Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland
Xem Tiếp...
NHÌN MƯA BẰNG ĐÔI MẮT KHÁC

Khi mưa Huế được nhìn bằng đôi mắt khác, những bất lợi có thể trở thành cơ hội cho thành phố festival này và những cánh cửa mới cho ngành du lịch có thể nhờ vậy mà được mở ra.

 

Mưa có thể thành sản phẩm du lịch độc đáo của Huế

Điều kiện tự nhiên bất lợi luôn luôn là nỗi ám ảnh đối với bất kỳ điểm du lịch nào ở VN. Với cách nhìn thông thường, mưa Huế là một hiện tượng thiên nhiên rất bất lợi, vì vào mùa mưa lụt, số lượng khách đến Huế sụt giảm, gây thất thu nhiều cho du lịch Huế.

 

Các nghệ sĩ của Nga biểu diễn trong mưa Huế
(ảnh chụp vào đêm khai mạc Festival Huế 2010) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hãy nhìn mưa Huế dưới những khía cạnh khác sẽ thấy rất nhiều giá trị tiềm ẩn từ mưa mà từ trước đến nay chúng ta chưa khai thác. Những cơn mưa triền miên lại là một phần không thể thiếu trong bức tranh trầm mặc, hoài cổ của cố đô. Mưa Huế là nguồn cảm hứng vô tận đối với những người làm nghệ thuật, kích thích đời sống nội tâm của con người (hoài niệm, chiêm nghiệm, triết lý). Mưa làm các hoạt động vui chơi ngoài trời bị chậm lại, thì lại giúp các hoạt động giải trí trong nhà phát triển, tạo điều kiện cho khách du lịch giao lưu, chia sẻ và gần gũi nhau hơn. Mưa nhỏ thích hợp với nhu cầu tĩnh tâm, thiền định, thưởng thức âm nhạc, thơ ca, uống trà hay cà phê...

Trên cơ sở phân tích nhiều khía cạnh thuận lợi từ mưa Huế, các chuyên gia nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đã bước đầu đề xuất một số ý tưởng về hệ thống sản phẩm du lịch có thể khai thác thích ứng với mưa. Đó là tổ chức các tuyến, điểm du lịch tham quan phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan cố đô Huế trong những ngày mưa.

Các tuyến đi dạo dọc sông Hương với nhiều điểm ngắm mưa lý tưởng như đồi Vọng Cảnh, lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn), đỉnh núi Ngự Bình, tầng cao các khách sạn dọc sông Hương... Xây dựng các điểm dừng trú mưa trên các tuyến đường đi dạo với phong cách kiến trúc phù hợp với cảnh quan của thành phố di sản.

Cần quy hoạch và thiết kế hệ thống khách sạn và quán cà phê mang chủ đề về mưa. Các không gian để ngắm mưa, nghe mưa và thưởng thức nhiều giá trị tinh tế khác của mưa cần phải trở thành chủ đề trong việc thiết kế nội ngoại thất của các khách sạn và quán cà phê theo phong cách lãng mạn Huế. Cũng nên phát triển mạnh các loại hình vui chơi giải trí trong nhà như biểu diễn thơ ca, âm nhạc, triển lãm, giao lưu văn hóa thông qua các lớp dạy nấu ăn, dạy vẽ tranh...

Khai thác hệ thống chùa và nhà vườn ở Huế để trở thành các không gian lý tưởng cho du khách có nhu cầu tĩnh tâm, thiền định trong những ngày mưa, đồng thời tổ chức hệ thống nhà hàng phục vụ các món ăn phù hợp với ngày mưa. Mưa sẽ giúp khách du lịch có thêm thời gian để thưởng thức sự tinh tế của các món ăn cầu kỳ của Huế.

Bên cạnh đó là thiết kế, tạo dáng đa dạng và hấp dẫn cho các loại hàng hóa và đồ lưu niệm mang đặc thù mưa Huế như nón, ô, áo mưa..., thiết kế, tạo dáng cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch mang đặc thù của mưa Huế như xích lô, thuyền rồng...

Đối với chính quyền Thừa Thiên - Huế, để các sản phẩm dịch vụ du lịch từ mưa mà chúng tôi nêu ra trên đây được xâu chuỗi bài bản thành một hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và có chất lượng cạnh tranh cao, UBND tỉnh cần nhanh chóng xây dựng một đề án nghiên cứu tổng thể để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù này. Tránh tình trạng phát triển manh mún, không hiệu quả do thiếu tri thức, thiếu tầm nhìn và thiếu sự phối hợp liên kết đồng bộ giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý và cộng đồng dân cư.

TS NGUYỄN THU HẠNH
(chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững)

Khám phá Huế trong mưa

Miền Trung vào mùa mưa đồng thời là mùa cao điểm của ngành du lịch khi nhiều du khách nước ngoài bắt đầu kỳ du lịch nghỉ đông. Và Huế với những cơn mưa “bay trên tầng tháp cổ” vẫn đang hớp hồn nhiều du khách theo đúng yếu tố “tĩnh” vốn có của miền sông Hương núi Ngự.

Để tạo sức sống cho hành trình đến Huế, nhiều công ty lữ hành đã tìm cách lồng ghép các hình ảnh động xung quanh sự trầm mặc của những đền đài, lăng tẩm... mà tour đi qua. Đôi khi chỉ là một trận đá gà, một lớp biểu diễn võ thuật của các em khuyết tật hay một màn trình diễn thư pháp... Đa dạng hơn là sự lồng ghép giữa điểm mạnh du lịch văn hóa Huế và sự sống động của các yếu tố bổ trợ như tour du lịch cùng thuyền kayak với hành trình từ sông Hương xuôi về làng hoa giấy Thanh Tiên, đến làng Sình làm tranh thờ cúng hay tour ngắm hoàng hôn trên sông Hương.

Ra khỏi thành phố thì có tour khám phá Tam Giang lồng ghép các hoạt động văn hóa như múa truyền thống... của một làng quê ven phá và những sinh hoạt hằng ngày của người dân trên phá rộng lớn nhất Đông Nam Á này.

Hôm nay, cùng người bạn tham gia một tour du lịch trong mưa cùng đoàn du khách đến từ Vương quốc Anh, tôi thật sự có cái nhìn khác về hình ảnh tĩnh của du lịch Huế. Đoàn du khách mặc áo mưa mỏng đủ màu xanh đỏ tím vàng, tay cầm dù, tay máy ảnh hào hứng đi chơi Huế trong cơn mưa rả rích. Tranh thủ chộp vài bức ảnh Huế trong mưa, cô bạn người Anh Elina trầm trồ: “Cứ như một bức tranh thủy mặc!”.

Dù trời mưa tầm tã nhưng chiếc xe của chúng tôi vẫn dừng không biết bao nhiêu chỗ để du khách nhìn ngắm và chụp ảnh lưu niệm. Trong cơn mưa lất phất đặc trưng của Huế, Đại Nội, Phu Văn Lâu, quảng trường Ngọ Môn cùng bàng bạc một sắc màu cổ kính và đầy kiêu hãnh. Những con đường rợp bóng cây xanh của Huế bỗng trở nên cao vời vợi, xa thẳm giữa không gian đặc quánh một màu sắc rêu phong. Trên dòng sông Hương, những con thuyền mưu sinh chơi vơi giữa dòng nước cho đến những căn nhà nằm ven con sông Bao Vinh trong màn mưa bay phút chốc cũng trở nên thi vị lạ thường.

MINH HẠNH (nhân viên du lịch)

Mưa không phải là bất lợi của Huế

Chuyện ngập lụt tại những vùng đất thấp có vẻ là việc hằng năm đều xảy ra trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 11, nên nó thật sự không ảnh hưởng mấy đến hình ảnh du lịch của điểm đến.

Để đối mặt với thực tại rằng Huế có thời tiết bất thường từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, Huế phải suy nghĩ lại về chiến lược du lịch của mình. Du lịch Huế lấy cảm hứng từ văn hóa và đây là thời điểm để suy nghĩ lại về văn hóa, xã hội nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch phù hợp, nên nghĩ đến việc thêm vào các dịch vụ vui chơi giải trí và du lịch biển, ít nhất là sáu tháng trong năm.

Ngoài ra cần phải cải thiện tiêu chuẩn chất lượng của các cơ sở, dịch vụ và các điểm thu hút du khách lên tầm tiêu chuẩn quốc tế. Quê tôi ở Heidelberg (Đức) có vị trí, dân số, văn hóa và lịch sử giống hệt Huế, tuy ít hơn về công nghiệp và nhiều trường đại học hơn. Nhưng Heidelberg đã rất thành công trong việc quảng bá ngành du lịch như ngành công nghiệp chính của thành phố, mặc dù nơi đó cũng mưa rất nhiều.

Mưa không phải là một bất lợi của Huế, vì nó thêm vào một đặc điểm nữa cho điểm đến của du khách. Sự bất lợi có thể vượt qua khi có một sản phẩm du lịch thú vị và việc quảng bá một cách chuyên nghiệp về hình ảnh điểm đến đó. Tôi đã và đang đề xuất những ý kiến về việc phát triển du lịch đến các cấp chính quyền ở Huế.

Các đề xuất của tôi là tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp; phát triển một khu vui chơi giải trí tại Vỹ Dạ lấy cảm hứng từ Clarke Quay của Singapore; phát triển các bảo tàng tương tác nhằm cung cấp một khóa học ngắn hạn về văn hóa và lịch sử của Huế cho du khách Việt Nam và nước ngoài; thiết lập một cơ quan chuyên về hội nghị ở Huế nhằm thúc đẩy chương trình MICE (du lịch kết hợp hội họp, triển lãm) đến với thế giới; hợp tác với Tổng cục Du lịch để có một gian hàng Huế thật ấn tượng tại các hội chợ thương mại du lịch quốc tế; tổ chức sự kiện vui chơi giải trí...

Huế đã có sẵn một Festival Huế mà nếu được tiếp tục phát triển và quảng bá tốt sẽ trở thành một điểm thu hút du lịch rất lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng đường sá, hệ thống thoát nước ở TP Huế cũng cần được nâng cấp. Những điều trên đây chỉ là một vài điểm để cho Huế duy trì được hình ảnh là một điểm đến ưa chuộng.

Huế luôn luôn và sẽ luôn luôn có mưa. Mưa rất quan trọng để nuôi sống những dòng sông, hệ động thực vật. Mưa là điều thiết yếu cho cuộc sống theo như nhận thức của người dân. Mưa là một phần của kinh tế - xã hội và sẽ luôn như vậy. Nếu Huế muốn tận dụng lợi thế của mưa thì chiến lược phát triển cần phải được xem xét lại và điều chỉnh cho phù hợp.

Ông PAUL STOLL
(tác giả của dự án “Con đường di sản thế giới” tại miền Trung)

 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: