Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Tọa độ check-in siêu hot: Một ngày hóa thân thành Ninja tại công viên Naruto Tọa độ check-in siêu hot: Một ngày hóa thân thành Ninja tại công viên Naruto
Khám phá những công viên giải trí thú vị nhất hành tinh Khám phá những công viên giải trí thú vị nhất hành tinh
Xem Tiếp...
PHÁT TRIỂN DU LỊCH THIỀN Ở VIỆT NAM
Phát triển du lịch thiền ở Việt Nam
Hiện nay, triết lý sống và tư duy thiền đang trở thành một trào lưu lan tỏa rộng tại một số nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á. Đặc biệt, tại các quốc gia công nghiệp phát triển, ngày càng có nhiều người coi việc tham gia vào các loại hình nghệ thuật mang tính thiền, hay các chương trình du lịch thiền là những hoạt động thiết yếu để giúp họ tiết giảm được áp lực của cuộc sống thường ngày và làm thanh tịnh tâm hồn.

Đây cũng chính là lý do mà một vài năm gần đây, loại hình du lịch thiền đã thu hút được lượng khách rất lớn, mang lại cho một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… những nguồn thu khổng lồ. Điều này gợi mở một hướng mới giúp du lịch Việt Nam có thể làm gia tăng tính hấp dẫn của các điểm đến, mở rộng các hoạt động nhằm phục vụ phát triển du lịch thiền, tiến tới xây dựng các chương trình du lịch chuyên biệt mang tính Thiền. Hướng nghiên cứu này chắc chắn sẽ mang lại kết quả tích cực bởi lẽ việc phát triển du lịch thiền sẽ không chỉ góp phần làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm du lịch của Việt Nam mà còn là cách để bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị của những di sản văn hóa truyền thống có liên quan đến phật giáo.

 

 

 

THIỀN VÀ TRIẾT LÝ SỐNG THEO ĐẠO THIỂN

 

Thiền là một tông phái thuộc phật giáo Đại Thừa, khởi nguyên từ một phương pháp tu tập của Ấn Độ giáo và được phật tổ Thích Ca Mâu Ni sử dụng như một cách thức tư duy để chứng nghiệm chân lý. Thế kỷ 6, vị tổ thứ 28 của phật giáo là Bồ Đề Đạt Ma khi truyền đạo phật từ Ấn Độ sang Trung Hoa đã đưa phép thiền theo. Tại đây, phép thiền và triết lý phật giáo đã hấp thụ nền văn hóa Trung Hoa, kết hợp với những tư tưởng của đạo giáo trở thành một tông giáo lớn.

 

Tới thời Đường và đầu thời Tống, thiền không chỉ là một tôn giáo phổ biến mà còn trở thành một triết lý sống có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội Trung Hoa. Đây cũng là thời kỳ thiền tông được truyền sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam (mặc dù trước đó, từ thế kỷ 6, thiền tông đã được truyền sang Việt Nam từ Ấn Độ, nhưng thiền tông Trung Quốc thì phải tới thời kỳ này mới được phổ biến tại Việt Nam).

 

Khi được truyền sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, thiền tông nhanh chóng được nhiều người theo. Nhiều dòng thiền mới được thiết lập. Lúc này, thiền đã trở thành một lối tư duy, một triết lý sống có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

 

Cốt lõi của triết lý sống thiền là dựa trên quan điểm về sự hướng nội của mỗi cá nhân. Sống theo triết lý thiền là sống với “cái thực tại”, bỏ đi những căng thẳng, lo âu của quá khứ và tương lai, tập trung vào hiện tại, vào hoạt động đang làm. Hiện nay, giá trị của triết lý sống thiền đã được các nhà tâm - sinh lý học hiện đại chứng minh: thiền giúp người ta rèn luyện nội tâm, làm chủ các cảm xúc, thư giãn tuyệt đối, từ đó có thể điều chỉnh dòng ý thức và tập trung tư tưởng vào công việc đang làm. Thiền cũng thúc đẩy các cá nhân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động mang tính thiền định, giúp con người thoát khỏi những căng thẳng của đời sống thường ngày, tìm ra được những điều chân, thiện, mỹ của thế giới và từ đó có thái độ tốt đẹp hơn với với cuộc sống, với thiên nhiên và với con người.

 

DU LỊCH THIỀN VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THIỀN CỦA VIỆT NAM

 

Một số nhà làm du lịch đã tổ chức các chương trình du lịch khai thác các giá trị tốt đẹp của thiền. Họ gọi các chương trình kiểu này bằng rất nhiều tên gọi khác nhau: Zen tour (tour thiền), Spiritual tour (tour tâm linh)... Nội dung của các chương trình này là tổ chức cho khách tham quan các thiền viện, các công trình kiến trúc thiền, tham gia vào cuộc sống, sinh hoạt giống như các thiền sư, thưởng thức, chiêm ngưỡng, cảm nhận những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật thiền như cắm hoa, trà đạo, bonsai, ngắm hoa, ẩm thực, họa thiền... Khách du lịch trong suốt thời gian tham gia chương trình sẽ hoàn toàn được tách ra khỏi cuộc sống căng thẳng thường ngày. Họ được học, được hiểu về thế giới thiền. Các chương trình du lịch đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách du lịch. Ngoài ra, người ta cũng thấy bóng dáng của một số hoạt động thiền trong các chương trình du lịch thông thường. Ví dụ như trong một hành trình đi bộ (hiking) thông thường, du khách có thể viếng thăm các khu rừng lá đỏ, ngồi lặng lẽ trong các am cỏ, nghe suối chảy róc rách, lắng nghe hơi thở của mình. Hoặc sau một hành trình dài tham quan các ngôi chùa, leo núi, ngắm cảnh, khách du lịch sẽ được ngồi tĩnh lặng bên cạnh những gốc anh đào, uống rượu và ngắm hoa nở.

 

Số liệu thống kê của Tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản cho thấy, hàng năm, nhờ vào việc tổ chức cho khách du lịch tham gia vào các chương trình du lịch thiền, ngành du lịch Nhật Bản đã thu tới 30 tỷ USD. Các chương trình kiểu này đặc biệt thu hút khách du lịch của các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á, mặc dù giá của các tour này đều đắt hơn so với các chương trình du lịch thông thường khác. Tiếp sau Nhật Bản, các nhà làm du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đã bắt tay vào tổ chức loại hình du lịch Thiền và đều thành công. Hiện nay, Trung Quốc nổi tiếng với chương trình du lịch tham quan, tập võ sinh và tìm hiểu về cuộc sống của các thiền sư Thiếu Lâm. Thái Lan thu hút khách du lịch thiền thông qua chương trình “Thailand Zen tour” (đã được Công ty Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn giới thiệu tại Việt Nam).

 

Ở Việt Nam, loại hình du lịch này hầu như chưa được quan tâm đầu tư nghiên cứu phát triển, mặc dầu, có thể thấy rõ tiềm năng để phát triển du lịch thiền của chúng ta là rất lớn.

 

 

 

Về tài nguyên:

 

Việt Nam là đất nước thiền tông được truyền vào từ rất sớm. Dòng thiền tu thứ nhất trong lịch sử phật giáo Việt Nam do nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền sang. Ông là người Ấn Độ, qua Trung Quốc rồi đến Việt Nam truyền đạo tại chùa Dâu (Bắc Ninh) vào năm 580. Dòng thiền tu thứ hai do Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc truyền sang vào năm 820 tại chùa Kiến Sơ (Hà Nội). Dòng thiền thứ ba do Thảo Đường, người Trung Quốc, vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành và được vua Lý Thánh Tông giải phóng khỏi kiếp nô lệ và cho truyền đạo tại chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc - Hà Nội) vào năm 1069. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ, đã thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó ở Việt Nam và lập nên thiền phái Trúc Lâm.

 

Tư tưởng cơ bản của các dòng thiền Việt Nam rất phù hợp với triết lý sống thiền, tư duy thiền của thời hiện đại. Các dòng thiền Việt đều tập trung đề cao cái “tâm”, cho rằng “phật tại tâm”, đạt “chân tâm” ấy là tới Niết Bàn.

Chính vì xuất hiện từ rất sớm và tồn tại khá lâu ở Việt Nam nên các triết lý thiền tông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa của người Việt. Chùa chiền và các công trình thiền giáo được xây dựng trên khắp cả nước. Theo thống kê hiện nay ở Việt Nam có khoảng gần 120 thiền viện. Trong đó có những ngôi chùa thiền nổi tiếng đã được đưa vào các chương trình du lịch như: chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bà Đá, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Bích Động (Ninh Bình), Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu (Thừa Thiên - Huế), Từ Ân,  Giác Lâm, Giác Viên (TP. Hồ Chí Minh)…

 

Không những thế, lối ứng xử và các giá trị văn hóa, nghệ thuật của người Việt Nam đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của tư duy thiền, của triết lý thiền. Chúng ta có cả một hệ phái thơ thiền rất nổi tiếng và cũng có rất nhiều tác phẩm tranh thiền, tượng thiền độc đáo. Đặc biệt, chúng ta có rất nhiều loại hình nghệ thuật chịu ảnh hưởng của triết lý thiền như nghệ thuật thưởng trà, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật sắp đặt vườn nhà, nội thất, nghệ thuật gốm méo, môn võ thái cực trường sinh đạo. Những loại hình nghệ thuật này đều là cơ sở để phát triển thành du lịch thiền phục vụ du khách.

 

 

Về nguồn khách

 

Hiện nay, nhu cầu tham dự các chương trình du lịch mang tính thiền tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... là rất lớn. Trong khi đó, mới chỉ có một vài quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan quan tâm phát triển loại hình du lịch này. Đây chính là một điều kiện rất thuận lợi về nguồn khách quốc tế đối với Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nguồn khách nội địa rất lớn cho phát triển du lịch thiền. Ngày càng có nhiều khách du lịch đặc biệt là cư dân của các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp thương mại, có nhu cầu muốn tham gia vào các hoạt động Thiền nhằm giải tỏa bớt những căng thẳng của cuộc sống công nghiệp hóa, đô thị hóa. Bởi thế mà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các quán Cà phê Thiền (Zen Café), Trà Thiền (Zen Tea), Công viên Thiền (Zen Park), hay các Zen spa trong một số khách sạn lớn luôn thu hút được một lượng rất đông khách tham gia thường xuyên.

 

 

Hy vọng trong tương lai, du lịch thiền Việt Nam sẽ được quan tâm nghiên cứu chuyên sâu để có thể phát triển đúng hướng, làm sao vừa tận dụng được những thế mạnh sẵn có về tài nguyên, về môi trường vừa tạo nên những sản phẩm du lịch thiền mang đặc trưng của Việt Nam, thể hiện dấu ấn văn hóa thiền Việt Nam. Đây là một trong những cách góp phần làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm du lịch của Việt Nam, đồng thời cũng là cách để giới thiệu những nét đặc trưng của văn hóa, con người Việt Nam với thế giới./.

 

                                                  ĐÀO MINH NGỌC

                                              Khoa Văn hóa Du lịch

                                      Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh
(Nguồn: www.vtr.org.vn)
 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: