Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Thành phố cô đơn nhất Trung Quốc sở hữu vô vàn cảnh đẹp say đắm lòng người Thành phố cô đơn nhất Trung Quốc sở hữu vô vàn cảnh đẹp say đắm lòng..
Hòn đảo tặng dê miễn phí cho bất kỳ du khách nào bắt được Hòn đảo tặng dê miễn phí cho bất kỳ du khách nào bắt được
Xem Tiếp...
DU LỊCH BIỂN VÀ MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA BIỂN

DU LỊCH BIỂN VÀ MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ BIỂN

 

GS.TS. Mai Ngọc Chừ

(Khoa Đông phương học, Đại học KHXH & NV, Hà Nội;
GV thỉnh giảng Khoa Văn hoá học ĐH KHXH & NV Tp. HCM)

 

Bài viết bàn về vấn đề du lịch biển và môi trường văn hoá biển. Bài đã đăng trong tập: “Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Tây Nam bộ”. NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.

 

Môi trường và du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng, có mối quan hệ khăng khít. Môi trường tốt sẽ tạo điều kiện để du lịch phát triển, phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ngược lại, môi trường kém sẽ hạn chế sự phát triển du lịch và phát triển du lịch không bền vững tất yếu sẽ làm cho môi trường bị xâm hại. Du lịch biển và môi trường  biển thể hiện rất rừ mối quan hệ tương hỗ này.

Như mọi người đều biết, biển có vai trũ rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong kinh tế biển thỡ du lịch biển rất cú ưu thế về mặt tiềm năng nhưng khai thác chưa được bao nhiêu nếu so với các quốc gia Đông Nam Á ở bên cạnh ta như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Tuy nhiên từ kinh nghiệm phát triển du lịch biển của các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể cho chúng ta một số bài học về việc phát triển du lịch biển một cách bền vững song song với việc bảo vệ môi trường (1).

1. Trước hết cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng suy giảm rừng ngập mặn ở khu vực ven biển và các đảo.  Do nhu cầu mưu sinh, rừng ngập mặn ở nhiều nơi đang bị cư dân địa phương phá hoại. Kinh nghiệm của Malaysia ở quần đảo du lịch nổi tiếng Langkawi cho thấy một trong những lí do thu hút khách du lịch đến nơi đây chính là vì họ được “chiêm ngưỡng” các mảnh rừng ngập mặn trong khu du lịch này. Không ít các nhà hàng, khu vui chơi giải trí được “chui” trong rừng ngập mặn, đã có sức thu hút du khách rất mạnh. Khi rừng ngập mặn bị suy giảm, tính đa dạng về sinh học cũng bị giảm theo.  Ngoài ra, ở Việt Nam, do đời sống kinh tế của cư dân ven biển còn quá thấp, nên việc khai thác đến mức cạn kiệt tài nguyên sinh vật biển ở các khu rừng ngập mặn cũng làm cho tính đa dạng về mặt sinh học bị xâm hại. Trên góc độ bảo vệ, rừng ngập mặn còn là “lá chắn” cho các khu du lịch trước những thiên tai thường xuyên xảy ra như bão biển, sóng thần, v.v. Do vậy bảo vệ rừng ngập mặn không phải không có quan hệ với việc bảo vệ và phát triển du lịch biển.

2. Nhanh chóng khắc phục sự xuống cấp của chất lượng môi trường biển do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gây ra. Quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia Đông Nam Á ngoài mặt tích cực là tăng trưởng kinh tế cũng đã để lại những hậu quả xấu về môi trường ven biển. Hệ thống cảng biển, các đô thị ven biển, các chất thải công nghiệp và rác rưởi theo sông đổ ra biển, ... là những nguồn gây ô nhiễm, làm giảm chất lượng môi trường biển, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động du lịch ven biển. Thông thường để kiểm tính được chất lượng môi trường, các nhà khoa học thường đặc biệt lưu tâm đến một số chỉ số như sau:

- Chỉ số về hàm lượng kim loại như đồng, chì, sắt, kẽm... Ở  Việt Nam, các khu du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đồ Sơn, Huế đều có hàm lượng đồng vượt quá chỉ số cho phép khoảng 0,02 mg/lít. Ở Malaysia, trong nhiều năm, người ta cũng đã phải giải quyết vấn đề môi trường nảy sinh do hiện tượng khai thác kẽm và thiếc đưa lại.

- Chỉ số về ô nhiễm dầu trong nước. Khi chỉ số này vượt quá ngẫng cho phép sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các bãi tắm ven biển. Đây cũng là một tình trạng đáng báo động đối với nhiều bãi tắm ở Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, hiện tượng tràn dầu hàng năm là một điều đáng lo ngại.

- Chỉ số về nồng độ bụi. Thường thì sự vượt ngưỡng của chỉ số này liên quan đến các khu công nghiệp ven biển, chẳng hạn, công nghiệp khai thác than xung quanh vịnh Hạ Long. Chắc chắn, ở Hạ Long, chỉ số bụi sẽ cao gấp hàng chục lần mức độ cho phép.

Như vậy đối với nhiều địa phương, ở một số vùng, chính quyền buộc phải chọn lựa giữa công nghiệp không khói (tức du lịch) hoặc công nghiệp có khói. Hai loại hình công nghiệp này không phải lúc nào cũng có thể “sánh vai” cùng nhau.

3. Khắc phục tình trạng xâm thực bờ biển, xói lở bờ biển, làm ảnh hưởng đến sự hoạt động của các khu du lịch ven biển. Hiện tượng này đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia. Đối với Việt Nam, các khu du lịch nổi tiếng như Thuận An, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc, ... dù ít dù nhiều cũng đang đứng trước thách thức này.

4. Có biện pháp khắc phục những tác động xấu từ du lịch đến môi trường, mà hậu quả là lại hạn chế sự phát triển của du lịch.

4.1 Những tác động xấu tập trung vào một số vấn đề như sau:

- Làm mất đi sự đa dạng sinh học.  Nhiều loài sinh vật hoang dã trở thành những món ăn đặc sản hoặc những đồ lưu niệm, những mẫu vật, ... cho khách du lịch, kể cả những loài rất quý hiếm như san hô, đồi mồi, ... Ngoài ra, do tác động của hoạt động du lịch, chu trình sống của động vật hoang dã (di trú, kiếm ăn, mùa giao phối, sinh sản) ở các khu bảo tồn thiên nhiên hay các vườn quốc gia cũng có thể bị thay đổi.

Kinh nghiệm cho thấy ở những quốc gia có mức sống thấp như Việt Nam, việc bảo vệ những loài sinh vật hoang dã để chúng không trở thành những món ăn đặc sản thực sự không dễ. Trái lại, với những nước có nền kinh tế tương đối phát triển thì công việc này bớt khó khăn hơn. Có thể thấy rõ điều này ở Singapore  và Malaysia (Ngay ở thủ đô Kuala Lumpur vẫn có khỉ, kì đà, ...).

- Tăng chất thải sinh hoạt, do đó tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước ven biển. Đặc biệt, vào các dịp lễ hội, các mùa du lịch, lượng rác thải thường tăng gấp nhiều lần, trong khi đó thì việc xử lí rác thải nói chung còn rất hạn chế, thậm chí ở nhiều nơi, rác thải hoàn toàn chưa được xử lí. (Cần biết rằng, trung bình mỗi ngày lượng chất thải của một du khách là khoảng 0,67 kg chất rắn và 100 lít chất thải lỏng).

- Tăng lượng khí thải, làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí. Không khí biển thường trong lành, đó là một trong những lí do khiến du khách tìm đến biển. Tuy nhiên khi có quá nhiều ô tô dồn đến thì lượng CO2 thải ra không ít, thêm nữa, sự hoạt động của hàng trăm, hàng nghìn máy điều hòa nhiệt độ cũng đổ vào tầng ozon một lượng khí nóng không nhỏ.

- Làm biến đổi và, thậm chí, phá hoại cảnh quan thiên nhiên. Nếu phát triển một cách bừa bãi, không tuân theo một quy hoạch được nghiên cứu cẩn thận thì sự mọc lên của các khu du lịch có thể làm ảnh hưởng đến những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời mà trời đã ban cho con người. Vì vậy, khi một dự án về du lịch được triển khai tại những nơi “nhạy cảm” như vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, ... cần có sự xem xét cẩn trọng giữa cái được và cái mất, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa – tinh thần. Về vấn đề này, ở Việt Nam cũng đã từng có những ý kiến về các khu du lịch trên đảo Cát Bà, đảo Tuần Châu, v.v.

4.2. Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhà nước cần có chính sách khuyến khích các loại hình du lịch sinh thái biển thân thiện với môi trường và hỗ trợ đắc lực cho những dự án bảo vệ môi trường biển. Ngoài ra, đối với các nhà khoa học, cần ưu tiên cho những đề tài khoa học công nghệ hướng vào mục đích bảo vệ môi trường biển.

Một việc làm cụ thể đã được tiến hành tại Việt Nam mấy năm vừa qua là xây dựng Dự án hệ thống chứng chỉ sinh thái cho các khách sạn, nhà nghỉ tại đảo Cát Bà do Tổ chức Bảo tồn động vật quốc tế (FFI) đề xuất [Lê Hải, 2004, 40]. Tính đến tháng 12 năm 2004 đã có đến 60 khách sạn tại huyện đảo Cát Bà tham gia chương trình này. Mục đích của Chương trình chứng chỉ sinh thái là tìm cách hạn chế những ảnh hưởng tới môi trường du lịch bằng cách hỗ trợ các  khách sạn hoàn thiện tiêu chuẩn về môi trường, hướng dẫn khách sạn và du khách sử dụng tiết kiệm nước và điện. Chương trình cũng nhằm tới mục đích nâng cao năng lực quản lí môi trường cho chính quyền địa phương, đặc biệt là quản lí nguồn điện và nước, quản lí và xử lí các loại chất rắn, chất lỏng; nâng cao nhận thức cho người dân địa phương cũng như du khách khi đến Cát Bà về bảo vệ môi trường; thay đổi nhận thức của du khách trong việc sử dụng điện, nước, đồng thời xúc tiến công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Cát Bà.

Đối với những điểm có tiềm năng du lịch lớn nhưng môi trường luôn bị đe dọa bởi những sự cố như ô nhiễm nặng, lũ lụt, cháy rừng phòng hộ .. thì nhất thiết phải xây dựng các phương án phòng chống sự cố và khắc phục hậu quả để có thể giảm tối đa những tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và thiên tai đến môi trường.

Cần tổ chức các khóa đào tạo về môi trường với sự tham gia của các giảng viên, các nhà khoa học và quản lí môi trường, các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về môi trường ... cho đội ngũ cán bộ quản lí và nhân viên trong ngành du lịch.

Nâng cao đời sống cộng đồng và tạo công ăn việc làm cho người dân gắn với các hoạt động phát triển du lịch biển sẽ là yếu tố đảm bảo đề họ tham gia tích cực vào việc bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường biển.

5. Về phương thức bảo vệ môi trường cảnh quan nói chung [Quang Hồng, 2007, 18], cảnh quan biển nói riêng, tại các điểm du lịch có thể đưa ra 3 hình thức như sau:

- Giữ nguyên trạng. Có thể nói đây là phương thức tối ưu để ngăn ngừa tất cả các tác động làm biến đổi cảnh quan, hạn chế các hoạt động trong phạm vi bảo vệ của cảnh quan, và nếu vẫn diễn ra sự tác động thì phải bảo đảm khả năng phục hồi được một cách tự nhiên. Tất nhiên đây là việc làm không dễ, nhất là đối với những cảnh quan luôn chịu sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố thiên nhiên như bão gió, động đất, v.v.

- Biến đổi ở mức độ cho phép: Theo phương thức này, các hoạt động du lịch tại nơi có cảnh quan (như đảo Phú Quốc của chúng ta chẳng hạn) phải được quản lí, điều tiết để những tác động lên môi trường, mặc dù gây ra những thay đổi nhưng không làm suy giảm giá trị của cảnh quan chung. Phương thức này được áp dụng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn ở đảo Langkawi, Malaysia hay một số điểm du lịch ở  Brunei, Indonesia và  Singapore.

- Tôn tạo cảnh quan: Đây là hoạt động nhằm nâng cao giá trị của cảnh quan. Người ta có thể trồng cây cảnh, trồng hoa, tạo thảm cỏ, xây dựng, lắp đặt công trình hoặc kiến tạo cảnh quan nhân tạo như hồ nước, núi đá, v.v.  Đây là cách làm, chẳng hạn, của Singapore ở hòn đảo du lịch nổi tiếng Sentosa. Tuy nhiên nếu không tính toán cẩn trọng thì sự tôn tạo đôi khi lại làm mất đi giá trị tự nhiên vốn có của cảnh quan, và hệ quả là làm suy giảm tính hấp dẫn của điểm du lịch.

Thông thường thì người ta phối hợp cả ba phương thức trên, tức là trong một cảnh quan du lịch, có điểm cần giữ nguyên trạng, có điểm làm biến đổi ở mức cho phép, có điểm cần phải tôn tạo. Đảo Phú Quốc của chúng ta có lẽ nên theo cách phối hợp này.

6. Cùng góp phần giải quyết những vấn đề môi trường còn phải kể đến công tác thông tin tuyên truyền [T.H, 2004, 38]. Đây là một vấn đề quan trọng. Ở ta có một lợi thế là các phương tiện thông tin tuyên truyền (như báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình) đều thuộc về Nhà nước, do vậy cần có cơ chế, chính sách để các phương tiện thông tin đại chúng này phải thường xuyên tuyên truyền cho việc bảo vệ môi trường du lịch. Những thông tin thuộc lĩnh vực này có thể phân thành hai loại:

6.1 Thông tin tuyên truyền rông rãi:  Đây là những thông tin ngắn, gọn, dễ hiểu, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Với báo chí và truyền hình thì cần sử dụng nhiều hình ảnh cụ thể. Về vấn đề này, một trong những hãng truyền hình quốc gia làm khá tốt là Hãng truyền hình Malaysia.

6.2 Thông tin lí luận, chuyên đề : Đây là những bài viết chủ yếu phục vụ các nhà khoa học, các nhà quản lí và các nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, một số chuyên đề cũng có thể phục vụ cho những khán, thính giả tuy không phải là những đối tượng vừa nêu nhưng có trình độ văn hóa cao.

 

Tóm lại, môi trường biển và du lịch biển có mối quan hệ hữu cơ.  Bảo vệ môi trường và phát triển du lịch biển là hai việc phải đi song song. Một chiến lược như vậy sẽ đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế, văn hóa lẫn xã hội.

 

Chú thích

(1) Một số tư liệu và nhận xét về môi trường du lịch biển ở Việt Nam được dẫn đến trong bài viết này lấy từ bài viết của PGS, TS Phạm Trung Lương trong tạp chí Du lịch Việt Nam số 7 / 2007.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Hải, Xây dựng chứng chỉ sinh thái hệ thống khách sạn đảo Cát Bà. Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 12 / 2004.

2. Quang Hồng, Bảo vệ môi trường cảnh quan tại các khu, tuyến và điểm du lịch. Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 3 / 2007.

3. Phạm Trung Lương, Phát triển du lịch biển bền vững từ góc độ môi trường. Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 7 / 2007.

4. T.H. Bảo vệ môi trường du lịch và phát triển bền vững. Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 12 / 2004.

5. Cultures in ASEAN and the 21st Century. UniPress. The Centre for  the Arts National University of Singapore.

6. Malaysia – Year Book, 2004.

7. Singapore – Year Book, 2003.

 

Nguồn: www.vanhoahoc.edu.vn

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: