Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Những điểm du lịch đáng sợ nhất Trung Quốc Những điểm du lịch đáng sợ nhất Trung Quốc
Trải nghiệm POKÉMON with YOU Train: Chuyến tàu đầy ắp niềm vui Trải nghiệm POKÉMON with YOU Train: Chuyến tàu đầy ắp niềm vui
Xem Tiếp...


ĐỊNH HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN THÀNH PHỐ VŨNG TÀU

NHẰM TẠO RA BẢN SẮC CHO ĐÔ THỊ DU LỊCH.

TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên Hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe)

VAI TRÒ CỦA CẢNH QUAN TRONG VIỆC XÂY DỰNG BẢN SẮC CHO ĐÔ THỊ DU LỊCH.

Dưới khía cạnh của phát triển du lịch, việc tạo dựng bản sắc cho kiến trúc cảnh quan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hấp dẫn và thu hút thị trường khách. Một thành phố du lịch nghèo nàn về bản sắc sẽ mất đi rất nhiều khả năng cạnh tranh với các thành phố du lịch khác.

Du khách biết đến một điểm du lịch, hầu hết chỉ thông qua các chương trình tiếp thị quảng bá bằng hình ảnh. Du khách ở cách xa điểm du lịch đến hàng ngàn cây số, họ quyết định đến điểm du lịch bởi sức hút của một tấm bưu thiếp có hình  ảnh trùng điệp của Vạn lý Trường thành, sắc màu lung linh của một đêm Thượng Hải, hay sự kỳ vĩ, choáng ngợp  của hàng ngàn hòn đảo trên Vịnh Hạ long,...

Tất cả những hình ảnh đó giúp cho du khách liên tưởng và bước đầu cảm nhận về một không gian cảnh quan hấp dẫn mới lạ, và họ quyết định trả tiền cho chuyến đi để khám phá không gian mới lạ đó.

Vậy đối với Vũng Tàu, hình ảnh đặc trưng nào về cảnh quan sẽ được chúng ta đưa lên bưu ảnh để quảng cáo với du khách  và những ấn tượng về hình ảnh nào sẽ tạo ra bản sắc cho đô thị du lịch ? Chúng ta sẽ bắt đầu đi sâu tìm hiểu và phân tích những khả năng tiềm ẩn để tạo dựng nên bản sắc đó. 

 CÁC DẤU ẤN ĐẶC TRƯNG NỔI BẬT TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BẢN SẮC CẢNH QUAN CỦA T.P VŨNG TÀU.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Vũng Tàu rất nhiều tiềm năng và lợi thế: vị trí giao lưu thuận tiện, thế mạnh cảng biển, trung tâm dầu khí lớn nhất Việt nam, khí hậu bốn mùa dễ chịu với bờ biển dài có nhiều bãi tắm tuyệt đẹp.

Về các thế mạnh của Vũng Tàu, hầu như ai cũng biết. Nhưng quá trình hình thành và phát triển của nó, hay nói một cách khác là các tác nhân liên quan đến cuộc đời và số phận của đô thị Vũng tàu để tạo nên bản sắc của Vũng Tàu ngày hôm nay, thì hình như chưa được quan tâm đến.

Vũng Tàu và khát vọng bình yên.

Vũng Tàu có từ bao giờ và tại sao vùng đất này có tên gọi ‘’ Vũng Tàu’’ ? đó là  câu hỏi lý thú đối với tất cả những ai yêu mến và mong muốn tìm hiểu, khám  phá vùng đất này.

Theo tư liệu lịch sử xưa, vùng đất Vũng Tàu vào cuối thế kỷ 17 thuộc tổng Phước An, Huyện Phước Long, Dinh Trấn Biên. Nhưng địa danh Vũng Tàu được ghi sớm nhất trong tự vị An Nam - La Tinh ( Dictionnarium Annamitico- Latinum) của Bá Đa Lộc ( Pigneau de Béhaine), in  năm 1772-1773. Theo sách này thì Vũng Tàu có nghĩa là ‘’nơi tàu đậu.’’[ 5]

Cùng khỏang thời gian đó, vào năm 1775, nhà hàng hải Mannenviclette ấn hành sách địa lý Á Đông Neptune Oriental. Theo sách này thì Vũng Tàu được các nhà hàng hải người Bồ đào Nha gọi là: “ Sinco Chagas’’- Có nghĩa là: “ Năm dấu Thánh của Đức Giêsu” hay “ Năm vết thương của Chúa Cứu Thế”. Cái tên này xuất phát từ đặc điểm Vũng Tàu là một miền đất có thể nhìn thấy từ khơi xa bởi sự định dạng của 5 ngọn núi ở Vũng Tàu và Bà Rịa là: Núi Lớn, Núi Nhỏ, Núi Nứa, Núi Dinh và núi Thị Vải. [ 5]

Năm ngọn núi này là đã trở thành nỗi vui mừng báo hiệu sắp đến đất liền đối với những nhà hàng hải lênh đênh trên biển cả đi tìm miền đất mới.

Đầu thế kỷ XX, Vũng Tàu được gọi là “Ô Cấp”, có lẽ được Việt hóa từ cụm từ Tiếng Pháp “ Aller au Cap’’ ( Có nghĩa là đi ra Mũi đất- để nghỉ mát và tắm biển) được rút gọn thành “ Au cap”. Cái tên này ra đời cùng với nhu cầu đi nghỉ cuối tuần của người Pháp trong thời gian nước ta còn là thuộc địa. [ 5]

Các tên gọi trên đã cho thấy Vũng Tàu là hình ảnh của nơi neo đậu, của sự bình yên, sự che chở, sự khát khao hy vọng của con người sau nhiều ngày lênh đênh phiêu bạt trên biển đối với đất liền- điều này giống như việc nhìn thấy đấng cứu thế. Có lẽ hầu hết du khách đến Vũng Tàu đều chụp hình tượng Chúa Giang Tay ( trên đồi Thánh Gioóc) như một kỷ niệm cho chuyến đi. Nhưng ít ai biết được, hình ảnh đó trong con mắt những người đi biển đã mang một gía trị tinh thần tâm linh vô cùng quan trọng và phải chăng, Tượng Chúa Giang Tay được người dân Vũng Tàu dựng lên ở đỉnh ngọn núi dễ nhìn thấy nhất của Vũng Tàu cũng xuất phát từ quan niệm này.

Vũng Tàu với khát vọng tự do, hòa bình.

Quá trình hình thành và phát triển của mình, Vũng Tàu giống như một cô gái đẹp  có số phận truân chuyên. Chính sự đắc địa về vị trí, nằm ngay đầu cửa ngõ ra biển của toàn bộ vùng Đông Nam bộ, đã khiến cho Vũng Tàu trở thành tuyến phòng thủ quan trọng của đất nước trong nhiều giai đọan lịch sử. [5]

Các cuộc chiến đấu ác liệt chống giặc ngọai xâm đều đã diễn ra ở Vũng Tàu. Nơi đây đã ghi những chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn, của 3 vị tướng thời Gia Long..., Vũng Tàu cũng là nơi nổ tiếng súng đầu tiên chống thực dân Pháp và là nơi thực dân Pháp đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng các pháo đài, lô cốt quân sự trong những năm chiếm đóng.[6]

Có thể nói, lịch sử Cách mạng của Vũng Tàu và Côn Đảo là dẫn chứng hùng hồn của lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Tham quan các di tích lịch sử Cách mạng của Vũng tàu, xem hệ thống chuồng cọp  ở Côn Đảo, nơi giam giữ hơn hai chục ngàn tù chính trị Việt Nam, chúng ta mới có thể cảm nhận được: khát vọng tự do, khát vọng hòa bình của người dân Vũng Tàu- Côn đảo nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung,.. Và đó chính là niềm tự hào của chúng ta đối với thế giới.

Nhiều kết quả điều tra xã hội học của Tổng cục Du lịch Việt Nam đối với các thị trường khách du lịch nước ngoài cho thấy: du khách đến với Việt Nam không đơn thuần vì chúng ta có nhiều phong cảnh đẹp, mà chính vì họ biết đến cuộc chiến đấu dành Độc lập- Tự do của dân tộc Việt Nam với nhiều đế quốc mạnh bậc nhất thế giới. Họ tò mò muốn khám phá: vì sao một đất nước bé nhỏ như vậy lại có thể chiến thắng nhiều đế quốc lớn đến như vậy?

Và Vũng Tàu, là mảnh đất sẽ trả lời được cho họ câu hỏi đó.

Sự giao lưu hoà đồng của các dòng tôn giáo.

Ngày đầu tiên bước chân tới Vũng Tàu, tôi đã rất sửng sốt vì các dấu ấn của tôn giáo nơi đây.

Từ xa, tôi đã nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giê Su sừng sững trên đỉnh Núi Nhỏ, hai cánh cánh tay của Chúa dang rộng như đón chào, như che chở, vỗ về và cảm gíác bình yên, ấm cúng như được về quê mẹ.

Những ngày sau, có thời gian tham quan và khám phá Vũng Tàu, tôi càng cảm nhận rõ hơn về ảnh hưởng to lớn của Thiên Chúa Giáo tại thành phố này. Các nhà thờ ở Vũng Tàu tuy không nhiều lắm nhưng đều được xây dựng ở những vị trí rất đắc địa và có lối kiến trúc khá ấn tượng. Tượng chúa GiêSu và tượng Đức Mẹ bồng con với qui mô rất lớn được đặt ở hai ngọn núi nổi tiếng nhất của Vũng Tàu, đã khẳng định sự sùng đạo của giáo dân tại khu vực này.

Bên cạnh các nhà thờ và tượng thánh của Đạo Thiên Chúa Giáo, Cao Đài và Hoà Hảo, qui mô và mật độ dày đặc của hệ thống Đền, Chùa ở Vũng Tàu cũng thực sự làm tôi ngạc nhiên. Có đến cả trăm ngôi Chùa, Tịnh thất, Tịnh xá…nhiều cơ sở tôn giáo đã trở thành địa chỉ hành hương, du lịch nổi tiếng như: Thích ca Phật đài, Niết bàn Tịnh xá, Linh Sơn Cổ tự,.. [6]

Sự đa dạng về phong cảnh và kiến trúc trong khuôn viên các ngôi Chùa và Đền tạo ra sự lôi cuốn kỳ lạ…Các ngôi  Đền thờ Ngũ hành, Thiên Hậu Thánh Mẫu, đặc biệt là tục thờ Cá Ông, thờ Thần Thắng Tam… đã  tạo  nên nét riêng trong tín ngưỡng của cư dân Vũng Tàu.[ 6 ]

Ngòai Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo là hai giáo phái chính, ở Vũng Tàu còn tồn tại một gíao phái rất đặc biệt là đạo ông Trần ở đảo Long Sơn. Đạo này xúât hiện vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX do ông Trần ( tên thật là Lê Văn Mưu) sáng lập. Đạo pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau, không có kinh kệ, chuông mõ, ăn chay... chỉ có những lời truyền khẩu trong dân gian. [5],[6].

Di sản vật thể của Đạo giáo này còn để lại đến ngày nay là Nhà Lớn Long Sơn. Đây là một di tích có qui mô lớn với lối kiến trúc độc đáo, có một không hai ở miền Đông Nam bộ. Bố cục kiến trúc và nghệ thuật trang trí thể hiện nét tiêu biểu của tín ngưỡng ông Trần, phá vỡ những niêm luật đăng đối đương thời, không hề giống với thức kiến trúc truyền thống nào.[6]

Cảm nhận được sự sùng đạo của người dân Vũng Tàu và khát vọng thăng hoa, hướng thiện của họ, tôi hiểu vì sao, đến Vũng tàu tôi có cảm giác dễ chịu và nhẹ nhõm hơn đến nhiều điểm du lịch biển khác. Ở đây, không có cảnh ăn xin, chèo kéo, chộp giật hoặc cắt cổ bởi giá cả. Phải chăng, cảnh quan và khí hậu yên bình nơi đây đã khiến cho người ta có được cái tâm thanh thản, cái thanh thản của một thành phố đã trải qua nhiều biến cố thương đau đang trở về với trời yên, biển lặng,

Sự thanh thản không chỉ thể hiện trên nét mặt và động thái của người dân. Sự thanh thản thể hiện rõ hơn ở các công trình kiến trúc tôn giáo. Đình, Chùa, Miếu mạo đứng thân thiện hài hòa bên cạnh các nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Có lẽ, hiếm nơi nào trên thế gian này lại song song hoà đồng các dòng tôn giáo có nhân sinh quan và thế giới quan khác biệt như vậy.

Nghĩ đến các cuộc chiến tranh sắc tộc đang xảy ra trên thế giới, người ta sẽ cảm nhận rõ nét hơn về cái quí giá của Vũng Tàu, mảnh đất bình yên và thân thiện.

Sự đa chiều văn hoá và phong tục.

Thế giới hòa đồng một lần nữa thể hiện ở Vũng Tàu qua hệ thống quán cà phê tràn trề và đa dạng bản sắc. Phải gọi là hệ thống vì có rất nhiều và hình như có sự phân bố và điểm  xuyết khá hợp lý về vị trí cũng như chủ đề dọc theo tuyến du lịch ven biển từ đường Quang Trung, Hạ Long đết hết đường Thùy Vân.

Sáng sớm tinh mơ, các quán café đã đầy ắp tiếng nói cười bảng rảng xen lẫn hương café thơm lừng. Người dân Vũng Tàu không chỉ sống nội tâm và sùng Đạo, họ còn là những người vô cùng cởi mở và mến khách. Vũng Tàu là thành phố trẻ mới được khai phá, người dân từ mọi miền Tổ quốc đến đây hội tụ. Họ chia sẻ kinh nghiệm sống, chia sẻ phong tục tập quán và văn hóa các vùng miền.

Người Vũng Tàu vừa có cái thẳng thắn, rạch ròi của các anh hai Sài Gòn, vừa có cái tình cảm đa chiều phức tạp của các sĩ phu Bắc Kỳ- Hình như chính sự pha trộn tự nhiên đó đã làm nên cái duyên bất ngờ và khó nắm bắt của họ.

Tình hữu nghị Việt- Xô.

Nói đến Vũng tàu không thể không nói đến một thế mạnh đặc biệt- trung tâm khai thác dầu khí lớn nhất Việt nam. Khóang sản dầu mỏ không chỉ tạo cho Vũng Tàu cơ hội trở thành một đô thị giàu có nhanh chóng mà còn là mối nhân duyên giữa hai dân tộc Việt- Nga. Đến với Vũng Tàu, chúng ta sẽ được biết đến các cái tên: làng Nga, phố Nga, phố BaCu,.. những địa danh đó đều là những nơi in dấu tích của tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em.

Đến Vũng Tàu, được thấy khu phố Nga hấp dẫn chẳng khác gì đến Hà Nội gặp lại khu phố Pháp. Tất nhiên, dấu ấn kiến trúc không thể đặc sắc bằng nhưng vẫn phải khẳng định rằng: đó là một dấu ấn. Và tôi tin rằng, dấu ấn này thể hiện một truyền thống đẹp mà chúng ta cần phải phát huy để tạo ra bản sắc của Việt Nam trước xu thế hội nhập.

HIỆN TRẠNG TỔ CHỨC KIẾN TRÚC CẢNH QUAN DU LỊCH THÀNH PHỐ VŨNG TÀU.

Lợi thế vị trí cũng như vẻ đẹp của thiên nhiên và bãi biển Vũng Tàu đã sớm được phát hiện từ những năm đầu tiên thực dân Pháp đô hộ nước ta. Những công trình nhà nghỉ, khách sạn đầu tiên do người Pháp đầu tư xây dựng là những bước khởi đầu cho sự phát triển của ngành du lịch ở Việt Nam. Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố Vũng Tàu vẫn còn lại những dấu ấn tương đối điển hình của phong cách qui hoạch và kiến trúc  Pháp đầu thế kỷ XIX.[5]

Vũng Tàu là một trong những Thành phố có bờ biển dài nhất Việt nam, với rất nhiều bãi tắm nổi tiếng như: Bãi Trước, Bãi sau, Bãi Dâu, Bãi Dứa ...  Sự phát triển các công trình du lịch bám theo các bãi tắm và trục đường ven biển đã thể hiện  khá rõ ràng nét đặc trưng của từng giai đoạn  phát triển.

Khu vực Bãi Trước, được giới hạn không gian bởi hai quả núi nổi tiếng đã đi vào bài hát. Có thể nói : Núi Lớn , Núi Nhỏ, Bãi Trước và Bãi Sau,... là những hình ảnh  không thể thiếu của điểm du lịch Vũng Tàu.

Bố cục không gian và kiến trúc công trình của khu vực này nhìn chung vẫn giữ được vai trò mặt tiền cho đô thị. Địa hình thiên nhiên tương đối đặc thù đã giúp cho con người dễ đi đến một giải pháp qui hoạch thống nhất: quảng trường trung tâm được hoạch định ở vị trí giữa eo đất lọt giữa hai quả núi, cũng là cửa ngõ để dẫn dắt vào trung tâm thành phố.

Đã có sự tranh chấp về chiều cao và phong cách kiến trúc của các công trình điểm nhấn tại quảng trường trung tâm. Mật độ xây dựng cũng đã đến ngưỡng của sự ức chế, khó chịu. Tuy nhiên, ấn tượng thú vị về những khóm dừa cao vút, đồng loạt xô nghiêng về phía biển, đã phần nào giúp cho du khách quên đi những khó chịu về kiến trúc tại khu vực này.

Tại dải đất dưới chân sườn Núi Lớn: mật độ, chiều cao, hình dáng công trình và đường viền đô thị khá hợp lý, dễ chịu, giải toả được những ức chế thị giác của khu vực trung tâm. Ở hướng nhìn này, mảng xanh tạo phông nền và đường viền của Núi Lớn ( vết thương thứ nhất của Chúa) đã được con người tôn trọng và nó cần được tiếp tục tôn trọng kể cả khi người ta bắt đầu triển khai các dự án cáp treo và khách sạn 5 sao trên đỉnh Núi Lớn.

Tại hướng nhìn về phía Núi Nhỏ: cảnh quan kiến trúc đã thể hiện rõ tàn tích của một giai đoạn phát triển manh mún và nhộn nhạo. Toàn bộ mặt tiền của Núi Nhỏ là những hình khối kiến trúc loang lổ, không theo bất cứ vần luật và nhịp điệu nào. Kiến trúc lai tạp, không rõ phong cách. "Vết thương thứ hai của Chúa Cứu Thế" đã thực sự trở thành một vết thương và sẽ trở thành một vết sẹo không thể biến mất được trên "khuôn mặt Núi Nhỏ".       

Hơn thế nữa, hình ảnh mang giá trị tâm linh nhất của Vũng tàu- tượng Chúa Giang Tay cũng đang bị bàn tay thô bạo của con người can thiệp theo một cách khác. Nhiều du khách đến tham quan đã rất bất bình vì toàn bộ vạt núi dưới chân tượng Chúa đã trở thành một bãi khai thác đá khổng lồ, ngổn ngang, bụi bặm. ..

Cảm giác thất vọng và hoang mang chợt đến với tôi, liệu Đạo có thắng nổi đời  không đây, khi một chút tâm linh còn lại của con người cũng đang bị đánh đổi bởi miếng cơm, manh áo hàng ngày.

Có một điều đã an ủi được khách du lịch đến Vũng Tàu, đó là những biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp gần đây của khu vực không gian giáp biển. Du khách cảm thấy nhẹ nhõm và sảng khoái hơn rất nhiều vì đã được đón nhận không khí biển. Một "Không khí biển thật sự" vì gío biển đã được ra vào tự do mà không bị che chắn  bởi các khối "lô cốt" dịch vụ. Việc giải toả và thông thoáng được không gian che chắn của trục đường ven biển đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của lãnh đạo, nhân dân Thành phố Vũng Tàu và đặc biệt là vai trò của những người làm công tác quản lý xây dựng.

Hè, đường, cây xanh ở Vũng Tàu được chăm sóc và nâng niu hơn bất cứ thành phố nào ở Việt Nam. Những mảng cây xanh dài đến trăm mét, được xén tỉa theo hình Rồng uốn khúc rất kỳ công ( có lẽ là niềm mơ ước của thành phố Hạ Long, thành phố gắn với truyền thuyết Rồng Hạ). Nhiều mảng rừng khá lớn đan xen vào các khúc phố, tạo ra một nét duyên mộc mạc cho đô thị ven biển. Những bức tường kè bằng đá tự nhiên cũng đã tạo ra sự hoang sơ nhưng không kém phần sang trọng cho đô thị Vũng Tàu.

Các quán café ở Vũng Tàu đa số đều có khuôn viên rất lớn, tận dụng được địa hình thiên nhiên để tạo ra nhiều không gian và điểm nhìn đẹp cho du khách. Hình khối kiến trúc, màu sắc và vật liệu làm quán cũng rất phong phú, nhưng chủ yếu là theo xu hướng dùng vật liệu tự nhiên như: gỗ, tre, đá, gạch trần. Trong vòng 3 ngày ở Vũng Tàu tôi đã tranh thủ xâm nhập vào không gian của 5 quán café khác nhau, có thể nói mỗi quán lại tạo ra một ấn tượng khác biệt, một sắc thái riêng. Là một người rất nghiền café, tôi thấy yêu Vũng Tàu hơn ở đặc điểm dễ thương này.

 Đã có những sơ xuất nhỏ đáng tiếc trong quá trình tạo dựng, trang điểm cho bức chân dung cảnh quan đô thị Vũng Tàu. Các vỉa hè của trục đường ven biển được lát toàn bộ bằng đá granít. Tuy đắt tiền đấy nhưng rất bất tiện cho việc đi lại nơi công cộng vì quá trơn và không đạt được hiệu quả sang trọng vì hoàn toàn không phù hợp với các yếu tố thiên nhiên hoang sơ của biển. Số lượng cây độc lập được xén tỉa quá nhiều. Các khối cây xanh hình tháp, hình trụ, hình tròn ,… khô cứng và duy lý là dấu ấn của nền kiến trúc phong cảnh Châu Âu, thực sự trở nên rất lạc lõng trong không gian sống của một đô thị Á Đông.

Quảng trường trung tâm được bố trí rất nhiều tượng trang trí. Tuy nhiên, vị trí đặt tượng còn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, tinh tế. Chủ đề các bức tượng hầu như chưa khai thác được các giá trị  tự nhiên và nhân văn của Vũng Tàu.

Vượt qua mũi Nghinh Phong để đến với Bãi Sau, một khu vực phát triển tiếp theo của du lịch Vũng Tàu, ta sẽ thấy thêm một khía cạnh khác của cảnh quan du lịch Vũng Tàu.

Đoạn đầu tiên của trục đường Thùy Vân, thể hiện rất rõ bối cảnh xã hội của nền kinh tế thị trường với sự "mọc lên như nấm" của các khách sạn tư nhân theo hình thức qui hoạch "chia lô". Có thể nói, xu hướng qui hoạch này đã trở thành một thói quen xấu, có sức lan toả nhanh và rộng trong hầu hết các đô thị ở Việt nam.

Khúc giữa của đường Thùy Vân ( từ ngã ba Phan Chu Trinh đến ngã ba Nguyễn An Ninh ), cảnh quan kiến trúc đã được cải thiện lên rất nhiều. Một loạt các khu du lịch và khách sạn trong khu vực này có khuôn viên khá lớn và thể hiện một phong cách kiến trúc rất trẻ. Quan sát các công trình nhà nghỉ và dịch vụ vui chơi giải trí dọc hai bên đoạn đường này, tôi có cảm giác như được sống lại với các đồ án kiến trúc của thời sinh viên. Hình khối, đường nét chưa thật chín muồi nhưng có ý tưởng, khá lãng mạn, phóng khoáng. Đặc biệt là phong cách tương đối thống nhất và phong độ khá ổn định.

Đoạn cuối đường Thùy Vân là một loạt các khu du lịch và vui chơi giải trí đang triển khai và đưa vào sử dụng như: khu du lịch Paradise, khu du lịch sinh thái Bầu Sen, khu du lịch Chí Linh,... Các khu du lịch này có qui mô rất lớn với nhiều hạng mục công trình vui chơi giải trí từ bình dân đến cao cấp, đã góp phần đa dạng hoá cho sản phẩm du lịch Vũng tàu. Tuy nhiên, kiến trúc cảnh quan của khu vực này cũng chưa vượt ra khỏi những hạn chế về thẩm mỹ. Hạn chế này không rõ là do trình độ của các nhà thiết kế hay nguồn vốn hạn hẹp của chủ đầu tư. Khu du lịch Chí Linh là một trong những điển hình của sự nghèo nàn về thẩm mỹ trong không gian qui hoạch cũng như kiến trúc công trình.

Sự tiếp nối phát triển của trục đường này còn đang nằm trong giai đoạn ý tưởng. Hy vọng rằng, dự án khu du lịch Chí Linh- Cửa Lấp [4] với việc hình thành các trung tâm: thương mại, hội nghị,...trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện đại và trình độ khoa học kỹ thuật tân tiến sẽ tạo ra những đột phá lớn cho diện mạo kiến trúc cảnh quan du lịch Vũng Tàu.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ, PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA THÀNH PHỐ VŨNG TÀU ĐẾN 2020 VÀ NHỮNG ĐỊNH DẠNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN CHO ĐÔ THỊ TƯƠNG LAI.

          Các yếu tố tác động đến thành phố Vũng Tàu trong giai đoạn từ nay đến 2020

          Theo quyết định phê duyệt ‘’  Điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng Thành phố Vũng tàu giai đoạn từ 2005 đến 2020 " [2] thì Vũng Tàu sẽ trở thành một đô thị đa chức năng, khai thác triệt để những tiềm năng và lợi thế toàn diện của nó.

Vũng Tàu sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ công cộng; trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước [1]. Toàn bộ hướng Tây bắc (bờ biển phía Tây nối kết sang khu vực Long sơn- Gò găng ) sẽ dành cho công nghiệp và cảng biển. Toàn bộ hướng Hướng Đông- Đông bắc: sẽ dành cho phát triển du lịch biển. [2]

Việc xác định chiến lược đô thị với một ‘’ rừng mũi nhọn’’ như vậy sẽ đưa Vũng Tàu tới những thách thức lớn như : Sự suy giảm về chất lượng môi trường do tranh chấp  không gian sử dụng giữa các ngành kinh tế.  Sự thiếu thốn bản sắc trong kiến trúc cảnh quan do không xác định được mảng màu chủ đạo cho bức tranh đô thị… Và chất lượng sống của con  người sẽ bị đe doạ trầm trọng do hệ quả của hai vấn đề trên.

          Thành phố Hạ Long- một thành phố giàu có về tiềm năng không kém gì Vũng Tàu đã trở thành bài học điển hình cho những thách thức trên.

          Trong bối cảnh không gian kinh tế xã hội đó, ‘’ Điều chỉnh qui hoạch Tổng thể phát triển du lịch đến 2020’’ [ 3] đã xác định Thành phố Vũng tàu sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trọng yếu sau:

          - Du lịch văn hoá: gắn với việc khai thác giá trị vật thể và phi vật thể của hệ thống di tích lịch sử tôn giáo và Cách mạng tại khu vực trung tâm thành phố.

Hiện nay, Loại hình này còn chưa được khai thác triệt để nên chưa tạo ra được những ấn tượng đặc trưng và khác biệt cho các sản phẩm du lịch của Vũng Tàu. Trong thời gian tới, việc đầu tư cho loại hình du lịch này phải được coi như chiến lược hàng đầu để tạo ra bước đột phá cho du lịch Vũng Tàu.

          - Du lịch nghỉ cuối tuần: với việc mở rộng và nâng cao chất lượng bãi tắm, nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ mua sắm và các loại hình thể thao, vui chơi giải trí nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của thị trường khách  Sài gòn và các tỉnh Đông Nam bộ.

          - Du lịch thương mại- hội nghị (MICE):  là loại hình du lịch đặc biệt phù hợp với  vị trí thuận tiện của Vũng Tàu, cần được phát huy mạnh trong giai đoạn này.

          - Du lịch sinh thái: gắn với việc khai thác các rừng ngập mặn nhằm đa dạng hoá thêm các sản phẩm du lịch của Vũng tàu.

 Ngoài các loại hình du lịch đã được xác định trong qui hoạch, một loại hình du lịch đặc thù nữa cũng cần được tính đến là: du lịch trung chuyển. Cần chuẩn bị sẵn hệ thống cơ sở hạ tầng ( sân bay, bến cảng) và cơ sở vật chất, đặc biệt là các trung tâm mua sắm lớn cho đối tượng khách nghỉ trung chuyển để đi tham quan Côn đảo.  

          Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường khách nội địa truyền thống, Vũng tàu cần phải nhanh chóng chuyển hướng sang việc mở rộng khai thác các thị trường khách nước ngoài. Khách quốc tế đặc biệt quan tâm đến các giá trị văn hoá tinh thần của cảnh quan. Vì vậy, các di tích lịch sử tôn giáo và Cách mạng cần được khai thác một cách có bài bản và hệ thống để đáp ứng  nhu cầu tham quan, nghiên cứu của thị trường khách này.

Nhìn chung, qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu đã chỉ ra những bước đi khá ổn định và đúng hướng cho du lịch Vũng Tàu. Tuy nhiên, sức sống của nó sẽ rất ‘’mỏng ‘’ nếu như các nhà hoạch định không đưa ra được những khẳng định đối với việc đảm bảo cho chất lượng của môi trường biển trong tương lai trước sức ép của các ngành kinh tế khác.

Định dạng hình ảnh của Thành phố Vũng Tàu trong tương lai và các nguyên tắc  chung cho kiến trúc cảnh quan đô thị.

Trước các tác nhân của một thời kỳ phát triển mới, Thành phố Vũng Tàu chắc chắn sẽ có sự biến đổi về hình và chất. Bỏ qua những rủi  ro có khả năng xảy ra như trên, Vũng Tàu vẫn có thể phát triển tốt nếu ta có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả để giải quyết những mâu thuẫn trong quá trình phát triển.

Cũng giống như  nhiều thành phố khác, chân dung của đô thị Vũng Tàu sẽ biến đổi theo qui luật phát triển liên tục và kế thừa một cách chọn lọc các giá trị cảnh quan quá khứ, hiện tại để tiến tới tương lai.

Các dấu ấn  đặc trưng sẽ tạo ra hình ảnh riêng biệt cho Vũng Tàu là:

- Ấn tượng về một điểm hẹn bình yên với hình ảnh của 5 ngọn núi ( 5 vết thương của Chúa Cứu Thế ) và hình ảnh  bao dung, che chở của tượng Chúa Dang Tay.

- Ấn tượng về một vùng đất khát khao tự do, nơi ghi dấu ấn nhiều cuộc đấu tranh dành độc lập với hình ảnh của các di tích lịch sử Cách mạng

- Ấn tượng về một nơi giao lưu, hội tụ nhiều dòng văn hoá thông qua hệ thống hình ảnh về các di tích tôn giáo Nhà thờ, Đình, Chùa,  Miếu mạo...

- Ấn tượng về một khu nghỉ dưỡng tắm biển cấp quốc gia, quốc tế với hình ảnh các bãi tắm, khách sạn, trung tâm thương mại, hội nghị hội thảo theo phong cách kiến trúc hiện đại của thế kỷ 21.

- Ấn tượng về một thành phố với nhiều ngành công nghiệp phát triển thông qua hệ thống hình ảnh về các khu công nghiệp: dầu khí, cảng biển, công nghiệp đóng tàu, vật liệu xây dựng, chế biến hải sản ,..

 Để hướng tới những định dạng trên cho diện mạo thành phố Vũng Tàu, tổ chức kiến trúc cảnh quan tại Vũng Tàu cần tuân thủ các nguyên tắc chính sau:

- Bảo tồn và tôn vinh các giá trị cảnh quan truyền thống trên cơ sở khai thác triệt để các dấu ấn  vật thể và phi vật thể đã hình thành trong quá khứ.

- Cải tạo và nâng cao chất lượng các không gian chức năng đô thị đã phát triển trong giai đoạn truớc cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới trên quan điểm hài hoà. Tạo ra vùng đệm trung chuyển giữa không gian quá khứ, không gian hiện tại và không gian tương lai.

- Phát triển các không gian chức năng du lịch mới: hiện đại với trình độ công nghệ cao của thế kỷ 21, trên cơ sở tiếp tục chọn lọc khai thác các giá trị tinh hoa của truyền thống.

KẾT LUẬN

Quá trình hình thành và phát triển của Vũng Tàu cùng với sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, phong tục đã tạo dấu ấn riêng biệt cho cảnh quan Vũng Tàu, khiến cho Thành phố Vũng Tàu mang một sức hấp dẫn kỳ lạ. Giống như ta được ngắm một viên kim cương nhiều góc cạnh, theo mỗi chiều ánh sáng lại cho thấy một sắc màu,vẻ đẹp khác nhau.

Nói đến sự hấp dẫn kỳ lạ này của Vũng Tàu, tôi bỗng liên tưởng đến một trường phái nghệ thuật đã tồn tại trong lịch sử vào khoảng thế kỷ XVI và XVII- nghệ thuật BaRôc. BaRôc có từ gốc là Barôccô ( Tiếng Tây Ban Nha) có nghĩa là viên ngọc không qui luật. Sự đa dạng và biến hóa của nghệ thuật Ba rôc trong hội họa, điêu khắc và kiến trúc có rất nhiều điểm tương đồng với cảm nhận của tôi về sự pha trộn đa chiều văn hoá trong kiến trúc cảnh quan Vũng Tàu.

Tôi tin rằng diện mạo kiến trúc cảnh quan của Vũng Tàu trong tương lai sẽ là một sự pha trộn tuyệt vời và ngày càng có chỗ đứng trong xu hướng hội nhập, giao lưu văn hóa tòan cầu hiện nay.

DANH MỤC TÀI  LIỆU THAM KHẢO

1.     Qui hoạch Tổng thể phát triển kinh tế- xã hội Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, thời kỳ 2006-2015, định hướng đến năm 2020. ( Tháng 11/2005)

2.     Điều chỉnh qui hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến 2020 ( 2005)

3.     Điều chỉnh qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

4.     Qui hoạch chi tiết khu du lịch Chí Linh -Cửa lấp ( T.P Vũng Tàu)

5.     Lịch sử đảng bộ Thành phố Vũng Tàu ( 1930- 2000)- Vũng Tàu tháng 9/2005

6.     Thành phố Vũng Tàu, 30 năm một chặng đường ( 1975-2005), Vũng Tàu 2005.

7.     Sách hướng dẫn du lịch Vũng Tàu ( Vũng Tàu 2001)

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: