Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland
Xem Tiếp...
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NGÀNH Y HỌC THỦY LIỆU PHÁP Ở VIỆT NAM

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NGÀNH Y HỌC THỦY LIỆU PHÁP TRÊN CƠ SỞ CÁC NGUỒN NƯỚC KHOÁNG Ở VIỆT NAM

VÕ CÔNG NGHIỆP1, CAO THẾ DŨNG2, TRẦN TỬ AN3

1Hội Địa chất Thuỷ văn Việt Nam
2Liên hiệp Khoa học - Sản xuất địa chất nước khoáng, 3Trường Đại họ̣c Dược Hà Nội

Tóm tắt: Việt Nam có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú và đa dạng, có giá trị sử dụng vào các mục đích khác nhau, trước hết là để dùng chữa bệnh, điều dưỡng. Trên thực tế hơn nửa thế kỷ qua, một số nguồn đã được khai thác phục vụ có hiệu quả yêu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tiếc rằng do chưa có sự quan tâm đúng mực của các cơ quan hữu trách, các hoạt động trên lĩnh vực thủy liệu pháp ở nước ta đến nay vẫn chưa có điều kiện phát triển kịp với những đòi hỏi kinh tế-xã hội hiện đại.
Các tác giả, với tư cách là những nhà địa chất và y học tâm huyết, xin đề xuất phương hướng xây dựng một ngành y học thủy liệu pháp kết hợp du lịch chữa bệnh dựa trên các nguồn nước khoáng, tương xứng với tiềm năng ở nước ta.

I. GIỚI THIỆU

Việt Nam có nguồn tài nguyên nước khoáng (NK) phong phú và đa dạng, có giá trị sử dụng vào các mục đích khác nhau, trước hết là chữa bệnh - điều dưỡng nhằm chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Tiếc rằng tiềm năng đó chưa được khai thác một cách có hiệu quả để phục vụ lợi ích kinh tế - dân sinh.

Trước thực trạng đó, nhiều nhà khoa học địa chất và y tế có tâm huyết đã không ít lần lên tiếng đề xuất kiến nghị với các cơ quan hữu trách đầu tư phát triển ngành y học quan trọng này nhằm đáp ứng yêu cầu đang ngày càng tăng của xã hội. Trong bài viết này, các tác giả, với tư cách là những nhà địa chất và y học đã nhiều năm gắn bó với lĩnh vực khoa học địa chất NK và thuỷ liệu pháp NK, xin một lần nữa kiến nghị với các cơ quan chức năng, trước hết là Bộ Y tế, quan tâm vực dậy và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ ngành y học thuỷ liệu pháp trên cơ sở nguồn tài nguyên nước khoáng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng nhân dân ta.

Để luận chứng cho khả năng xây dựng và phát triển ngành y học thuỷ liệu pháp NK, chúng tôi xin phân tích những điều kiện thiết yếu về tài nguyên, cơ sở vật chất - kỹ thuật và nhu cầu xã hội đối với việc chữa bệnh - điều dưỡng bằng NK ở Việt Nam.

II. KHÁI QUÁT VỀ TIỀM NĂNG TÀI NGUYÊN NƯỚC KHOÁNG CỦA VIỆT NAM

Do hiện nay còn có những cách hiểu khác nhau về NK nên trước tiên cần thống nhất khái niệm NK là gì? Theo chúng tôi "Nước khoáng là những loại nước thiên nhiên hình thành trong lòng đất trong những điều kiện địa chất, địa chất thuỷ văn đặc biệt, có thành phần và tính chất ổn định, khác biệt với nước thông thường”. Sự khác nhau đó thể hiện ở một số đặc điểm sau đây:

- Độ khoáng hoá cao: chứa một hay một số hợp chất, nguyên tố vi lượng thiết yếu cho sự sống với hàm lượng lớn;

- Nhiệt độ, độ phóng xạ cao, bão hoà khí tự nhiên, ...


Bảng 1. Các loại nước khoáng ở Việt Nam

TT

Loại
NK 1*

Yếu tố đặc hiệu
 (hàm lượng ≥)

Hàm lượng (min-max)

¯¯¯¯¯¯

thường gặp

Số nguồn2*

Địa bàn phân bố chủ yếu

Các nguồn tiêu biểu (trong ngoặc là hàm lượng yếu tố đặc hiệu)

1

NK carbonic

500 mg/l CO2

(500-2220) /

(800-1200)

17

Tây Bắc Bộ, Bắc Trg Bộ, Cực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ

Vĩnh Hảo (800); Đakmol (2000); Bản Khạng (1200); Bình Ca (2220)

2

NK sulfur-hydro

1 mg/l H2S+HS-

(1-64)/

(6-10)

6

Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ

Mỹ Lâm (2-6); Mường Lay (12); Mỹ An (64)

3

NK silic

50 mg/l H2SiO3

(50-151)/

(71-80)

98

Trung và Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ

Hội Vân (136); Bang (98); Hướng Hóa (144); Bình Châu (151)

4

NK fluor

2 mg/l F

(2-15)/

(3-5)

52

Trung và Nam Trung Bộ

Phước Long (16); Hội Vân (15); Quế Lộc (14)

5

NK brom

5 mg/l Br

(5-61)/

(30-40)

22

Đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Cửu Long

Tam Hợp (50); Kênh Gà (15); Giao An (61); Mỏ Cày (46)

6

NK iod

1 mg/l I

(1-11)/

2(-5)

12

Đồng bằng Bắc Bộ

LK50 Hồng Tiến (11); LK51 Nam Hải (4); LK11 Quang Bình (3)

7

NK bor

5 mg/l HBO2

(5-235)/

(50-100)

10

Đồng bằng Bắc Bộ

LK100 Phong Châu (55); LK101 Quang Bình (235); LK51 Nam Hải (50)

8

NK radon

1 nCi/l Rn

(1-5,9)/

4

1

Phú Thọ

LK59 Phù Lao (4)

9

NK radi

1.10-11 g/l Ra

(1,2-7,4)/

(1,4-1,8)

7

Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ

Tiên Lãng (6,3); Thạch Trụ (7,4); Suối Nghệ (1,8)

10

NK khoáng hóa3*

1 g/l TDS

(1-5)/

(1,3-2,5)

62

Đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Cửu Long

Thạch Khôi (1,4), Thanh Phước (3,7); Cát Tiên (1,9)

11

Nước khoáng nóng4*

300C

(30-150)/

(40-70)

95

Đồng bằng và vùng núi  Bắc Bộ, đồng bằng Cửu  Long

Giang Sơn (41); Đồng Nghèn (43); Phú Hiệp (60)

               

 

Ghi chú: 1*: Trước đây các nhà ĐCTV còn phân biệt thêm 2 loại: NK arsen và NK sắt, nhưng những công trình nghiên cứu mới nhất cho thấy chưa đủ căn cứ nên chúng tôi tạm đưa chúng ra khỏi bảng phân loại;

2*: Một nguồn NK có thể được xếp vào 2-3 loại NK khác nhau do chứa đồng thời 2-3 yếu tố đặc hiệu. Do vậy tổng số nguồn ở đây lớn hơn 299;

3*: NK khoáng hóa là loại nước chỉ có tổng khoáng hóa (TDS) cao, ngoài ra không có một yếu tố đặc hiệu nào khác;

4*: Nước khoáng nóng ở đây được hiểu là loại nước chỉ có nhiệt độ cao, ngoài ra không có một yếu tố đặc hiệu nào khác.


Do đó nước có hoạt tính sinh học và tác dụng dược lý nên có giá trị chữa bệnh hay tăng cường sức khoẻ cho con người [16].

Định nghĩa về nước khoáng nêu trên đã được cụ thể hoá thành những chỉ tiêu định danh và tiêu chuẩn định lượng, áp dụng phổ biến trong ngành Địa chất và Y tế từ trước đến nay.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên toàn lãnh thổ nước ta có khoảng 400 nguồn nước khoáng, phần lớn là những mạch lộ trên mặt đất, một số được phát hiện trong các lỗ khoan, trong đó 287 nguồn đã được điều tra, có kết quả phân tích mẫu tương đối đầy đủ, được Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đăng ký, lập thành danh bạ, xuất bản năm 1998 [19]. Đến năm 2007, có thêm 12 nguồn mới được phát hiện thêm, nâng tổng số lên 299 nguồn.

Dựa theo thành phần, tính chất đặc biệt của các nguồn NK đã được nghiên cứu, các nhà địa chất thuỷ văn Việt Nam đã phân chúng thành 11 loại. Những thông tin chủ yếu về các yếu tố đặc hiệu, địa bàn phân bố của chúng được nêu trong Bảng 1.

III. HIỆN TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG SỬ DỤNG CÁC NGUỒN NƯỚC KHOÁNG VÀO MỤC ĐÍCH CHỮA BỆNH - ĐIỀU DƯỠNG

Những vấn đề trình bày trên đây cho thấy không một vùng nào trên lãnh thổ Việt Nam mà không có ít ra là một vài nguồn NK. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác sử dụng phục vụ yêu cầu tại chỗ ở các địa phương. Với 11 loại NK đã được phát hiện, có thể nói Việt Nam là nơi hội tụ của hầu hết các loại NK chính được biết trên thế giới, khiến cho phạm vi chỉ định của NK Việt Nam được mở rộng đối với nhiều loại bệnh khác nhau. Ngoài sự đáp ứng yêu cầu chữa bệnh tập trung tại các bệnh viện và trung tâm điều dưỡng, nhiều nguồn NK ở nước ta có chất lượng tốt (độ khoáng hoá vừa phải, có vị ngon, chứa nhiều nguyên tố có ích, ...) có thể đóng chai thành dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng bán ra thị trường, phục vụ rộng rãi người tiêu dùng, ví dụ NK fluor - dùng để phòng bệnh sún răng, xốp xương, NK iod - phòng chống bệnh bướu cổ, NK cacbonic Cr - có lợi cho đường tiêu hoá, .... Ngoài ra, cũng phải kể đến một nguồn tài nguyên quý thường đi kèm với NK - đó là những tích tụ bùn khoáng (BK) hình thành tại nơi xuất lộ NK - cũng có tác dụng chữa bệnh rất tốt bằng các liệu pháp chườm đắp, ngâm vùi, ... đồng thời có thể chế biến thành hàng mỹ phẩm (kem dưỡng da). Loại bùn này rất phong phú ở các nguồn NK Bình Châu, Đảnh Thạnh, Nghĩa Thuận, ... Có nhiều nguồn NK nằm trùng với những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, có thể khai thác phục vụ du lịch chữa bệnh, kết hợp du lịch sinh thái. Điều đó nói lên rằng sự phát triển ngành y học thuỷ liệu pháp NK không chỉ có ý nghĩa xã hội, mà đồng thời cũng là một hoạt động kinh tế rất có triển vọng ở nước ta.

Trong thực tế, từ thời xa xưa, nhân dân ta đã biết đến giá trị y học của NK và sử dụng nó vào mục đích chữa bệnh một cách tự phát. Trong thời kháng chiến chống Pháp, ngành y tế đã dùng NK Kênh Gà để chữa trị thương tật cho thương bệnh binh. Nhưng phải đến những năm 1973-1974, ba cơ sở điều dưỡng tương đối chính quy mới được xây dựng tại các nguồn NK Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Quang Hanh (Quảng Ninh) và Mớ Đá (Hoà Bình). Tuy quy mô nhỏ bé (mỗi cơ sở có 50-60 giường), nhưng có thể xem đây là những viên gạch đặt nền móng cho lĩnh vực điều dưỡng học thuỷ liệu pháp ở nước ta. Sau ngày miền Nam giải phóng, một cơ sở thứ tư được xây dựng tại Hội Vân (Bình Định) và muộn hơn là cơ sở điều dưỡng Mỹ An (Thừa Thiên - Huế). Các công trình thử nghiệm lâm sàng sử dụng NK và BK từ nguồn Đảnh Thạnh (Khánh Hoà), Phước Thọ (Quảng Ngãi) do các cơ quan y tế địa phương tiến hành trong những năm 1980-1985 cũng đem lại hiệu quả tốt [6, 11]. Theo số liệu thống kê, kết quả chữa bệnh của các cơ sở điều dưỡng trên, NK và BK có tác dụng tốt đối với các loại bệnh (tuỳ theo từng loại nước) như: xương khớp (tê thấp, viêm), thần kinh, tiêu hoá, tim mạch, da liễu, chấn thương, một số bệnh phụ khoa, bệnh nghề nghiệp... [5-7, 9, 11, 12, 15, 16]. Đáng tiếc là mãi đến nay việc chữa bệnh - điều dưỡng bằng thuỷ liệu pháp NK vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ, thậm chí đi thụt lùi so với sự phát triển chung của xã hội. Dù sao từ những hoạt động của các cơ sở đầu tiên đó đã hình thành những hạt nhân cho ngành thuỷ liệu pháp NK và BK ở nước ta gồm một số bác sĩ, y sĩ chuyên khoa và điều dưỡng viên ít nhiều có kinh nghiệm, có thể làm chỗ dựa cho sự phát triển lĩnh vực y học này trong thời gian tới.

Việc khai thác các nguồn NK phục vụ du lịch kết hợp chữa bệnh cũng bắt đầu phát triển trong những năm gần đây. Đến nay theo số liệu chưa đầy đủ, hiện có 8 cơ sở đang hoạt động, chẳng những có sức thu hút đông đảo khách nội địa mà còn là đối tượng hấp dẫn với khách quốc tế như Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tân Mỹ (Ninh Thuận), Tháp Bà (Nha Trang), Tu Bông (Khánh Hoà), Thanh Tân (Thừa Thiên Huế), Thanh Hà (Hà Giang), Hua Pe (Lai Châu), Tản Đà (Hà Nội).

Ở đây chưa kể đến việc sử dụng NK vào mục đích khác cũng có kết quả khả quan như đóng chai làm nước giải khát, hoặc có nhiều hứa hẹn như khai thác năng lượng (địa nhiệt), trích ly một số hoá chất công nghiệp (sođa, Br, I, ...), nuôi trồng thuỷ sản (tôm, cá, tảo).

Như vậy là NK đã đi vào cuộc sống với những bước đi ban đầu đầy khích lệ, tuy nhiên hãy còn ở mức độ rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy để cho nguồn tài nguyên quý này phát huy tác dụng phục vụ tốt hơn các nhu cầu kinh tế - xã hội, trong thời gian tới cần chú ý đẩy mạnh điều tra nghiên cứu và khai thác sử dụng nó nhằm góp phần xây dựng nên ngành điều dưỡng học thuỷ liệu pháp và du lịch NK phát triển ở nước ta. Với ý tưởng đó, chúng tôi đề xuất sơ bộ những công việc chủ yếu cần làm trong thời gian tới như sau:

1. Trên cơ sở các kết quả tài liệu cơ bản về NK của ngành Địa chất đã được tổng kết, chọn ra những nguồn có triển vọng nhất tiến hành việc điều tra chi tiết thêm nhằm đánh giá kỹ hơn về lượng cũng như về chất lượng của chúng, kể cả BK là một đối tượng mà trước đây chưa được chú ý.

2. Trong số những đối tượng điều tra, quan trọng nhất là những nguồn đang được khai thác sử dụng (đã nêu trên), sẽ thu thập các số liệu thống kê nhiều năm về hiệu quả chữa bệnh, điều dưỡng, du lịch, đóng chai (và các mục đích sử dụng khác nếu có). Đó là nguồn tài liệu thực tế quý giá để nhận định về tác dụng của NK. Từ đó, bằng phương pháp so sánh tương tự (kể cả theo kinh nghiệm nước ngoài) sẽ đánh giá khái quát về giá trị sử dụng của các nguồn NK hiện chưa được khai thác; biên soạn cẩm nang điều trị - điều dưỡng học cho từng loại, từng nguồn NK và BK trong toàn quốc.

3. Từ các kết quả điều tra sẽ lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành điều dưỡng học thuỷ liệu pháp và du lịch NK trên quy mô toàn quốc và từng vùng trọng điểm. Dựa vào quy hoạch và sự phân tích các nhu cầu kinh tế - xã hội sẽ xác định những nguồn ưu tiên đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng đầy đủ. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng các trung tâm điều trị - điều dưỡng kết hợp du lịch chữa bệnh, du lịch sinh thái và đưa vào khai thác nhằm đáp ứng yêu cầu chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và nghỉ ngơi - giải trí của nhân dân.

Việc chọn vị trí và quy mô xây dựng các cơ sở điều trị - điều dưỡng - du lịch sẽ được quyết định chính thức sau khi có kết quả thăm dò địa chất và đánh giá về mặt y học cũng như giá trị du lịch, song theo dự đoán sơ bộ của chúng tôi có thể nhằm vào những địa bàn chính sau đây:

1. Ở quy mô quốc gia hoặc khu vực

Sẽ xây dựng các trung tâm lớn và vừa tại những vùng có nguồn NK trữ lượng lớn, chất lượng tốt, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, cơ sở hạ tầng thuận lợi, có khả năng thu hút đông người, kể cả khách quốc tế, đó là:

a. Vùng Hạ Long: dựa trên các nguồn NK brom nóng Quang Hanh, Tam Hợp, kết hợp điều dưỡng sinh khí hậu, du lịch sinh thái biển - hải đảo trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long.

b. Vùng Huế: dựa trên các nguồn Mỹ An (NK sulfur-fluor), Thanh Phước (nước khoáng hoá - sođa nóng), Thanh Tân (NK silic nóng); kết hợp du lịch sinh thái vườn quốc gia Bạch Mã, du lịch văn hoá trong quần thể di sản thế giới cố đô Huế.

c. Vùng Nha Trang: dựa trên các nguồn Vĩnh Phương (NK silic nóng), Phước Trung (NK silic-fluor nóng), Đảnh Thạnh (NK silic-fluor nóng), suối Dầu (NK silic-fluor nóng); kết hợp điều dưỡng sinh khí hậu, du lịch sinh thái biển - hải đảo và du lịch văn hoá Chăm.

d. Vùng Bình Châu: dựa trên các nguồn Bình Châu (NK silic-fluor - phóng xạ, nóng), Phước Lễ (NK carbonic-silic), Suối Nghệ (NK carbonic-silic - phóng xạ), kết hợp điều dưỡng sinh khí hậu, du lịch sinh thái vườn quốc gia Bình Châu - Phước Bửu, du lịch biển Long Hải - Vũng Tàu.

2. Ở quy mô địa phương

Sẽ xây dựng các cơ sở nhỏ và vừa ở từng tỉnh hoặc liên tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương. Đương nhiên việc xây dựng không thể làm ồ ạt một lúc mà tuỳ điều kiện kinh tế và khả năng tài chính. Nguồn vốn đầu tư có thể dựa vào ngân sách Nhà nước hoặc địa phương và huy động từ các doanh nghiệp tư nhân, các công ty liên doanh (kể cả với nước ngoài), ...

Trên đây là bức tranh phác hoạ tổng quan viễn cảnh của ngành thuỷ liệu pháp NK Việt Nam trong khoảng 10-15 năm tới, mà muốn nó trở thành hiện thực cần có thời gian và khoản đầu tư lớn. Đó cũng là bức tranh phác họa tổng quan viễn cảnh của ngành thuỷ liệu pháp NK Việt Nam trong khoảng 10-15 năm tới, mà muốn nó trở thành hiện thực cần có thời gian và khoản đầu tư lớn.


 

Bảng 2. Những nguồn nước khoáng đang khai thác và có triển vọng khai thác
sử dụng vào mục đích chữa bệnh, du lịch, đóng chai
.

TT

Tên nguồn

Vị trí (huyện, tỉnh)

TT

Tên nguồn

Vị trí (huyện, tỉnh)

1

Hua Pe*

TP Điện Biên

26

Đồng Nghệ*

TP Đà Nẵng

2

Bản Mòng*

TX Sơn La, Sơn La

27

Phú Ninh*

Tam Kỳ, Quảng Nam

3

Bản Cải

Văn Chấn, Yên Bái

28

Thạch Bích*

Trà Bồng, Quảng Ngãi

4

La Phù*

Thanh Thủy, Phú Thọ

29

Nghĩa Thuận

Tư Nghĩa, Quảng Ngãi

5

Mớ Đá*

Kim Bôi, Hòa Bình

30

Thạch Trụ*

Mộ Đức, Quàng Ngãi

6

Quảng Ngần*

Vi Xuyên, Hà Giang

31

Hội Vân*

Phù Cát, Bình Định

7

Mỹ Lâm*

Yên Sơn, Tuyên Quang

32

Chánh Thắng*

Phù Cát, Bình Định

8

Bình Ca

Yên Sơn, Tuyên Quang

33

Phú Sen*

Tuy Hòa, PhuYên

9

Nà Rụa*

TX Cao Bằng

34

Tu Bông*

Vạn Ninh, Khánh Hòa

10

Tam Hợp*

Cẩm Phả, Quảng Ninh

35

Trường Xuân*

Ninh Hòa, Khánh Hòa

11

Quang Hanh*

Cẩm Phả, Quảng Ninh

36

Vĩnh Phương*

Nha Trang, Khánh Hòa

12

Mỹ Khê*

Ba Vì, Hà Nội

37

Tân Mỹ*

Ninh Sơn, Ninh Thuận

13

Thạch Khôi*

Gia Lộc, Hải Dương

38

Vĩnh Hảo*

Tuy Phong,Bình Thuận

14

Pháp Xuyên*

Tiên Lãng, Hải Phòng

39

Đa Kai*

Đức Linh, Bình Thuận

15

Cát Bà

Cát Bà, Hải Phòng

40

Bình Châu*

Xuyên Mộc, BR-VT

16

Đông Cơ*

Tiền Hải, Thái Bình

41

Suối Nghệ

Châu Thành, BR-VT

17

Kênh Gà*

Gia Viễn, Ninh Bình

42

Trung Lương

TP Mỹ Tho,Tiền Giang

18

Thường Sung*

Nho Quan, Ninh Bình

43

Bãi Xàu

Mỹ Xuyên, Sóc Trăng

19

Bản Khạng*

Quỳ Hợp, Nghệ An

44

Tân Ngãi

TX Vĩnh Long

20

Sơn Kim*

Hương Sơn, Hà Tĩnh

45

Ninh Điền*

Châu Thành, Tây Ninh

21

Trooc

Bố Trạch, Quảng Bình

46

Kon Đu

Đak Tô, Kon Tum

22

Bang*

Lệ Thủy, Quảng Bình

47

Plei Khưn

TP Pleiku, Gia Lai

23

Làng Rượu

Dakrong, Quảng Trị

48

Đak Mol*

Đăk Min, Đăk Nông

24

Thanh Tân*

Phong Điền, Huế

49

Gougah

Đức Trọng, Lâm Đồng

25

Mỹ An*

Phú Vang, Huế

50

Phú Hiệp

Tân Phú, Đồng Nai

Ghi chú: * Những nguồn đang khai thác, sử dụng [19]. Thông tin chi tiết về từng nguồn tìm xem trong [19] hoặc truy cập website http://www.idm.gov.vn.

 


Ngay trước mắt chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng, trước hết là Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho mở một đề tài nghiên cứu, có thể lấy tên "Đánh giá tài nguyên nước khoáng và bùn khoáng Việt Nam trên quan điểm y học; nghiên cứu thử nghiệm một số loại nước khoáng và bùn khoáng chủ yếu vào mục đích chữa bệnh - điều dưỡng; tạo tập cơ sở đầu tiên cho việc phát triển lĩnh vực y học thuỷ liệu pháp nước khoáng và bùn khoáng ở Việt Nam ". Mục tiêu chính của đề tài là:

1. Kiểm kê, phân loại, đánh giá tác dụng dược lý của một số loại NK và BK chủ yếu ở Việt Nam trên cơ sở các kết quả điều tra của hai ngành Địa chất và Y tế, kết hợp điều tra bổ sung nhằm kiểm tra một số nguồn quan trọng và phát hiện thêm các nguồn mới có giá trị.

2. Đánh giá hiện trạng sử dụng NK và BK vào mục đích chữa bệnh và điều dưỡng ở Việt Nam. Tổ chức nghiên cứu lâm sàng sử dụng NK và BK để chữa bệnh và điều dưỡng tại một số nguồn có triển vọng nhất và có điều kiện thuận lợi.

3. Từ các kết quả nghiên cứu sẽ soạn thảo bước đầu cơ sở lý luận và liệu pháp NK và BK, sơ bộ lập cẩm nang điều dưỡng học cho các nguồn NK và BK chủ yếu ở Việt Nam, tạo lập cơ sở ban đầu cho lĩnh vực điều dưỡng thuỷ liệu pháp ở Việt Nam (tổ chức - nhân lực, phòng thí nghiệm, mua sắm một số thiết bị chuyên môn cần thiết).



 

Thời gian thực hiện đề tài dự kiến khoảng 3-4 năm. Cơ quan chủ trì đề tài được thực hiện qua đấu thầu. Điều kiện thiết yếu để thực hiện đề tài, trừ nguồn vốn, còn về cơ bản đã có sẵn: tài liệu địa chất - địa chất thuỷ văn về các nguồn nước khoáng trong toàn quốc, kết quả thực nghiệm chữa bệnh bằng NK của các bệnh viện, nhà điều dưỡng NK, trung tâm du lịch chữa bệnh bằng NK, một số cán bộ địa chất và y tế chuyên môn hoá trên lĩnh vực điều tra NK và thuỷ liệu pháp NK, một số phòng thí nghiệm phân tích NK và trang thiết bị chuyên dụng cho thuỷ liệu pháp, v.v.. Với cơ sở vật chất kỹ thuật tuy còn ít ỏi nhưng tương đối đồng bộ như vậy nếu được huy động và sử dụng hợp lý, tin chắc đề tài sẽ đạt kết quả tốt.

 

IV. THAY LỜI KẾT LUẬN

 

Đối với nhiều nước trên thế giới, thủy liệu pháp điều trị và điều dưỡng bằng NK là lĩnh vực y học đã có lịch sử lâu đời và đến nay đã đạt tới trình độ phát triển cao. Đã có những thành phố NK nổi tiếng như Piatigorsk (Nga), Carlovy Vary (CH Séc), Vichy (Pháp), Wiesbaden (Đức), ... Nhưng ở nước ta lĩnh vực này hãy còn ở bước sơ khai, lạc hậu hàng trăm năm so với người ta, mặc dầu tiềm năng NK không hề thua kém. Điều đó một phần do hoàn cảnh khách quan nước ta còn nghèo, bị chiến tranh cản trở, ... nhưng nguyên nhân chính, theo chúng tôi, là thiếu sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Hiện nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện thì nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, nghỉ ngơi giải trí cũng không ngừng gia tăng. Việc đi tắm, chữa bệnh bằng NK, du lịch kết hợp chữa bệnh tại các nguồn NK, uống NK để bổ sung khoáng chất cho cơ thể, ... đã trở thành nhu cầu, thậm chí là "mốt thời thượng" của đông đảo dân chúng. Trước đòi hỏi thực tế đó của xã hội, hàng loạt cơ sở du lịch và chữa bệnh bằng NK mọc lên, trong đó bên cạnh những cơ sở được cấp phép chính thức cũng có không ít cơ sở hoạt động "chui", ở đó NK được xem như thứ thuốc chữa "bách bệnh", chẳng cần biết thành phần, tính chất ra sao, chỉ định hoặc chống chỉ định đối với những loại bệnh nào, ... Đáng lo ngại nhất là có một số nguồn, theo tài liệu địa chất, có yếu tố độc hại song vẫn được dùng để tắm, uống một cách "vô tư" (thực ra cũng không thể trách cứ một ai vì có cơ quan nào hướng dẫn hay sách vở nào chỉ bảo đâu?).

Từ thực trạng trên thiết nghĩ đã đến lúc (nói đúng hơn là đã quá muộn) phải bắt tay ngay vào xây dựng ngành thủy liệu pháp NK tiên tiến, đồng thời cũng là một lĩnh vực kinh tế mới manh nha và có nhiều hứa hẹn đối với nước ta. Chúng ta không phải bắt đầu từ số không mà, như trên đã nói, đã có sẵn một số hạt giống ban đầu. Nếu biết ươm gieo và chăm bón tốt, từ đó sẽ phát triển thành một khu vườn trĩu quả. Những phương hướng, nội dung, biện pháp, bước đi để đạt tới mục tiêu đã được đề cập trong báo cáo. Mong sao nó sẽ được sự ủng hộ của các cơ quan hữu trách để sớm thực thi.

VĂN LIỆU

1. Cao Thế Dũng, 1983. Khoáng sản miền Bắc Việt Nam. Tập VI: Nước khoáng. Tổng cục Mỏ và Địa chất. Hà Nội.

2. Cao Thế Dũng, 1988. Đặc điểm phân bố và nguồn gốc một số loại nước khoáng Việt Nam. Luận án PTS. ĐH Mỏ - Địa chất. Hà Nội.

3. Cao Thế Dũng, Võ Công Nghiệp, Châu Văn Quỳnh, 2003. Bản đồ nước khoáng, nước nóng CHXHCN Việt Nam. Trong Atlas Quốc gia VN. Tổng cục Địa chính tái bản. Hà Nội.

4. Châu Văn Quỳnh, 1996. Nước khoáng và nước nóng miền Bắc Việt Nam. Luận án PTS. ĐH Mỏ - Địa chất. Hà Nội.

5. Đào Ngọc Phong, Trần Việt Liễn, 1985. Bước đầu đánh giá tiềm năng của một số vùng nước ta đứng về mặt suối khoáng và khí hậu sinh học. BC tại HNKH về nước khoáng toàn quốc lần I. Hà Nội.

6. Đặng Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Ngọc, 1982. Những kết quả ứng dụng bùn khoáng ở Việt Nam tại bệnh viện tỉnh Phú Khánh. Nội san Y học tỉnh Phú Khánh, Nha Trang.

7. Fontaine H., 1957. Les sources themoninérales du Viet Nam méridional. Archives géologique du VN, 4. Sài Gòn.

8. Hoppe P., Dvorak Ya., Kass A., 1986. Assessment of mineral waters in the SR of Viet Nam: A view to their use in balneology and mineral water management. Czech State Dept of  Geology, Prague.

9. Hữu Thị Chung, Đỗ Thế Cường, 2007. Đánh giá tác dụng của nguồn nước khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp gối. TĆ KHKT Mỏ - Địa chất, 20. Số kỷ niệm 20 năm thành lập bộ môn Địa chất thủy văn. ĐH Mỏ-Địa chất, Hà Nội.

10. Ivanov V.V., Nevaraev G.A., 1964. Phân loại nước khoáng dưới đất. Nxb Nedra, Moskva (tiếng Nga).

11. Lê Đình Danh, 1985. Điều tra, khai thác, sử dụng các nguồn nước khoáng ở tỉnh Nghĩa Bình. BC tại HNKH về nước khoáng toàn quốc lần I. Hà Nội.

12. Lưu Tê, 1985. Nước khoáng sunfua hydro và kết quả chữa bệnh tại Viện điều dưỡng Mỹ Lâm. BC tại HNKH về nước khoáng toàn quốc lần I. Hà Nội.

13. Ngô Ngọc Cát, 1986. Quy luật phân bố, điều kiện thành tạo nước khoáng - nước nóng Việt Nam và triển vọng sử dụng chúng. Luận án PTS. Baku (tiếng Nga).

 

 

14. Ngô Ngọc Cát, 1994. Tiềm năng nước khoáng nóng lãnh thổ Việt Nam. Tt các công trình nghiên cứu địa vật lý. Viện Địa lý. Nxb KH&KT, Hà Nộị.

 

15. Nguyễn Nhân Đức, 1994. Phân loại một số nguồn nước khoáng miền Trung và nghiên cứu toàn diện nguồn nước khoáng Mỹ An để chữa bệnh và phục vụ dân sinh. Luận án PTS. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

16. Phạm Đình Thọ, 1985. Nghiên cứu nước khoáng Quang Hanh dùng để giải khát và chữa bệnh. BC tại HNKH về nước khoáng toàn quốc lần I. Hà Nội.

17. Võ Công Nghiệp, 1992. The natural thermomineral water of Viet Nam in respect of the human health and the enviroment. Proc. of Reg. Sem. on Env. Geol.. Hà Nội.

18. Võ Công Nghiệp, 1998. Cần phát triển du lịch nước khoáng ở nước ta. TĆ Hoạt động khoa học, 10. Hà Nội.

19. Võ Công Nghiệp (Chủ biên), 1998. Danh bạ các nguồn nước khoáng và nước nóng Việt Nam. Cục ĐC&KS VN, Hà Nội.

20. Võ Công Nghiệp, 2000. The Spa tourism potentialities of Viet Nam. J. of Geology, B/15-16 : 98-105. Hà Nội.

Nguồn: www.idm.gov.vn
 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: