Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland
Xem Tiếp...
GS PHẠM ĐỨC DƯƠNG - CẢM NHẬN CỦA TÔI VỀ MỘT NHÀ VĂN HÓA LỚN

Vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, tôi cùng các thành viên của câu lạc bộ Du Lịch Xanh đến nhà GS. Phạm Đức Dương để được nghe thầy thuyết giảng về văn hóa Hà nội và các điểm di tích trong dự án nghiên cứu du lịch của Liên Hiệp. Sau một lúc chờ đợi các thành viên đã đến đông đủ và  xin phép được vào nhà gặp giáo sư. Đây không phải lần đầu tiên tôi đến gặp ông nhưng tôi luôn bị ấn tượng bởi sự đam mê công việc của ông. Một nhà khoa học đã làm việc hơn nửa đời người mà vẫn làm việc, làm việc một cách hăng say là khác. Tôi tự thấy cần phải học giáo sư về phong cách và thái độ làm việc.

Như mọi lần, giáo sư chào đón chúng tôi với một nụ cười niềm nở, một cái bắt tay chắc nịch như để chứng tỏ ngài vẫn còn rất phong độ. Ông hay đùa tôi như thế. Chúng tôi nhanh chóng ổn định chỗ ngồi và chờ giáo sư thuyết giảng. Và đúng với phong cách của một người thầy đi dạy học, Giáo sư hỏi tên từng người, học ở đâu…và đến lượt tôi trả lời. Do đã quen biết với giáo sư từ trước nhưng tôi vẫn tìm ra một câu trả lời lém lỉnh để không khí trở nên cởi mở hơn. Và buổi thuyết giảng đã bắt đầu với không khí thoải mái như thế đó.

Giáo sư bắt đầu không phải về những kiến thức về Hà nội ngay mà về những khái niệm về văn hóa. Theo tôi hiểu giáo sư muốn chúng tôi đi từ cái gốc của vấn đề. (Tôi xin phép được gọi giáo sư là thầy). Thầy đặt ra những khái niệm mà tưởng như nó vẫn quen thuộc với chúng tôi hàng ngày như văn hóa là gì, cách tiếp cận văn hóa như thế nào?. Dường như để đám học trò băn khoăn suy nghĩ một lúc thầy mới đưa ra câu trả lời. Văn hóa là xuất phát từ “ Tâm thức của người bản ngữ”, vậy suy ra có rất nhiều nền văn hóa khác nhau quanh ta vậy cần có một ngành khoa học nghiên cứu về văn hóa, đó là văn hóa học. Giáo sư cứ nói vui cái nghề của tôi là phải đi nhiều, tiếp xúc với nhiều dân tộc, có học thứ tiếng của họ mới có thể hiểu được nền văn hóa của họ. Do giáo sư tham gia nghiên cứu về các dân tộc Việt Nam nên phải đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm tư liệu. Ông nói vui: “…Như vậy vốn hiểu biết của ông về văn hóa được mở rộng”. Giáo sư vẫn luôn tự hào mình là nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu ở Việt Nam, nhất là khu vực Đông Nam Á. Khi nói đến GS. Phạm Đức Dương, giới khoa học sẽ biết ngay đây là nhà nghiên cứu Đông Nam Á có tiếng.

Đi sâu vào bài giảng, thầy đưa ra ba khái niệm về thế giới gồm : “Thế giới ý niệm”, “Thé giới hiện tại”, “Thế giới biểu tượng”. Ba thế giới cùng tồn tại. Ngay cả động vật cũng có những thế giới này như như con khỉ biết dùng đá để lấy hạt hay cá voi biết dùng âm thanh để giao tiếp. Còn đối với con người, khi đứng trước “Thế giới hiện tại” là hữu hạn và khả tri, mỗi con người có “Thế giới ý niệm” của riêng mình, thế giới này là vô hạn và bất khả tri. Con người muốn biểu đạt “Thế giới ý niệm” của mình, họ phải dùng những ngôn ngữ biểu đạt như chữ viết, hình vẽ, tiếng nói… gọi là “Thế giới biểu tượng”. Những khái niệm này làm tôi nhớ tới thời tiền sử khi làm tổ tiên chúng ta đã dùng những hình vẽ rất kỳ quặc để thể hiện thế giới của họ.  Ngoài ra còn có sự vay mượn “Thế giới biểu tượng” của nhau, như việc dùng tiếng Hán trong tiếng Việt chẳng hạn. Giáo sư nói vui với chúng tôi, người Việt Nam bắt chước rất giỏi. Những thứ gì mới lạ vào Việt Nam sẽ được cải biến ngay cho phù hợp với cách sống của người Việt. Phải chăng đây cũng là cách mà giới trẻ Việt Nam đang tiếp thụ những dòng văn hóa từ Mỹ, Hàn.

Câu chuyện làm tôi phải suy nghĩ về mình và các bạn đồng lứa , liệu họ có đang thực sự góp phần gìn giữ cho văn hóa Việt hay cải biên nó đến mức không còn nhận ra văn hóa mình. Dừng một lát suy nghĩ, giáo sư mời chúng tôi uống nước để chuẩn bị chuyển sang vấn đề tiếp theo. Như mọi lần vợ thầy mời chúng tôi uống nước. Tranh thủ chúng tôi chụp một vài kiểu ảnh lưu niệm nhà thầy. Thấy hai vợ chồng thầy chụp chung một tấm ảnh, tôi thất thật lạ bởi đến cái tuổi thất thập cổ lại hy mà họ vẫn còn giành cho nhau những quan tâm thật giản dị nhưng cũng rất đỗi chân thành. Tôi thầm ngưỡng mộ thầy một con người vốn trải qua không biết bao gian khó để có được như ngày hôm nay. Dù cuộc sống của một nhà khoa học chân chính không giàu sang như những người bạn thời cùng học với thầy, nhưng ông luôn có một cuộc sống tinh thần thoải mái, nhờ vậy mà tôi luôn nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của một người mà đã sang tuổi xế chiều. Thầy nói vui, cái số nó dắt tôi làm khoa học. Từ một anh lính đi Lào gần chục năm, thành thạo tiếng Lào rồi qua các khóa học bổ túc ngắn ông vào đại học chuyên ngành văn hóa ở trường Đại Học Xã Hội Nhân Văn, sau đó làm nghiên cứu sinh bên Nga và giờ trở thành một nhà văn hóa nổi tiếng. Chúng tôi nói vui cứ search Google cũng phải đến hàng nghìn bài viết về GS. Phạm Đức Dương.

Tiếp theo giáo sư giảng cho chúng tôi về Hà nội và các điểm di tích – đối tượng mà chúng tôi đang nghiên cứu như Cổ Loa và khu vực Hồ Hoàn Kiếm… Hà Nội theo giáo sư đã trải qua ba mốc giai đoạn: “ Thăng Long – Thủ Đô Văn Hiến ”; “ Hà Nội – Thủ đô anh hùng “; “ Hà Nội – Thành phố vì hòa bình”. Mỗi mốc giai đoạn đánh dấu một sự thay đổi lớn của thành phố.

Bắt đầu từ sự kiện vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư đến đất Đại La và đổi tên thành Thăng Long, khi thấy rồng bay lên. Đó là một truyền thuyết nhưng theo giáo sư thì đó là một cách người xưa kể lại lịch sử cho con cháu. Nếu phân tích truyền thuyết đó như một biểu tưởng thì xưa kia vua Lý Thái Tổ đã có “ Ý niệm ” đất nước sẽ phát triển như một con rồng đang bay lên. Điều này đến bây giờ mới dần sáng tỏ, khi bên cạnh chúng ta đã có nhiều con rồng đang cất cánh như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật bản… Như vậy từ năm 1010 vua Lý đã có tầm nhìn vượt thời gian mong muốn nước Nam sẽ vươn mình như một con rồng châu Á, sánh vai với các nước trên thế giới. Điều đó chúng ta sẽ làm được nếu phát huy đúng truyền thống hiếu học và khát vọng của ông cha.

Đến giai đoạn thứ hai, “ Thủ đô anh hung “, Hà nội đã trải qua những ngày máu lửa của chiến tranh, có thế nói chưa một thành phố nào có sức chiến đấu quả cảm và anh hùng như Hà nội với trận B52 – 12 ngày đêm, tử thủ Hà nội những ngày thực dân Pháp đến đánh phá. Tất cả minh chứng cho một thành phố anh hùng, với khát vọng hòa bình và đấu tranh đến cùng để thực hiện khát vọng đó.

Sau chiến tranh là thời kỳ xây dựng và khôi phục đất nước, người dân thủ đô là những người đi đầu cho phong trào xây dựng đất nước. Là một trong hai trung tâm văn hóa chính trị lớn của cả nước. Hà nội ngày nay còn được thế giới phong tặng danh hiệu “ Thành phố vì hòa bình”. Kết quả này là sự ghi nhận của thế giới về một thành phố thân thiện và cởi mở, thể hiện tinh thần sẵn sàng làm bạn với các nước trên thế giới. Đây là điểm mạnh mà du lịch Hà Nội cần đi sâu khai thác. Có bạn nước ngoài khi lần đầu đến Hà Nội đã “ Yêu “ ngay cái thanh bình và con người nơi đây, vốn được biết đến là “ Người Tràng An “. Giáo sư có kể câu chuyện khi ngày ngày ông quan sát nếp sống con người Hà Nội, cách họ “ Ăn ”, “ Mặc “ đều cho thấy sự tinh tế của người Hà Nội. Ông nói đùa “ Người Hà Nội đến luộng rau muống cũng ngon “.

Khi nói về Hồ Gươm ( Hồ Hoàn Kiếm ), giáo sư có nhắc lại cho chúng tôi truyền thuyết: “Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy”. Đây cũng là một hình tượng mà người xưa muốn nhắn nhủ đến con cháu. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, nhưng việc tiếp theo không phải dừng lại mà phải làm sao giữ hòa bình mãi mãi về sau này. Việc cần làm là phải xây dựng hòa bình bằng ngoại giao và trí tuệ. Minh chứng cho việc này là vua đã cho xây dựng Văn miếu và tháp bút với hàm ý mong muốn xây dựng một đất nước hòa bình ổn định, nhờ trí tuệ và các sách lược ngoại giao. Để làm được điều này cần có các nhân sỹ, hiền tài trên khắp cả nước. Họ sẽ là nguyên khí giúp cho quốc gia phồn vinh và phát triển.

Tôi hết sức ngỡ ngàng khi những câu chuyện tưởng như mình đã nghe đã đọc nhiều lần nhưng để hiểu hết nội dung bên trong thật không phải đơn giản. Nếu tôi không được giáo sư nói cho nghe những điều này chắc tôi, cũng như bao bạn khác chỉ biết về hồ Gươm qua những truyện kể mà không hiểu được cả một bầu nội dung đằng sau câu chuyện đó. Tôi tự thấy mình cần phải rút ra bài học, đó là phải đi sâu nghiền ngẫm các vấn đề biết đâu trong đó là hàm chưa một ý nghĩa sâu xa mà ta chưa khám phá ra.

“ Nghỉ giải lao đã “, thầy ngắt câu chuyện với một nụ cười và mời chúng tôi nghỉ trong ít phút. Đến nhà một giáo sư lớn tôi hiểu rằng đằng sau sự thành công của ông còn có một người luôn tần tảo chăm sóc ông để ông yên tâm nghiên cứu và công tác. Đó là người vợ hiền hậu – người mà giáo sư luôn nói là “ Ân nhân của cuộc đời tôi “. Tôi thật sự mến phục vợ chồng giáo sư, họ cư xử với nhau hết sức nhẹ nhàng và tình cảm. Điều mà hiện nay theo tôi ít khi thấy. Các cặp vợ chồng ngày nay đến với nhau nhanh để rồi chia tay rất sớm, tôi không biết khái niệm “vợ chồng đến đầu bạc răng long” có trong họ không, nhưng nhìn vợ chồng thầy tôi lại thấy cần phải thay đổi nếp nghĩ trong giới trẻ hiện nay về mối quan hệ trong gia đình. Đây là bài học mà tôi tình cờ học được từ giáo sư.

Bài giảng về du lịch Hà nội, cũng là bài giảng mà tôi mong chờ nhất. Trước khi đến đây tôi băn khoăn một câu hỏi: “ Làm thế nào để thay đổi cách làm du lịch ở Hà Nội hiện nay “.

Theo giáo sư, văn hóa Hà nội được tạo nên từ nhiều tầng văn hóa lịch sử, chồng xếp lên nhau .Bắt đầu từ các triều vua như Triệu, Đinh, Lý, Trần, Nguyễn và thực dân Pháp. Ông đồng tình với Nguyễn Trãi rằng vị vua đầu tiên của Việt Nam là Triệu Đà vì trong thời gian Bắc thuộc nhờ có ông cai quản mà nước ta được ổn định phát triển. Sau cùng là thời kỳ Pháp thuộc với văn minh công nghiệp vào nước ta, thực dân pháp đã biến một nước phong kiến thành một nước thuộc địa, mang theo đó là văn hóa từ Pháp. Đây là giai đoạn mà văn hóa Việt Nam tách khỏi tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc để có thể trở thành một Nhật Bản trong tương lai, với phong trào Đông Du mạnh mẽ. Nhưng chúng ta đã không thành công. Nhưng điều này khiến cho hai nền văn hóa Đông Tây như hòa với nhau, tạo cho chúng ta, đặc biệt là các du khách cảm nhận vừa quen vừa lạ. Chính điều này đã khiến du khách muốn đến và tìm hiểu về Hà Nội, và thật lạ họ càng tìm hiểu lại càng thêm yêu Hà Nội hơn, có du khách đã ở lại Hà Nội hàng chục năm chỉ để hiểu về sự kì lạ đó. Vậy mà những người làm du lịch không nhận ra những giá trị Hà Nội đang “ Tiềm Ẩn “ chờ cơ hội được khai thác.

Đại lễ 1000 năm sắp tới, Hà Nội – thành phố vì hòa bình đang chuẩn bị những công tác cuối cho ngày chào mừng đại lễ. Câu khẩu hiệu đó biết đâu lại là điểm đặc biệt tạo ấn tượng đến du khách. Chính sự bình dị của thành phố cùng con người nơi đây là sản phẩm đặc biệt nhất mà Hà Nội đang có. Đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi ban đầu của tôi, giáo sư đã nói: “ Cứ làm đúng như thế này thế nào cũng thành công “. Tôi cũng tin vào điều đó.

Cám ơn giáo sư và những gợi ý của ông đã làm tôi mở ra những hướng đi cho năm đề tài nghiên cứu du lịch chào mừng cho đại lễ 1000 năm sắp tới. Tôi nghĩ mình cũng phải làm một cái gì đó, dù nhỏ bé nhưng biết đâu sẽ góp phần cho Hà Nội đẹp hơn, thân thiện hơn và đặc biệt để lại ấn tượng tới bạn bè thế giới.

Chuyến đi của tôi thật bổ ích phải không nào, một lần nữa xin cám ơn giáo sư và câu lạc bộ Du Lịch Xanh – Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững ( STDe ) đã tạo cơ hội cho chúng tôi được tiếp xúc với một nhà văn hóa lớn. Những kiến thức trên đây tôi muốn chia sẻ với các bạn với những dòng cảm nghĩ của riêng mình về GS Văn hóa. Phạm Đức Dương.

Trần Hoàng Hà - thành viên CLB DU LỊCH XANH

Hà nội 07/2010

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: