XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT TỪ CHUỖI GIÁ TRỊ DI SẢN |
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT TỪ CHUỖI GIÁ TRỊ DI SẢN
TS. Nguyễn Thu Hạnh Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững ( STDe) Mb: 0936631970 Email: This e-mail address is being protected from spam bots, you need JavaScript enabled to view it
Khái niệm “ Thương hiệu điểm đến” ( Destination brand )Là nét tinh túy, độc đáo của điểm đến, tạo ấn tượng sâu sắc và được lưu giữ sâu sắc trong tâm trí của du khách; Thương hiệu thể hiện đặc tính cốt lõi tạo nên sự khác biệt của điểm đến so với các đối thủ cạnh tranh [3] Thương hiệu điểm đến mang tính tầng bậc và được thể hiện đa dạng dưới nhiều khía cạnh vật chất và tinh thần. Có thể là một cái tên, một logo, một hình ảnh, một ký hiệu, một câu triết lý, một bài hát, hay bản nhạc; cũng có khi nó là ấn tượng sâu sắc về một Thành phố, một di sản, một khu du lịch, một khách sạn, một chương trình tham quan hoặc một món ăn, một văn hóa phục vụ… Sự phối hợp đồng nhất của các yếu tố đa dạng trên theo kim chỉ nam của một chiến lược thương hiệu nhằm mục đích tạo ra sự khác biệt độc đáo của điểm đến này so với các đối thủ cạnh tranh khác. Để thương hiệu tạo ra được sức cạnh tranh lớn cần phải gắn liền thương hiệu với các nội dung, chương trình và kế hoạch phát triển một cách tổng thể, đồng bộ để giúp cho thương hiệu có sức lan tỏa lớn và thể hiện rõ cá tính đặc trưng của mình. Có nhiều cách tiếp cận để tạo dựng thương hiệu điểm đến. Đó có thể là cách tiếp cận với bề dày văn hoá lịch sử của khu vực; từ đặc điểm hình thái của cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa lịch sử, tôn giáo, kiến trúc; từ những chức năng nổi bật của đô thị hay từ chính chất lượng của các loại hình sản phẩm, dịch vụ... Tùy theo thế mạnh đặc thù của điểm đến mà lựa chọn cách tiếp cận phù hợp nhất để tạo dựng thương hiệu. Chuỗi giá trị cấu thành thương hiệu Thành phố Buôn Ma Thuột.Buôn Mê Thuột nói riêng, Đắk Lắk và toàn vùng Tây Nguyên nói chung có địa hình cảnh quan đẹp và đa dạng với đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ, những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng mà đặc trưng là Vườn quốc gia Yok Đôn, Vườn quốc gia Chu Yang Sin, hồ Lắk... Nằm trong “Không gian văn hóa cồng chiêng” đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể nhân loại, với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội… thể hiện đời sống, sinh hoạt văn hóa và phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư bản địa. Ngoài ra, Đắk Lắk còn là vùng đất nổi bật với những sản vật có giá trị cao về kinh tế và văn hóa như Cà phê, Voi... tạo thành những điều kiện thuận lợi để du lịch trở thành thế mạnh nổi bật của tỉnh. Để khai thác toàn diện và hiệu quả các giá trị đặc thù của Buôn Mê Thuột và Đắk Lắk cần phải đánh giá nguồn tài nguyên này một cách hệ thống để có cách nhìn biện chứng và toàn diện về chuỗi giá trị di sản: quá khứ - hiện tại- tương lai. Có thể phân loại nguồn tài nguyên của Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk thành 3 nhóm giá trị: Quá khứ- Hiện tại- Tương lai ( xem minh họa tại sơ đồ 1) Nhóm giá trị quá khứ bao gồm:- Cảnh quan hồ- thác- suối gắn với núi rừng Tây nguyên đại ngàn - Lịch sử vận động địa chất qua dấu ấn của hệ thống các miệng núi lửa ( đã được công nhận là công viên địa chất toàn cầu tại một số địa điểm) ; - Âm nhạc Cồng- chiêng ( kiệt tác âm nhạc truyền khẩu đã được UNESCO công nhận); - Sử thi Tây nguyên ( điểm nhấn quan trọng và đáng tự hào nhất của các dân tộc Tây nguyên); - Kiến trúc nhà Rông, nhà dài, điêu khắc trang trí, tượng nhà mồ… Là những nét đặc trưng nổi bật mà cũng chỉ riêng Tây nguyên mới có; - Nghề thuần dưỡng voi nổi tiếng gắn với tập tục khai thác núi rừng; - Trang phục thổ cẩm với phong cách thời trang độc đáo của người Tây nguyên; - Ẩm thực núi rừng ( gà bản, cơm lam, rượu Amakong)… Nhóm giá trị hiện tại bao gồm:- Nhạc Rock Tây nguyên: Tuy mới ra đời khoảng hai chục năm qua các sáng tác âm nhạc đương đại của các nhạc sĩ: Nguyễn Cường, Trần Tiến… nhưng đã trở thành dòng âm nhạc lôi cuốn hấp dẫn qua tiếng hát tràn đầy năng lượng của các ca sĩ Tây nguyên nổi tiếng như: Ymoan, Siu black, Kasim Hoàng Vũ,… - Café: đồ uống hiện đại đã đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới cùng với thương hiệu của các Doanh nghiệp café nổi tiếng của Việt Nam như: Trung Nguyên,… - Hạt tiêu: một trong những loại cây gia vị đem lại doanh thu lớn cho người dân - Cao su: loại cây công nghiệp đem lại lợi nhuận rất lớn Nhóm giá trị tương lai bao gồm:- Giá trị của không gian hoang sơ, tự nhiên, mật độ xanh lớn, khí hậu môi trường chưa bị ô nhiễm, con người chất phác, cởi mở, kiến trúc đậm đà bản sắc và gần gũi thiên nhiên. Đây là nhóm giá trị hiện tại Đắk Lắk đang có nhưng sẽ trở thành giá trị quí hiếm trong xu hướng đô thị hóa và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra chóng mặt trong thời gian tới. Hiện trạng khai thác tài nguyên du lịch :Tài nguyên du lịch được khai thác phát triển du lịch như: sinh thái, văn hóa, cà phê, voi, cồng chiêng…, đã hình thành một số khu, điểm du lịch nổi bật như khu du lịch thác Dray Sáp Thượng, khu du lịch Văn hóa sinh thái Buôn Đôn, du lịch cầu treo buôn Trí - Buôn Đôn; Du lịch hồ Lắk; làng du lịch văn hoá Buôn Jun - huyện Lăk; điểm Du lịch thác Bảy nhánh - Buôn Đôn; du lịch Vườn quốc gia Yok Đôn; Công viên nước Đắk Lắk...... Trên cơ sở đó bước đầu đã thu hút được các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước, kết nối tour đưa khách du lịch đến Đắk Lắk. [1] Trong quá trình khai thác tài nguyên du lịch vẫn còn mang nặng tính “tự phát”, các loại hình du lịch mang tính trùng lặp cao. Sự “sao chép” vừa làm mất tính đặc trưng riêng của một điểm du lịch, vừa tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho du khách tham quan, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh trong du lịch. Nguyên nhân của vấn đề này là do đầu tư cho du lịch chưa xứng tầm, thiếu cả tài chính và chất xám sáng tạo, thiếu sự phối hợp đồng bộ và tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, người dân và địa phương trong việc tổ chức hoạt động du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. [1] Về mặt không gian, các hoạt động du lịch ở Đắk Lắk hiện nay mới tập trung phát triển ở một số khu vực chính có tiềm năng hoặc vị trí thuận lợi, đặc biệt ở TP. Buôn Ma Thuột và Buôn Đôn. Thành phố Buôn Ma Thuột là khu vực đầu mối giao thông, lại tập trung khá dày đặc các điểm du lịch cùng hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ du lịch… đang đóng vai trò là trung tâm du lịch quan trọng, là cửa ngõ du lịch của Đắk Lắk và điểm trung chuyển khách đi các Tỉnh lân cận thuộc Tây Nguyên. Khu vực Buôn Đôn và Vườn quốc gia Yok Don là nơi có tiềm năng du lịch vừa độc đáo, vừa đa dạng gắn liền với voi, bản sắc dân tộc và du lịch sinh thái. Khu vực này có khả năng phát triển thành biểu tượng của du lịch Đắk Lắk. Khu du lịch hồ Lăk và khu vực lân cận với tiềm năng của hồ Lắk - hồ nướcc tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên, hệ thống rừng nguyên sinh, các bản làng người dân tộc, có thể đầu tư xây dựng thành khu nghĩ dưỡng sinh thái trên cao nguyên. Các khu vực khác trong tỉnh mặc dù có tài nguyên du lịch giá trị như khu vực phía Đông (cao nguyên M'Đrắk, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô), khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc tỉnh hầu như chưa được khai thác. Nguyên nhân do thiếu những nỗ lực quảng bá tuyên truyền, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng chưa phát triển, chưa thực sự thuận lợi cho nhà đầu tư. [1] Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong thời gian qua cũng đã có nhiều bước phát triển. Thông qua các sự kiện, hội chợ trong và ngoài nước. Thông qua kết nối giữa các doanh nghiệp các tỉnh để giới thiệu về Du lịch Đắk Lắk trên website; phát hành đĩa về Du lịch Đắk Lắk; Tổ chức xuất bản sách, bản đồ Du lịch Đắk Lắk. Bên cạnh đó, với sự đầu tư của tỉnh, nhiều sự kiện văn hóa, du lịch có tầm cỡ như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Lễ hội Cồng chiêng, Tuần lễ văn hoá du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk… đã được tổ chức và gây được tiếng vang, cũng như thu hút được một số lượng khách du lịch nhất định. Đặc biệt Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk đã tạo thành một sản phẩm đặc thù của Đắk Lắk. [1] Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, chất lượng của hoạt động này cần tập trung nâng cao chất lựợng, với nhiều hình thức phong phú và đa dạng hơn. [1] Đề xuất chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù cho Buôn Mê Thuột – “ Thành phố cà phê của Thế giới »( xem minh họa tại sơ đồ 2) Trên cơ sở phân tích đánh giá giá trị nguồn tài nguyên du lịch và chuỗi giá trị từ di sản trong quá khứ - hiện tại- tương lai, tác giả đề xuất các tour du lịch đặc thù cho Tp Buôn Ma Thuột và Tỉnh Đắk Lắk. - Tour du lịch « Khám phá Thánh địa Cà phê »: thăm quan Thành phố cà phê Buôn Ma Thuột – « Thành phố cà phê của Thế giới » với các điểm check in như: quảng trường cà phê, công viên cà phê, bảo tàng cà phê, trang trại cà phê. Thưởng thức các phố cà phê đa sắc màu với các thương hiệu cà phê nổi tiếng theo phong cách Ý, phong cách Pháp, Đức, Braxin…Trải nghiệm các quán ccà phê độc đáo, đa dạng chủ đề và loại hình như: cafe Cồng- chiêng; cafe Rock, cafe Voi; cafe Đam san, Cafe Bóng tối, cafe rượu cần, Cafe Thiền, … - Tour du lịch “ Đi tìm nữ thần mặt trời”: Tái hiện sử thi Đam san bằng tour du lịch thám hiểm rừng sâu, tìm hiểu các hệ sinh thái, các giá trị tâm linh của người Êđê cổ xưa, khám phá nơi ở của nữ thần mặt trời,…Thăm thác, thăm hồ, Thăm các miệng núi lửa,… - Tour du lịch “ Theo dấu chân Vua Voi – Amakong” : Tham quan nơi ở của Vua Amakong ( buôn Đôn cổ xưa), làm bạn với Voi : xem chỗ ở của Voi, xem voi đẻ, voi kiếm ăn, Voi tắm, Voi nghịch nước. .. cho Voi ăn, vẽ, hát và chơi đàn cùng Voi, …Xem đám cưới Voi, lễ hội đua Voi,…Tham quan nhà Rông, nhà dài, nhà mồ, mộ Vua Amakong tại các điểm du lịch của huyện Buôn Đôn và huyện Lắk và Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh, Vườn quốc gia Yok Don - Tour “Thám hiểm các miệng núi lửa” : tham quan Núi Hoa (núi Chư M’Gar), ngọn Chư Hơ Đrông ngày nay đã tắt ngấm nhưng vẫn còn giữ được dạng đỉnh hình nón cụt, những hồ miệng núi lửa tròn vành vạnh như hồ La Bang và Tô Nu Eng Prông, biển Hồ T’Nưng, đỉnh Hàm Rồng, đỉnh núi lửa cũ Đắk Min, hệ thống hang động núi lửa từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp, ngọn núi lửa Chư Đăng Ya….. - Tour tham quan các khu bảo tồn rừng QG : tham quan các vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin, Tà Đùng, Bidoup Núi Bà, Cát Tiên ; tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên như KBTTN Ngọc Linh, KBTTN Kon Cha Răng, KBTTN Ea Sô, KBTTN Nam Ka, KBTTN Nam Nung ; khu bảo tồn loài như khu bảo tồn Đắk Uy, khu bảo tồn sinh cảnh Ea Ral, khu bảo tồn Trấp Ksơ * Đề xuất các loại hình khách sạn, nhà hàng đặc thù- Resort cafe, khách sạn cafe - Khách sạn sử thi : Khách sạn Đam san, khách sạn Amakong, khách sạn nữ thần mặt trời, - Khách sạn giải trí: khách sạn Voi, khách sạn bóng đá, khách sạn “ đôi mắt Pleiku” ( khai thác nhạc Rock), khách sạn trên thác, khách sạn trong rừng, * Đề xuất các loại hình lễ hội - sự kiện - trình diễn- vui chơi giải trí đặc thù :- Show thực cảnh Tình ca Đam San - Show trình diễn Cồng chiêng theo chủ đề dân tộc kết hợp hiện đại ( bao gồm lối chơi truyền thống ( cồng chiêng trong sử thi) và lối chơi hiện đại: kết hợp chiêng với nhạc rock hoặc nhạc giao hưởng, kết hợp cồng- chiêng với nhạy múa hiện đại); - Lễ hội Cà phê thế giới ( 2 năm một lần) - Lễ hội Nhạc Rock Việt Nam và Thế giới ( 2 năm một lần) - Lễ hội cồng- chiêng đường phố; - Lễ hội đua voi: giao lưu với Voi: xem voi vẽ, voi hát, voi nhảy, voi tắm, thi vẽ voi ( Thầy bói xem voi), * Đề xuất các loại hình ẩm thực: rượu cần, rượu Amakong, cà phê, hạt tiêu, cơm lam, gỏi lá, rau rừng, gà nướng bản Đôn, cá lăng, các món từ măng, heo rẫy nướng, bún đỏ, bò một nắng, bơ sáp, rau rừng, phở khô … * Đề xuất các loại hình hàng hóa lưu niệm: các sản phẩm từ cà phê, từ thổ cẩm, trang sức từ lông voi, các đồ trang sức từ sừng trâu, các đồ lưu niệm từ tre nứa…. Kết luận và kiến nghịĐể xây dựng thành công thương hiệu “Thành phố cà phê của thế giới” cho Thành phố Buôn Ma Thuột cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 cùng các chương trình hành động cho từng giai đoạn. Bước quan trọng đầu tiên cần làm là đánh giá lại nguồn tài nguyên sẵn có của Buôn Ma Thuột, của Đắk Lắk theo tư duy và góc nhìn mới. Cần xác định các giá trị cốt lõi của tài nguyên bằng tư duy hệ thống, với cái nhìn mở rộng, biện chứng và toàn diện hơn theo chuỗi giá trị: quá khứ - hiện tại và tương lai. Với quan điểm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Tây Nguyên như một “ cơ thể sống”, chấp nhận sự biến đổi của di sản như một thực thể có khả năng thích ứng và tích hợp các giá trị của quá khứ - hiện tại- tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục khai thác được di sản để nó tham gia vào đời sống đương đại, thăng hoa toả sáng và trở thành thương hiệu của vùng đất. Một số việc cần làm ngay :1. Xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “ Thành phố Cà phê của thế giới” với bộ nhận diện hình ảnh để định vị thương hiệu và làm kim chỉ nam cho các chương trình, kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, xúc tiến quảng bá hàng năm trúng đích và hiệu quả. Cần đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, quảng cáo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xúc tiến du lịch, chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên các mạng xã hội; phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. 2. Ưu tiên đầu tư xây dựng 03 Tour du lịch đặc thù làm điểm nhấn và tạo dựng thương hiệu khác biệt cho TP. Buôn ma Thuột và Tỉnh Đăk Lắk. - Tour du lịch « Khám phá Thánh địa Cà phê » - Tour du lịch “ Đi tìm nữ thần mặt trời - Tour du lịch “ Theo dấu chân Vua Voi – Amakong” 3. Tổ chức thường niên 04 lễ hội đặc thù như : - Lễ hội Cà phê thế giới ( 2 năm một lần) - Lễ hội Nhạc Rock Việt Nam và Thế giới ( 2 năm một lần) - Lễ hội cồng- chiêng gắn với trình diễn sử thi Đam san ( mỗi năm 1 lần) - Lễ hội đua voi ( mỗi năm 1 lần) 4. Khuyến khích đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với trải nghiệm cà phê tại 03 địa bàn trọng điểm du lịch của Tỉnh là: huyện Lắk, huyện Buôn Đôn, thành phố Buôn Ma Thuột. 5. Thành phố Buôn Ma Thuột với vị thế hiện tại là trung tâm khu vực Tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam, trung tâm động lực vùng Tây Nguyên, và tương lai với định hướng trở thành thủ phủ cà phê của Thế giới cần có chiến lược đầu tư kết cấu hạ tầng xứng tầm với qui mô và yêu cầu của một Đô thị thông minh theo chuẩn quốc tế. Cần định hướng mở rộng và nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột thành sân bay quốc tế và hệ thống dịch vụ sân bay hoàn hảo để phát triển các loại hình du lịch trung chuyển và du lịch MICE. 6. Định hướng kiến trúc cảnh quan Thành phố Buôn Ma Thuột cần có bản sắc và thông điệp rõ ràng. Cần thiết kế và xây dựng các không gian công cộng theo chủ đề tôn vinh giá trị và văn hóa cà phê. Xây dựng mô hình triển lãm, hội chợ có thương hiệu quốc tế để xúc tiến quảng bá, mua, bán các sản phẩm nông nghiệp Đắk Lắk ( đặc biệt là cà phê). Lựa chọn đầu tư xây dựng một số trung tâm, quảng trường, tượng đài, phố đi bộ và các công trình nghệ thuật sáng tạo cộng đồng, có giá trị thẩm mỹ và bản sắc đặc trưng thể hiện lịch sử phát triển của văn hóa cà phê thế giới nhằm tạo điểm nhấn và bản sắc đặc trưng cho Thành phố cà phê. 7. Xây dựng 01 trung tâm sáng tạo nghệ thuật từ Cà phê: Nơi qui tụ văn nghệ sĩ cả nước về sáng tác và trình diễn các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, hội họa kết hợp truyền thống và đương đại, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo và đột phá để khẳng định giá trị cà phê với vai trò “ Khơi nguồn sáng tạo”. Tài liệu tham khảo:1. Báo cáo Tổng kết đánh giá thực hiện Nghi quyết 06/2016-NQ- HDND ngày 30/8/ l2016 2. Báo cáo đề án Phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 3. Sách “ Tư duy sáng tạo sản phẩm du lịch” - Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch Bền vững |