Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Thành phố cô đơn nhất Trung Quốc sở hữu vô vàn cảnh đẹp say đắm lòng người Thành phố cô đơn nhất Trung Quốc sở hữu vô vàn cảnh đẹp say đắm lòng..
Hòn đảo tặng dê miễn phí cho bất kỳ du khách nào bắt được Hòn đảo tặng dê miễn phí cho bất kỳ du khách nào bắt được
Xem Tiếp...
ZENTOURISM - MỘT HÌNH THỨC DU LỊCH MỚI VÀ THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

ZENTOURISM (DU LỊCH THIỀN) - MỘT HÌNH THỨC DU LỊCH MỚI VÀ THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Những năm gần đây, Zentourism (ZT) phát triển mạnh ở các nước Đông Á. Riêng Nhật Bản, doanh thu của ZT đạt đến 30 tỷ USD mỗi năm. Du khách đến với ZT không chỉ là người bản địa mà còn từ các nước công nghiệp Âu Mỹ. Lập lại cân bằng tâm linh, thư giãn và thân thiện với môi trường là những đặc trưng cơ bản của loại hình du lịch này. Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để phát triển ZT.


1. Nguồn gốc và sự phát triển của ZT

Các phương pháp luyện tập Yoga của Ấn Độ giáo cổ xưa nhằm tiếp cận với cõi vô thức đã xuất hiện khoảng 3000 – 3500 năm trước là xuất phát điểm của Thiền. Trong số 8 kỹ thuật Yoga, kỹ thuật thứ 7 có tên tiếng Phạn là Dhyana, có nghĩa là “tịch lự” – một hình thức chiêm nghiệm tĩnh lặng để hiểu thấu những vấn đề bản thể thế giới và cá nhân. Khoảng 2500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi áp dụng Dhyana vào tu tập Phật pháp, đã sáng tạo ra dòng Thiền đầu tiên trong lịch sử minh triết phương Đông có tên là Thiền Thiên Trúc. Cũng trong khoảng thời gian đó, Đạo Lão (Tử) đã xuất hiện ở Trung Quốc. Đạo là nguyên lý vận hành sự biến dịch của thiên nhiên mà cơ bản là sự biến đổi và chuyển dịch giữa cái Vô (quy luật) và cái Hữu (hiện tượng và sự vật cụ thể).

Khoảng năm 520 CN, tức là 1000 năm sau khi xuất hiện dòng Thiền Thiên Trúc Ấn Độ, vị sư tổ đời 28 của dòng Thiền Thiên Trúc là Bồ Đề Đạt Ma sang truyền đạo ở Trung Quốc. Sự kết hợp giữa Dhyana và Đạo Lão đã làm xuất hiện Thiền Tông Trung Hoa, được gọi là Ch’an (hoặc T’an). Ch’an đi vào đời sống và đã góp phần phát sinh trường phái nghệ thuật Thiền nổi tiếng với các tác phẩm tranh thuỷ mặc và thơ Thiền. Quân Nguyên tiêu diệt nhà Tống khiến Ch’an đi vào thoái trào, nhưng đã kịp truyền bá sang Nhật Bản (1).

Đến đất nước Phù Tang, Ch’an gặp được mảnh đất màu mỡ để bén rễ xanh cây, đó là Thần Đạo (Shinto) – một trong các tôn giáo cổ xưa nhất thế giới. Shinto là sản phẩm của nền văn hoá nông nghiệp Nhật, vốn gắn chặt và phụ thuộc vào thiên nhiên, hơn nữa lại là một thiên nhiên đầy rủi ro động đất, núi lửa, trượt lở đất đá… Vì thế Shinto còn được gọi là “Tôn giáo Kính thờ Thiên nhiên”. Ngoài những lễ nghi và tập tục, Shinto còn là sự biểu cảm sức mạnh và vẻ đẹp tự nhiên. Sự kết hợp giữa Ch’an Trung Quốc và Shinto Nhật Bản tạo ra Zen (Thiền Nhật Bản). Ngày nay, Zen trở thành phổ biến và là thuật ngữ tiếng Anh chính thức của Thiền. Zen không chỉ là cách tụ tập của Phật giáo, mà còn là một lối sống có triết lí giản dị nhưng thâm trầm, đậm sắc thái Nhật Bản hàng ngàn năm trở lại nay của phần đông dân chúng. Zen đi vào nhiều mặt của đời sống Nhật như điêu khắc, nghệ thuật tranh Mặc hội (Sumiye), xây dựng các công viên Thiền (ví dụ điển hình là công viên đá Royanji ở Kyoto), kịch No, kịch Kabuki, thơ Haiku 17 chữ, kỹ thuật bắn cung, võ judo, kiếm đạo (Kendo), trà đạo (Chanoyu), nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), nghệ thuật nấu ăn, giáo dục con cái, chăm sóc nhà cửa, kinh doanh và du lịch. Tầm cao của lối sống Nhật mang đậm phong cách Thiền là Võ sĩ đạo (Bushido)… Đặc trưng chung của lối sống Thiền là tĩnh lặng, giản dị, hướng về thiên nhiên, tạo lập cân bằng của tâm hồn bằng cách hoà nhập cá nhân với thế giới thực tại, tăng cường năng lực sáng tạo và giải toả stress do cuộc sống hiện đại gây ra (1, 2).

Chính vì những đặc trưng trên đây của Zen nên cư dân của các nước công nghiệp phát triển Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… tìm đến Zen như một hoạt động du lịch thư giãn. Nhu cầu du lịch Zen ngày càng gia tăng cùng sự gia tăng nhu cầu thư giãn của con người dưới sức ép công nghiệp hoá và đô thị hoá, đã tạo ra doanh thu mỗi năm của ZT ở Nhật đạt đến 30 tỷ USD. ZT ở Nhật không nhất thiết là một kiểu du lịch tách biệt, nó có thể xen ghép với các loại hình du lịch thông thường khác và rất đa dạng. Trong một hành trình đi bộ (hiking) thông thường, du khách có thể viếng thăm các khu rừng lá đỏ (Momiji no ryoko), ngồi lặng lẽ trong những am cỏ nhỏ nghe suối chảy róc rách, ngâm tắm nước nóng hay cát nóng, uống rượu ngắm hoa anh đào (hanamizake)… ZT không đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng hay đối tượng du lịch mà quan trọng hơn là cách thưởng ngoạn, cách chiêm ngưỡng khu trú vào đối tượng để hoà mình với đối tượng du lịch, do đó vai trò của người hướng dẫn du lịch là rất quan trọng.

Sự phát triển ZT trên cơ sở một xã hội có phong cách sống Thiền đã khiến cho thiên nhiên Nhật Bản được bảo vệ rất tốt. Chính Hội các đền thờ Shinto là tổ chức đầu tiên đề xuất việc bảo vệ môi trường ở đất nước này.

2. Khả năng phát triển ZT ở Việt Nam

Vốn là một đất nước nông nghiệp truyền thống lâu đời, người Việt có tín ngưỡng tôn kính thiên nhiên qua phong tục thờ các nữ thần như nữ thần rừng núi (Thánh mẫu Thượng ngàn), nữ thần mây (Pháp Vân), nữ thần sấm (Pháp Điện), nữ thần mưa (Pháp Vũ), nữ thần nước (Bà Thuỷ/Thoải), phong tục cúng thần cây đa, ma cây gạo… Những hình thức tín ngưỡng cổ xưa này có nhiều nét tương đồng với Shinto của Nhật và là mảnh đất thuận lợi tiếp nhận các đợt sóng Thiền du nhập vào nước ta qua chiều dài lịch sử dân tộc.

Du nhập sớm nhất của Thiền vào nước ta là dòng Thiền Thiên Trúc Ấn Độ với Thiền sư Vinitaruci (Tini Đa lưu chi) ở chùa Dâu – Bắc Ninh (năm 580), 240 năm sau đến lượt dòng Thiền Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang (năm 820) ở chùa Kiến Sơ, Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Triều nhà Lý xây dựng dòng Thiền Thảo Đường mang đậm dấu ấn Chămpa với 3 vua Lý là những thiền sư của dòng này: Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Đến thời Trần (thế kỷ 13), vua Trần Nhân Tông sáng tạo ra dòng Thiền Trúc Lâm (3). Về cơ bản, các dòng Thiền trên là Thiền tông Phật giáo. Tuy nhiên, lối sống Thiền theo thời gian đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của nhân dân bên ngoài các Phật đường. Không kể nghệ thuật bonsai và cắm hoa có ảnh hưởng từ Zen Nhật Bản, dấu ấn Thiền trong đời thường còn gặp ở nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, nhất là ẩm thực Hà Nội và Huế, trong một số phong cách nghệ thuật sắp đặt vườn nhà và nội thất, trong môn võ Thái cực trường sinh đạo, trong nghệ thuật gốm méo ở Phù Lãng (Bắc Ninh), trong các dòng thơ Thiền (Thiền thi) và ca nhạc Thiền (Thiền ca). Cũng còn gặp các Zen café hay Zen spa ở một số thành phố du lịch.

Chưa thể nói rằng ZT đã thực sự xuất hiện ở Việt Nam, nhưng với dấu ấn Thiền đậm nét trong tầm sâu văn hoá dân tộc, với nguồn du khách ngày càng tăng trong bối cảnh công nghiệp hoá, đô thị hoá đất nước và hội nhập toàn cầu, chắc chắn ZT sẽ là loại hình du lịch đầy hứa hẹn. Gốm méo Phù Lãng là một ví dụ.

3. Gốm méo ở Phù Lãng – một điểm du lịch của ZT

Làng gốm Phù Lãng nằm trên những quả đồi thấp, trải dài xuống các vạt phù sa hẹp trên bờ phải sông Cầu thuộc huyện Quế Võ – Bắc Ninh. Từ lâu, Phù Lãng đã nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ những sản phẩm gốm méo. Sau khi dùng bàn xoay tạo xương các lọ lộc bình, nghệ nhân làm méo, làm lõm, hoặc xẻ đôi miệng lọ rồi vặn chéo đi… có rất nhiều kiểu làm méo mó chiếc lọ. Tại những chỗ méo đó, nghệ nhân thêm các hoa văn trang trí. Sau khi nung chín, những chiếc lọ thật đa dạng với những cách méo mó, xù xì rất khác nhau. Gốm méo Phù Lãng ngày càng được ưa chuộng, không chỉ trong các hộ gia đình mà cả ở những khách sạn sang trọng. Các sản phẩm gốm méo thu hút tâm trí người chiêm ngưỡng đến kỳ lạ. Chúng không hề hoàn hảo, không kiêu sa, nhưng rất thực như cuộc sống. Chúng minh chứng một triết lí của Thiền học cho rằng trong đời không có gì hoàn hảo, rằng hoàn hảo là khô cứng, chính những gì không hoàn hảo mới là thực sự hoàn hảo, vì chúng là đời thực, hơn nữa mỗi sản phẩm là duy nhất trong thế giới này. Và cũng chính từ chỗ thiếu hoàn hảo đó đã phát sinh sự sáng tạo, sự đa dạng đến vô cùng… tạo nên vẻ đẹp của cuộc sống.

Cũng như các bài thơ Haiku, ở gốm méo Phù Lãng, những điều quan trọng và cốt lõi nhất lại không phải là cái được nói ra hay nhìn thấy. Chúng tiềm ẩn trong khoảng tĩnh lặng vô ngôn vô hình giữa các họa tiết xù xì, bất đối xứng và không hoàn hảo mà người xem gốm chỉ có thể cảm nhật được mà khó nói nên lời.

Làng gốm Phù Lãng đón tiếp ngày càng đông không chỉ khách hàng mà cả khách du lịch. Phù Lãng trở thành một điểm sáng giá trong loại hình du lịch ZT mới mẻ, nhất là nó lại nằm trên đường từ Hà Nội đi Yên Tử – quê hương của Trúc Lâm Thiền Tông.

PGS.TS. Nguyễn Đình Hoè

Đại học Quốc gia Hà Nội

————————————-

Chú thích:

1. Horioka, C. và S.W. Holmes. 2004. Thiền trong hội hoạ – Phương pháp tìm hiều nghệ thuật cảm nghiệm thơ Haiku và tranh Mặc hội. Thanh Châu dịch, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Đình Hoè, 2006. Tích hợp Thiền học và Tiếp cận hệ thống – cơ sở bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu vực Đông Á. Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế “Hướng tới cộng đồng Đông Á – Thách thức và triển vọng”. Viện Đông Bắc Á, Hà Nội, 14 – 16/09/2006.

3. Nguyễn Đăng Thục, 1997. Thiền học Việt Nam. Nxb Thuận Hoá

Nguồn: www.tailieudulich.wordpress.com

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: