Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland
Xem Tiếp...
CẦN ĐỔI MỚI TƯ DUY VỀ SẢN PHẨM DU LỊCH QUẢNG NINH
TS.KTS.Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch liên hiệp khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) - Phát triển sản phẩm du lịch bền vững là thoả mãn được các nhu cầu hiện tại của du khách về sản phẩm du lịch mà vẫn không làm tổn hại đến các giá trị của tài nguyên du  lịch trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần phải có một cái nhìn mở rộng, có thể nói là mở rộng hơn rất nhiều những gì mà hiện giờ chúng ta đang nghĩ và hiểu về sản phẩm  du lịch …


TS.KTS.Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch liên hiệp khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe)
Phát triển sản phẩm du lịch bền vững là thoả mãn được các nhu cầu hiện tại của du khách về sản phẩm du lịch mà vẫn không làm tổn hại đến các giá trị của tài nguyên du  lịch trong tương lai.  

Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần phải có một cái nhìn mở rộng, có thể nói là mở rộng hơn rất nhiều những gì mà hiện giờ chúng ta đang nghĩ và hiểu về sản phẩm  du lịch …


Sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến- cách nhìn mới và toàn diện về sản phẩm du lịch.

Bản chất của hoạt động du lịch là đáp ứng nhu cầu thay đổi không gian sống hiện tại để khám phá các không gian mới lạ của con người. Vì vậy, yêu cầu thiết yếu nhất đối với các sản phẩm du lịch là phải thể hiện được nét đặc trưng độc đáo của không gian du lịch (hay còn gọi là không gian của điểm đến), giúp cho du khách cảm nhận được sâu sắc các giá trị văn hoá và tự  nhiên của không gian đó.

 

Nếu tiếp cận ở khía cạnh của du khách chúng ta sẽ nhận thấy: Sản phẩm du lịch là khái niệm rất rộng, nó không đơn thuần chỉ là tập hợp các dịch vụ du lịch đơn lẻ (như định nghĩa trong luật du lịch), nó bao hàm tất cả những giá trị vật chất và tinh thần chứa đựng trong không gian của điểm đến mà có thể thoả mãn nhu cầu của du khách. Hay nói cách khác: Sản phẩm du lịch dưới khía cạnh của du khách là tất cả những cảm xúc mà du khách trải nghiệm và cảm nhận được trong một chuyến đi du lịch [1].     

Đó có thể là cảm xúc chóang ngợp trước cảnh quan kỹ vĩ của Vịnh Hạ Long, sự huyền bí của truyền thuyết Rồng hạ hay đơn thuần chỉ là cảm giác dễ chịu khi có được một giấc ngủ ngon trong khách sạn hoặc nụ cười thân thiện của những người dân bản địa,… Tất cả những cảm xúc đơn lẻ và đa dạng đó với những mức độ đóng góp khác nhau của mình, góp nhặt lại sẽ tạo ra ấn tượng, cảm xúc đặc trưng cho du khách về không gian của điểm đến và được gọi là sản phẩm du lịch tổng thể.

Sản phẩm du lịch tổng thể hay không gian của điểm đến càng có cá tính, có bản sắc, tạo được cảm xúc mạnh cho du khách thì càng hấp dẫn và kéo dài được thời gian lưu trú của du khách, khiến du khách nhớ lâu, làm cho du khách muốn quay trở lại và sẽ quảng bá cho điểm du lịch. Những không gian như vậy sẽ tạo ra được thương hiệu riêng cho điểm du lịch.

2. Vị trí, vai trò của các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch tổng thể của Quảng Ninh và các các yêu cầu đối với việc tiếp cận khai thác.

Các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch tổng thể của Quảng Ninh có thể chia ra làm 3 nhóm yếu tố chính:

- Nhóm các yếu tố tài nguyên: bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên (cảnh quan vịnh- đảo, bãi cát, hang động, các hệ sinh thái,..) và tài nguyên du lịch nhân văn (di tích, lễ hội, truyền thuyết,..)

- Nhóm các yếu tố môi trường: bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa xã hội.

- Nhóm các yếu tố dịch vụ: bao gồm dịch vụ tham quan, dịch vụ vui chơi giải trí ( VCGT), dịch vụ lưu trú, dịch vụ mua bán, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển,..

Trong “bức tranh sản phẩm du lịch tổng thể”, Tài nguyên du lịch đóng vai trò như một mảng màu chủ đạo. Còn các yếu tố môi trường và dịch vụ là những mảng màu phụ trợ, góp phần tô điểm, tôn vinh bản sắc đặc trưng của tài nguyên để tạo ra một hoà sắc, một sức hút riêng biệt cho sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến.

* Nhóm các yếu tố tài nguyên: Tài nguyên là nhóm yếu tố góp phần quan trọng nhất trong việc tạo ra bản sắc đặc trưng cho điểm du lịch và đóng vai trò quyết định trong việc tạo sức hút đối với các thị trường khách du lịch.

Nếu nhận thức được rằng: Không có vẻ đẹp của di sản Hạ Long, sẽ không có hoạt động du lịch và cũng không có dịch vụ du lịch thì mới hiểu được hết vai trò của tài nguyên và việc giữ gìn và bảo vệ vẻ đẹp của di sản Hạ Long chính là bảo vệ sự “sống còn” của du lịch.

Vì thế có thể coi tài nguyên du lịch là điều kiện tiên quyết tạo nên hoạt động du lịch, là yếu tố cơ sở để xây dựng sản phẩm du lịch. Tất cả những gì con người sáng tạo ra thêm đều nhằm tăng thêm giá trị cho điểm tài nguyên. [1]

Quá trình khai thác và phát triển sản phẩm du lịch tại Quảng Ninh, cần phải có những nghiên cứu toàn diện về các giá trị đặc thù của tài nguyên; về hình thái, cấu trúc của các yếu tố cấu thành nên các giá trị đó và các xu hướng biến đổi của chúng trước các tác động của thời gian và con người. Cần phân biệt tài nguyên có thể tái tạo với tài nguyên không thể tái tạo và mức độ nhạy cảm của chúng trước các tác động của họat động du lịch để có những định hướng phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phù hợp, đảm bảo được sự khai thác lâu dài đối với tài nguyên. 

Các kết quả điều tra xã hội học gần đây của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho thấy, số đông du khách đến Hạ Long đều cho rằng những ấn tượng sâu sắc nhất của họ đối với Vịnh Hạ Long là: vẻ đẹp hoang sơ yên tĩnh, thơ mộng; Sự huyền bí siêu nhiên; Sự hùng vĩ, đa dạng phong phú của các hòn đảo trên Vịnh Hạ Long,.. Và theo họ, sự phát triển của hoạt động du lịch nhất thiết không được làm  mất đi các giá trị quí báu đó.[1]

Theo sự phân tích của một số nhà khoa học, nhà văn hoá và các văn nghệ sĩ thì các giá trị cảm xúc đặc trưng trên có được là nhờ sự hoà trộn của các giá trị  tinh thần nổi bật như: Giá trị thẩm mỹ, Giá trị tâm linh huyền thoại, Giá trị lịch sử; Giá trị đa dạng sinh học.

Nhà văn Nguyên Ngọc, đã phát hiện ra rằng: Bức tranh Vịnh Hạ Long có một ngôn ngữ thể hiện rất độc đáo, chỉ bằng hai chất liệu cơ bản của trời đất là Đá và Nước (thủy và thổ) mà tạo nên bao hình tượng, bao cảm xúc, bao triết lý nhân sinh và Hạ Long có thể được coi là một biểu tượng sinh động cho triết lý Âm dương- Ngũ hành của người Phương Đông.

 

Việc nhìn nhận và đánh giá được các giá trị tài nguyên một cách toàn diện dưới nhiều khía cạnh vật chất và phi vật chất sẽ giúp cho các nhà hoạch định và các nhà đầu tư có nhiều ý tưởng sáng tạo trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch.

Sẽ thật thú vị nếu du khách được biết Hạ Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ,…là những địa danh có liên quan đến một trong những truyền hay nhất Việt Nam là truyền thuyết “Rồng hạ” và bạt ngàn các đảo đá kia chính là sự hoá thân của một đàn Rồng mẹ và Rồng con từ trên trời bay xuống giúp dân ta chống giặc. Trí tưởng tượng và nhân sinh quan của mỗi một dân tộc luôn là sự khát khao tìm hiểu của những dân tộc khác.

Cũng sẽ thật độc đáo nếu toàn bộ các công trình dịch vụ trên vịnh Hạ Long được qui hoạch và thiết kế theo quan điểm của học thuyết âm dương- ngũ hành. Sự lựa chọn hình thái, chất liệu của các công trình dịch vụ nhân tạo để phù hợp với hai chất liệu sẵn có là Đá và Nước theo qui luật tương sinh, tương khắc của ngũ hành sẽ tạo ra một cảnh quan hài hoà và độc đáo theo quan điểm triết học phương Đông.

Hầu hết các giá trị tài nguyên của Hạ Long đều là các giá trị tinh thần rất nhạy cảm. Các yếu tố cấu thành nên các giá trị đó đều đã trải qua một giai đọan phát triển hơn hai trăm triệu năm. Nhiều dạng cảnh quan có được nhờ quá trình kiến tạo địa chất rất lâu dài. Vì vậy, nếu con người tác động thô bạo đến các yếu tố tài nguyên này, đồng nghĩa với việc làm  mất đi những giá trị của quá khứ không bao giờ có thể lấy lại được.

* Nhóm các yếu tố Môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá xã hội:

Đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và độ bền vững của tài nguyên du lịch. Môi trường tự nhiên trong sạch không chỉ có lợi cho sức khỏe con người mà còn giúp cho cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, các động thực vật phong phú, đa dạng và hấp dẫn hơn rất nhiều. Môi trường văn hoá xã hội với các điều kiện kinh tế tốt, cơ sở hạ tầng tiện nghi, người dân hiểu biết và thân thiện sẽ giúp cho du khách cảm thấy an tâm dễ chịu hơn khi đến điểm du lịch.

Chất lượng của môi trường sinh thái tại các điểm du lịch ở Quảng Ninh ( điển hình là Hạ Long) đang là một trong những vấn đề bức xúc nhất đối với phát triển du lịch. Môi trường không khí đã bị ô nhiễm ở mức độ báo động. Môi trường nước mặt và nước ngầm đứng trước nhiều nguy cơ bị suy thoái.Tốc độ phát triển quá nhanh và quá mức cho phép của các đô thị lấn biển đang đe dọa nghiêm trọng đến cảnh quan và các hệ sinh thái điển hình của  Hạ Long. [3]

Những năn vừa qua, điều kiện cơ sở vật chất và hạ tầng của các điểm du lịch ven biển đã được nâng cấp và cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa tương xứng với  yêu cầu về qui mô và vị thế của một điểm du lịch cấp quốc tế. Cảnh quan đường phố và hệ thống xử lý chất thải vẫn còn đang được đầu tư dang dở. Chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc kiểm soát chặt chẽ các chất thải nhà máy, bệnh viện, khu du lịch, khu dân cư, cũng như việc thải các chất chứa dầu xuống biển.

Bên cạnh đó, nạn chèo kéo, ăn xin, ăn mày trên các tuyến tham quan Vịnh đã và đang làm  xấu dần đi hình ảnh của di sản.

Giai đoạn từ nay đến 2020, việc đầu tư trở lại cho việc tái tạo và nâng cao chất lượng môi trường phải được coi là yêu cầu cấp thiết nhất của Thành phố Hạ Long để đem lại sự hồi sinh và hình ảnh mới cho du lịch.

* Nhóm các yếu tố dịch vụ du lịch (hay còn gọi là sản phẩm du lịch đơn lẻ)

 

Quá trình du khách hưởng thụ các giá trị của tài nguyên cũng là quá trình du khách sử dụng các dịch vụ của ngành du lịch. Dịch vụ du lịch là những phương tiện làm cầu nối cho du khách để tiếp cận với các giá trị của tài nguyên. Vì vậy các hoạt động dịch vụ du lịch cần thông qua hình thức, nội dung hoạt động của mình để giới thiệu với du khách các giá trị đặc thù của tài nguyên.

Các dịch vụ tham quan cần phải xây dựng được các chương trình kịch bản đa dạng, kết hợp được hài hoà giữa các giá trị vật chất và tinh thần của tài nguyên.

Nếu quan sát các dịch vụ tham quan hiện nay trên Vịnh Hạ Long sẽ thấy các giá trị của di sản Hạ Long vẫn chưa được khai thác là bao. Du khách mới chỉ được tiếp cận một cách hời hợt với vẻ đẹp hình thái bên ngòai của các hòn đảo, còn các giá trị văn hoá, lịch sử, truyền thuyết,… hầu như chưa được khai thác để tạo ra "linh hồn" cho tuyến. [3]

Việc thiết kế các tuyến tham quan ở Vịnh Hạ Long cần tuân thủ các nguyên tắc về thụ cảm thị giác để lựa chọn được tuyến tham quan phù hợp. Việc lựa chọn tốt hướng nhìn, tầm nhìn (khoảng cách nhìn) và tốc độ nhìn của các tàu du lịch sẽ giúp cho du khách thưởng thức được hết vẻ đẹp hình thái, bố cục và chất liệu đặc trưng của các hòn đảo.

Để đáp ứng nhu cầu khám phá và tiếp cận các không gian du lịch mới trên Vịnh Hạ Long, cần đầu tư phát triển các phương tiện vận chuyển khách mới như: tàu ngầm, cáp treo, kinh khí cầu, trực thăng,… Các phương tiện vận chuyển khách trên biển cần đảm bảo không gây tiếng ồn, khói bụi, hình thức hài hoà với cảnh quan. Ưu tiên phát triển các loại thuyền Rồng và thuyền buồm để hoà nhập và tôn vinh các sắc thái đặc trưng cho Vịnh Hạ Long. Các phương tiện vận chuyển này cần được quản lý nghiêm ngặt về độ an toàn, hệ thống xử lý chất thải, vị trí neo đậu,…để không gây tác động xấu đến môi trường cảnh quan Vịnh Hạ Long. [3]

Đối với các dịch vụ lưu trú ven bờ, các giá trị cảnh quan đặc sắc của di sản Hạ Long cần được khai thác triệt để để tham gia vào cấu trúc không gian. Các yếu tố thiên nhiên, hình thái và cấu trúc của cảnh quan Vịnh Hạ Long phải được coi là chuẩn thẩm mỹ cho thiết kế kiến trúc các công trình du lịch. Cần đảm bảo những tầm nhìn đẹp từ các khách sạn ra Vịnh không bị che khuất. Các nhà nghỉ, khách sạn ở Hạ Long cần góp phần tích cực vào việc giới thiệu cảnh quan, khí hậu, phong tục, tập quán và văn hoá sống của người dân bản địa thông qua việc lựa chọn vật liệu xây dựng, hình thái kiến trúc khách sạn, cách bài trí nội thất, ..

 

Một trong những hạn chế lớn nhất của Hạ Long là thiếu các khu vui chơi giải trí (VCGT) chất lượng cao, hấp dẫn và độc đáo trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên độc đáo của khu vực. Các loại hình công viên chuyên đề như: Công Viên Rồng, công viên Hang Động, công viên Thời tiền sử, công viên sinh thái cần được nhanh chóng đầu tư trong thời gian tới. Các công trình VCGT thể thao trên biển như: lặn biển, lượn dù, đua thuyền, kayak lưới ván, thủy phi cơ,… cũng cần được mở rộng phạm vi hoạt động để tạo ra sự hấp dẫn đa dạng cho các loại hình du lịch. [3]




 

Dịch vụ ăn uống cũng là một trong những loại hình dịch vụ được du khách quan tâm nhiều nhất. Các món ăn cần thể hiện sự cầu kỳ tinh tế trong hưởng thụ của người dân địa phương. Ví dụ: cũng là một bát “ cháo cá chép” nhưng bát cháo cá ăn hàng ngày để đáp ứng nhu cầu lúc đói bụng khác với bát cháo cá được ăn trong lúc đi du lịch.

Bát “cháo cá chép” để phục vụ khách du lịch (theo như một chuyên gia đầu ngành của ngành du lịch đã nói) cần phải có nội dung và hình thức đảm bảo được 3 yêu cầu sau:
- Giới thiệu được phong tục, tập quán của người Việt thông qua việc chế biến các bộ phận của các chép.
- Giới thiệu được ý chí của người Việt thông qua truyền thuyết “ Cá chép vượt bể Vũ Môn” để hoá Rồng.
- Giới thiệu được tâm linh của người Việt thông qua tục lệ cúng cá chép vào ngày Ông Công, ông Táo.

Quá ví dụ trên ta nhận thấy: yêu cầu về nội dung và chất lượng của dịch vụ du lịch tương đối khác biệt so với các dịch vụ thông thường khác. Dịch vụ du lịch là loại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và thưởng thức ở mức độ cao và tinh tế chứ không đơn thuần là loại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng tối thiểu hàng ngày của con người. 

Bên cạnh nhu cầu thiết yếu là phải thông qua hình thức và nội dung của sản phẩm để giới thiệu các giá trị tự nhiên, văn hoá của tài nguyên cho du khách, các loại hình dịch vụ còn phải đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về: sự tiện dụng, chất lượng phục vụ, giá cả hợp lý,…Để đáp ứng tốt các nhu cầu này của du khách, cần tiến hành các chương trình khảo sát thị trường thông qua điều tra xã hội học một cách bài bản và hệ thống. Cần phân đoạn thị trường theo các tiêu chí về quốc tịch, lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích, nhu cầu và khả năng chi tiêu,…để có các nội dung và hình thức dịch vụ tương ứng.


Quá trình con người phát triển dịch vụ để đem lại doanh thu cho ngành du lịch cũng là quá trình con người tác động đến các giá trị của tài nguyên và môi trường nhiều nhất. Các công trình khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các hoạt động của du khách,… là những nguyên nhân tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc và hình thái vật chất của tài nguyên.

Để đảm bảo cho quá trình chuyển hoá vật chất này vừa đáp ứng tốt nhu cầu của hoạt động du lịch vừa không làm tổn hại đến tài nguyên, cần phải có những biện pháp hiệu quả để quản lý và kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư, xây dựng các công trình dịch vụ du lịch thông qua các chỉ tiêu cụ thể về: mật độ xây dựng, chiều cao công trình, hệ số sử dụng đất, phong cách kiến trúc, màu sắc và vật liệu xây dựng, …

 

3. Vị trí và vai trò của các đối tượng tham gia vào quá trình xây dựng sản phẩm du lịch tổng thể của Quảng Ninh.

 

Các đối tượng tham gia vào quá trình xây dựng sản phẩm du lịch tổng thể của Quảng Ninh thuộc nhiều cấp, ngành khác nhau. Mỗi đối tượng đó có vị trí, vai trò khác nhau trong quá trình xây dựng sản phẩm và những mong muốn khác nhau về lợi ích đối với sản phẩm du lịch.

Giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển, sản phẩm du lịch chỉ là một yếu tố phi vật chất tồn tại dưới dạng một công trình nghiên cứu hay một dự án qui hoạch được xây dựng bởi ý tưởng của các nhà quản lý và hoạch định.

Sản phẩm du lịch ở giai đoạn này có thể gọi là sản phẩm du lịch vĩ mô hay sản phẩm du lịch tổng thể - mang tính chiến lược, nó là công cụ để giúp các nhà quản lý kiểm soát được các hoạt động khai thác tài nguyên và các hoạt động dịch vụ về: loại hình, qui mô, hình thức, chất lượng, giá cả, độ an toàn, mức độ tác động đến tài nguyên môi trường,... để đảm bảo sự phát triển bền vững về nhiều mặt.

Một trong những hạn chế lớn nhất của các qui hoạch và dự án phát triển KTXH ở Việt nam là thường được triển khai nghiên cứu một cách chồng chéo, thiếu tính liên kết và hệ thống. Tại Quảng Ninh, trong lúc qui hoạch tổng thể phát triển du lịch còn chưa kịp phê duyệt và triển khai thì các qui hoạch chi tiết và các dự án đầu tư đã chiếm  gần hết quĩ đất xây dựng tại các điểm du lịch. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý, việc sử dụng đất quá tải hoặc các khủng hoảng thừa do đầu tư không đúng nhu cầu là các hiện tượng thường xảy ra tại những khu vực phát triển không có chiến lược,...

Vì vậy, phát triển sản phẩm du lịch theo hệ thống qui hoạch từ tổng thể đến chi tiết là nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch. 


Giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển sản phẩm du lịch là giai đoạn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hay dân cư địa phương trực tiếp tham gia vào quá trình khai thác tài nguyên du lịch để xây dựng các loại hình dịch vụ- tức là các sản phẩm du lịch đơn lẻ (sản phẩm du lịch vi mô).

Một thực tế hiện nay là kiến thức và năng lực của các nhà đầu tư Việt nam còn hạn chế. Nguồn vốn hạn hẹp dẫn đến đầu tư chắp vá, tủn mủn và không đồng bộ; hiệu quả doanh thu không cao và gây nhiều hậu quả đối với môi trường sinh thái.

Mặt khác, hiểu biết của các doanh nghiệp đối với các giá trị của tài nguyên còn chưa toàn diện và sâu sắc nên quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ còn hay bị trùng lặp, thiếu sự độc đáo trong sáng tạo. Sự phối hợp liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao hầu như còn chưa được quan tâm đến.

Bên cạnh các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương vừa là sản phẩm du lịch ( dưới cách nhìn của du khách) vừa là đối tượng tham kinh doanh và sản xuất một số sản phẩm  du lịch đơn lẻ như: các nhà nghỉ, khách sạn mini, các homestay và các mặt hàng lưu niệm,...

Nhìn chung, du lịch Quảng Ninh đã giải quyết được công ăn, việc làm cho số đông người dân. Tuy nhiên nhận thức của họ đối với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và thái độ ứng xử của họ đối với du khách còn theo xu hướng " ăn xổi, ở thì", chỉ quan tâm đến các lợi nhuận trước mắt mà không quan tâm đến các lợi ích lâu dài. Hiện tượng ăn xin, chèo kéo, chộp giật,.. đã làm giảm đi rất nhiều những ấn tượng tốt đẹp của du khách đối với Quảng Ninh.

Một số đối tượng khác như: nhà tư vấn thiết kế, đội ngũ nhân viên phục vụ,... họ là những người trực tiếp đóng góp vào chất lượng sản phẩm du lịch.

Một điều dễ thấy là qui hoạch và kiến trúc tại các điểm du lịch ở Quảng Ninh là một trong những vấn đề bất cập nhất trong phát triển du lịch. Không gian điểm du lịch được qui hoạch manh mún, kiến trúc công trình thiết kế theo rất nhiều phong cách khác nhau, ngôn ngữ kiến trúc thiếu đồng nhất, không tạo ra được diện mạo riêng cho điểm du lịch,... Những bất cập này ngoài trách nhiệm thuộc các nhà quản lý cũng có phần nhiều trách nhiệm  thuộc về các nhà tư vấn qui hoạch và kiến trúc.

Đội ngũ nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch ở Quảng Ninh (từ lễ tân, buồng phòng, đầu bếp cho đến các hướng dẫn viên) cũng nằm trong bối cảnh chung của sự yếu kém về nguồn nhân lực. Hiện tại ngành du lịch Qủang Ninh đang rất thiếu đội ngũ cán bộ quản lý ở các khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch có trình độ chuyên môn cao; thiếu đội ngũ lao động có trình độ tay nghề, trình độ ngoại ngữ và vi tính thành thạo; đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn viên du lịch đang còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bức tranh tổng thể trên về các đối tượng tham gia vào quá trình xây dựng sản phẩm du lịch, cho thấy việc nâng cao nhận thức, năng lực và trình độ cho nguồn nhân lực du lịch là một yếu tố then chốt để đảm  bảo phát triển sản phẩm du lịch bền vững.

Kết luận

Sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến là một khái niệm mới mang tính hệ thống, nó cho phép chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề của sản phẩm du lịch.

Cấu thành của sản phẩm du lịch tổng thể rất phức tạp, bao gồm  các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, vật chất và phi vật chất, có tác động tương hỗ với nhau trong cùng một hệ thống. Quá trình xây dựng và phát triển, sản phẩm du lịch tổng thể chịu sự tác động của nhiều nhân tố như: sự thay đổi bối cảnh kinh tế-xã hội, nhu cầu du khách, đối thủ cạnh tranh,…

Để sản phẩm  du lịch luôn đáp ứng được nhu cầu du khách trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, đòi hỏi phải có sự hợp lực và liên kết nhịp nhàng giữa nhiều đối tượng tham gia vào quá trình xây dựng sản phẩm để góp phần điều tiết các cấu thành sản phẩm phát triển một cách hài hoà và thống nhất, nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng là PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG.


Tài liệu tham khảo

 

1.  John Wiley $ Sons, INC)1991 “ Marketing tourism destinations”

 

2.  Nguyễn Thu Hạnh 2006- “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo vùng Du lịch Bắc Bộ”- Đề tài khoa học cấp Bộ của Viện NCPTDu lịch -TCDL.

 

3.  Qui hoạch tổng thể Phát triển du lịch Tỉnh Quảng Ninh đến 2010. UBND Tỉnh Quảng Ninh.

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: