi với hậu thế nữa nếu không được ngăn chặn kịp thời. Với tốc độ “phá di sản”, “băm nát di sản” như hiện nay thì thế hệ tương lai làm gì còn biết đến các di tích đình, chùa, miếu mạo nữa….Thật buồn và cảm thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó. Bởi vì trước đây tôi và tất cả các bạn đều hờ hững với lịch sử, với văn hóa không chỉ của Hà Nội mà còn đối với cả nước.

Cảm ơn thầy – người đã mang giá trị lịch sử, văn hóa đến với chúng em!
- Nói chuyện về văn hóa nhưng thầy vẫn không quên đề cập đến du lịch và văn minh đô thị Hà Nội hiện nay. Thầy bảo: “Các SPDL phải được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa để tạo thành một sản phẩm đặc trưng. Nắm rõ giá trị văn hóa Hà Nội là cơ sở quan trọng để xây dựng các SP này”. Những gợi mở về một số SPDL cũng được thầy góp ý. Ví dụ như tuyến du lịch “Hà Nội tìm lại chính mình” sẽ đi qua các biểu tượng của Hà Nội qua các thời kỳ khác nhau: Tháp Rùa, Chùa Một Cột và Khuê Văn Các. Một tour du lịch chắc chắn sẽ hấp dẫn.

Nhưng khi đề cập đến những vấn đề nhức nhối của đô thị thì giọng thầy “man mác” một nỗi buồn, một nỗi thất vọng. Bởi những người luôn cống hiến cả cuộc đời cho xã hội văn minh hơn nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn trái ngược. Đó là kiến trúc Hà Nội – một kiểu kiến trúc “chen lấn và xâm chiếm”, đó là không gian Hà Nội - không gian ngập mỗi khi mưa đổ về,….Nhưng đáng thất vọng hơn là một số góp ý mang tính chiến lược trước đây của thầy nhưng không được chú ý. Thầy buồn cho tư duy của một số lãnh đạo đất nước nên đã dẫn đến thực trạng như hiện nay. Và còn rất nhiều những kiến thức phong phú ,bổ ích khác nữa về văn hóa, lịch sử. Đó là những kiến thức lý luận về văn hóa, về thành Cổ Loa, về Thánh Gióng, về Vua Hùng, về văn hóa Hòa Bình….Thậm chí còn cả văn hóa Huế nữa. Những kiến thức mới mẻ, hấp dẫn đã thực sự lôi cuốn chúng tôi.

Cảm ơn thầy – người đã mang những vấn đề thời sự liên quan về văn hóa đến với chúng em.
Với phong cách diễn đạt nhẹ nhàng, dễ hiểu, nhiệt tình cả thầy và trò dường như quên hết thời gian. Đặc biệt là thầy – giảng bài một cách say sưa và trả lời tận tình chu đáo những gì mà chúng tôi phân vân, thắc mắc. Nếu chúng tôi không chủ động kết thúc buổi nói chuyện thì có lẽ thầy vẫn còn tiếp tục câu chuyện của mình với những câu hỏi mà chúng tôi đưa ra. Nếu như trước đây tôi bị “chinh phục” bởi kiến thức uyên thâm của một nhà khoa học đầu ngành thì lần này tôi thực sự bị “chinh phục” một lần nữa bởi nhân cách của một nhà giáo chân chính. Hiếm có một thầy giáo, cô giáo nào ở trên mọi miền đất nước này lại nhiệt huyết với thế hệ tương lai của đất nước như thầy tôi. Không chỉ cho phép sinh viên đến đọc sách miễn phí tại thư viện của mình, được photo tài liệu mình cần mà còn trực tiếp trao đổi những vấn đề thắc mắc của những ai đến với “kho tàng sách” khi thầy rãnh rỗi. Không biết bao nhiều thế hệ sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh nữa đã từng “đi qua” những lời giảng, những trang sách và “ghé qua” “đứa con tinh thần” của thầy. Và tất nhiên trong đó có chúng tôi mặc dù đây là lần đầu tiên chúng tôi được đến với thầy. Thầy là một tấm gương lớn cho nhiều thế hệ giáo viên noi theo. Bởi giáo dục Việt Nam hiện nay có quá nhiều vấn đề bất cập, tiêu cực mà nguyên nhân bắt nguồn từ thầy cô mà chúng ta gọi quen thuộc là “kỹ sư tâm hồn”- những người gieo những nền móng cơ bản đầu tiên cho thế hệ tương lai của đất nước. Tôi nghĩ rằng có những ai đó, đang ở đâu đó trên đất nước này nếu đã, đang và sắp có ý định thực hiện những việc làm trái với đạo đức nghề giáo thì hãy dừng lại và lấy bản thân con người thầy để suy nghĩ, để xem xét và để dừng lại đúng lúc cho những hành động “trái với lương tâm” của mình với mong muốn cải thiện hình ảnh giáo dục Việt Nam trong tương lai.

Cảm ơn thầy – người đã mang lại niềm tin tưởng về một nền giáo dục tiến bộ cho chúng em.
Trong suốt buổi nghe giảng, thấp thoáng một người phụ nữ trong căn phòng – người phụ nữ tri ân, tri kỷ của cuộc đời thầy, đi đi lại lại tận tụy làm mọi trong gia đình. Chưa có điều kiện để nghe thầy kể về người phụ nữ của đời mình nhưng qua các thông tin trên báo chí tôi thực sự khâm phục cô – một hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam. Lớn lên trên vùng đất nghèo xứ nghệ, cô đã đảm đương tất cả mọi việc trong gia đình từ việc nuôi dạy con, lo kinh tế gia đình và còn tham gia du kích dân quân chiến đấu….để thầy toàn tâm, toàn ý thực hiện những công việc, những trọng trách mà Nhà nước giao phó. Càng cảm phục hơn với tinh thần và ý chí của một người phụ nữ vượt lên những khó khăn của quê hương, của chiến tranh để xây dựng “hậu phương” vững chắc. Và thầy đã tự nhận mình là người chồng “hờ”, người cha “hờ” – một sự biết ơn sâu sắc. Đôn hậu, vui vẻ, niềm nở, tận tình chu đáo là những xúc cảm của tôi dành cho cô trong lần đầu tiên gặp mặt nhưng chưa hề tiếp xúc trực tiếp.

Cảm ơn cô – người mang thầy đến với chúng em.
Buổi nói chuyện kết thúc lúc gần 1h chiều với sự chủ động kết thúc của chúng tôi. Tình cảm kính trọng về thầy, về cô của tôi và tất cả các bạn sẽ mãi không phai nhòa. Những ấn tượng tốt đẹp ấy sẽ là những ngọn lửa để chúng tôi luôn cố gắng, luôn quyết tâm với mong muốn làm được một phần nhỏ bé như những gì mà thầy cô đã làm được cho gia đình và cho xã hội.
Cho dù sau này có thể thầy sẽ được Nhà nước tôn vinh, các tác phẩm của mình có thể được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh hay bất kỳ một danh hiệu nào khác đi nữa thì vẫn cho phép tôi được gọi thầy là “Thầy Dương”.
 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: