Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN" ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC LIÊN NGÀNH" TỌA ĐÀM "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN: GÓC NHÌN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC..
"CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH "CHỮA LÀNH VỚI THIÊN NHIÊN": GÓC NHÌN TỪ KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Thành phố cô đơn nhất Trung Quốc sở hữu vô vàn cảnh đẹp say đắm lòng người Thành phố cô đơn nhất Trung Quốc sở hữu vô vàn cảnh đẹp say đắm lòng..
Hòn đảo tặng dê miễn phí cho bất kỳ du khách nào bắt được Hòn đảo tặng dê miễn phí cho bất kỳ du khách nào bắt được
Xem Tiếp...
MƯA HUẾ: "ĐẶC SẢN" DU LỊCH?
TTCT - Ở xứ Huế có thứ mưa dầm dề “thối đất thối trời”, một thuộc tính tự nhiên bất biến không thể dời đổi. Và người Huế đang nghĩ về sự thuận hòa với đất trời, để sống và làm ăn chủ động hơn, ví như chuyện biến mưa Huế thành một thứ “đặc sản” của ngành du lịch...

Huế nghèo vì mưa?

 

Học sinh Huế đi học trong mưa dầm - Ảnh: Trương Vững

Dãy Trường Sơn chạy song song bờ biển, đến Thừa Thiên - Huế đột nhiên rẽ một nhánh đâm ngang ra biển Đông, tạo thành một bức tường thiên nhiên hình vòng cung kéo dài từ A Lưới - Nam Đông - Bạch Mã - Hải Vân, chắn ngang hướng thổi của gió mùa đông bắc. Không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống bị bức tường này chặn lại, tạo thành những đám mây dày đặc hơi nước dồn tụ suốt mùa đông, lưu trú ở đây gần như quanh năm suốt tháng.

Đó là lý do khiến Thừa Thiên - Huế là vùng có lượng mưa trong năm cao nhất (2.700-4.000mm), số ngày mưa cũng kéo dài nhất (200-220 ngày) và tất nhiên độ ẩm cao nhất nước (83-87%). Ngay lúc này, khi cả nước đang vào mùa khô hanh, thậm chí miền Bắc và Tây nguyên đang khô hạn, thì Huế lại đang trầm mình trong những cơn mưa dầm dề lạnh buốt và còn kéo dài đến hết tháng 4.

Mỗi năm hai mùa: mưa và ít mưa

Sách Địa chí Thừa Thiên - Huế (NXB Khoa Học Xã Hội, 2005) cho biết chế độ mưa của Thừa Thiên - Huế mang nhiều đặc điểm khác hẳn với Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Nếu khí hậu cả nước đều chia thành hai mùa khô và mưa thì vùng lãnh thổ Thừa Thiên - Huế chỉ có hai mùa: mưa và ít mưa.

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 với những cơn mưa xối xả, gây ngập lụt kinh hoàng và kéo dài đến khoảng cuối tháng 12 với cơn mưa dầm lê thê. Khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh (thường là sau 23-10 âm lịch), mưa không còn ào ạt mà chuyển sang dầm dề ngày này sang ngày khác, tháng nọ qua tháng kia và có năm đến 43 ngày không thấy mặt trời (mùa đông 2007).

Mưa dầm kéo dài từ khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau thì tiếp nối bằng những cơn mưa dông mùa hạ sấm chớp đùng đùng. Mùa hè đến với những cơn nắng gay gắt (do Thừa Thiên - Huế cũng nằm trong vùng bức xạ nhiệt dồi dào và nền nhiệt cao), dân gian gọi là “nắng bể đầu”, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn là có thể xảy ra lũ lụt. Dân gian Huế đã truyền tụng hai câu thơ bất hủ về đất trời xứ Huế: Tứ thời giai hạ thị - Nhất vũ biến vi đông (Bốn mùa đều là mùa hạ - Chỉ một cơn mưa là biến thành mùa đông).

Cũng theo Địa chí Thừa Thiên - Huế, trung bình mỗi năm ở vùng núi có từ 200-220 ngày mưa, ở đồng bằng có 150-170 ngày mưa. Cao điểm mùa mưa, mỗi tháng mưa đến 24 ngày. Đó chính là những tháng mưa dầm dề não nề như lúc này, riêng tháng 11 năm nay đã mở màn bằng 19 ngày mưa liên tục. Mùa nào ít mưa thì cũng có từ 8-15 ngày mưa mỗi tháng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Thừa Thiên - Huế, cho biết lượng mưa trung bình của toàn tỉnh là 2.700mm. Khu vực núi Bạch Mã - Hải Vân là trung tâm mưa lớn nhất nước (hơn 4.000mm).

Riêng năm 1980, ở Bạch Mã mưa đến 8.664mm (bằng lượng mưa trung bình ba năm cộng lại). Mưa Huế cũng đạt cường độ vào loại dữ dội nhất, lượng mưa lớn nhất trong ngày khoảng 970mm (năm 1999), vượt khá xa so với quy phạm thiết kế về lượng mưa là 770mm/ngày (tham số để thiết kế các công trình xây dựng).

Cá biệt chỉ trong 24 giờ (từ 6g ngày 2 đến 6g ngày 3-11-1999), lượng mưa tại vùng Truồi (huyện Phú Lộc) đã lên đến 1.630mm, bằng lượng mưa của gần tám tháng, gây nên trận đại hồng thủy lịch sử năm 1999.

Kỹ sư Nguyễn Việt, một chuyên gia Huế về khí hậu học, cho biết Huế chính là nơi chuyển tiếp của hai vùng khí hậu Bắc - Nam. Hình ảnh có thể thấy rõ nhất là vào mùa đông, khi cửa hầm đường bộ Hải Vân phía nam (Đà Nẵng) khô ráo thì cửa hầm phía bắc (Lăng Cô) lúc nào cũng ướt dầm dề. Xe vừa ra khỏi cửa hầm là đụng phải màn mưa mù mịt. Nếu đứng trên đỉnh Hải Vân nhìn qua phía bắc sẽ thấy từng đám mây trùng trùng kéo lên, trong khi phía nam trời quang mây tạnh.

Mưa Huế: “đặc sản” hay “lực cản”?

Hơn 40 năm trước, tôi đã nghe bà nội than thở: “Mưa mãi như ri thì lấy chi mà ăn?”. Nay tôi vẫn nghe mẹ tôi ta thán: “Mưa chi mà mưa mãi mưa miết!”. Suốt mùa đông, ruộng đồng bỏ không, nhà nông ngồi bó gối và ăn dần những hạt lúa dự phòng. Việc kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp bị chậm lại, thậm chí đình đốn cả tháng trời, nhất là các doanh nghiệp chuyên về xây dựng, giao thông. Báo cáo tổng kết mỗi năm của Thừa Thiên - Huế vẫn thường thấy nhắc đến khó khăn của thời tiết, mà chủ yếu là mưa gió bão lụt làm ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh.

“Cả tháng rồi tui đạp xích lô chỉ được 70.000 đồng, trời mưa mời ai người ta cũng không đi. Người ta chọn taxi, xe ôm đi cho đỡ ướt, lại mau. Có nhiều mùa mưa dầm dề hai ba tháng, lạnh cắn móng tay không ra máu cũng phải ra đường. Không ra thì đói cả nhà. Dạo ni mưa có đỡ hơn, không như mấy chục năm trước, nhưng cũng kéo dài đến tháng rưỡi. Nhưng đó là chuyện của ông trời, than vãn cũng rứa thôi” - ông Nguyễn Văn Trắc (85 tuổi, làm nghề đạp xích lô ở chợ Bến Ngự, TP Huế) nói.

Trong khi đó, giới văn nghệ sĩ lại xem mưa Huế như một quà tặng đặc biệt của đất trời. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã viết: “Mưa Huế là một cách chơi đàn của trời (thiên vũ cầm), phép cộng của những sự va đập tinh tế và vô thường. Có lúc lặng lẽ như tiếng nói thầm trên mái lá, có lúc xa xôi như một câu chuyện xưa, hay có lúc cười nắc nẻ. Mưa Huế bí ẩn như một con người”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói đại ý rằng: phải ngắm Huế trong màn mưa mờ ảo mới thấy tận cùng nội tâm của người Huế. Nhà thơ Phùng Quán đã dành hẳn một chương trong truyện thơ Trăng hoàng cung để viết về mưa Huế: “Ôi cái mưa khùng điên - Mưa không còn biết gì tới chừng mực!”, khiến: “Nắng thì bùn hóa đá - Mưa thì đá hóa bùn”.

Với các họa sĩ, mưa Huế vừa là cảm hứng vừa là nỗi nhọc nhằn. Tranh lụa, sơn dầu, màu nước, tranh giấy và cả sơn mài dễ bị mốc, bong tróc, hư hại trong mùa mưa và cả sau mưa do độ ẩm không khí quá cao. Các tác phẩm lụa của Tôn Thất Đào được xem là quý hiếm nhưng gần như hư sạch, nhiều tranh đẹp của họa sĩ Huế danh tiếng bị hỏng. Mưa cũng ngăn cản việc vẽ ngoài trời...

Nhưng “cấu trúc, sự nhòe mờ không ranh giới trong tranh tôi là ảnh hưởng vô thức của mưa Huế. Nhiều nghệ sĩ khác của Huế cũng vậy, mưa Huế cũng là chất xúc tác cho sáng tác, gợi liên tưởng tạo hình. Không có những đợt mưa dai dẳng, Huế lúc đó sẽ không còn là Huế nữa” - họa sĩ Võ Xuân Huy - giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế - chia sẻ. Âm nhạc cũng vậy, đây có lẽ là lĩnh vực thừa hưởng nhiều nhất cảm hứng do mưa Huế mang lại, giai điệu thiết tha sâu lắng đặc trưng của âm nhạc Huế rất gần với âm thanh trầm buồn của những cơn mưa dầm xứ này. Và đó chính là “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”, làm mê đắm du khách gần xa.

Vậy thì mưa Huế có phải chỉ là nỗi niềm nghèo khổ của Huế hay không?

 

Người xưa đã có nhiều cách để thích nghi

Hệ thống các hành lang, cầu có mái che trong kiến trúc cung đình của Huế đã phát huy tối đa tác dụng dưới thời tiết mưa dầm dề. Đó chính là cách sống thích nghi với thời tiết của người Huế xưa. Mưa dầm xứ Huế thường đi liền với gió và lạnh, chính những yếu tố tự nhiên này đã tạo ra phong cách sống của người Huế, đó là xem trọng mái ấm gia đình, một nếp sống hướng nội, kín đáo.

Với ẩm thực Huế, khi nhìn vào khối lượng của những ấm, chén, khay trà, dụng cụ hỏa thực... chúng ta càng thấy sự hình thành khá rõ nét một phong cách riêng phù hợp với điều kiện mưa dầm gió lạnh triền miên của vùng đất này. Đó chính là sự thích ứng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” của người Huế.

Ông HỒ TẤN PHAN
(nhà nghiên cứu văn hóa Huế)
 

Ước chi có giống cây chịu được mưa dầm

“Ông trời xứ Huế mình chắc nghiệt hơn xứ khác. Tui nhớ có năm mưa suốt ba tháng liền, từ tháng 8 (âm lịch) đến hết tháng 10. Mùa mưa cũng là mùa mà nông dân Huế xuống đồng cho vụ đông xuân. Có năm tui mặc chiếc tơi lùa trâu ra đồng cày nhưng lùa mãi hắn không đi, trời lạnh quá chân trâu cũng đánh lập cập. Người Huế có câu “Bầu tháng chín, bín (tức là bí) tháng mười”, tức tháng 9 (âm lịch) thì trồng bầu, tháng 10 trồng bí để ra giêng, hai mà chống đói. Mưa dầm lạnh buốt trồng khoai thì khoai lùn, trồng rau thì đỏ lá. Mưa kéo dài nhìn ruộng lúa mà chảy nước mắt, lúa lên khoảng hai tấc là vàng lá. Như vụ lúa vừa qua, mưa kéo dài cả tháng nên ba sào rưỡi ruộng của tui chỉ thu được 700kg lúa.

Để tránh mưa, gần chục năm nay tui chuyển qua sạ giống lúa ngắn ngày hơn. Từ khi sạ đến khi gặt là ba tháng mười ngày, trước đây thì bốn tháng mười ngày, rứa mà có khi sạ xuống gặp mưa, lúa cũng không lên nổi. Sạ xong mẻ lúa, trồng xong luống rau là ngồi chắp tay cầu trời. Ước chi có giống lúa, rau màu chịu được mùa mưa dài lê thê ở Huế.

Ông CHÂU SONG
(78 tuổi, nông dân ở thôn Ngũ Đông, phường An Đông, TP Huế)

 


Chuyên đề Tuổi trẻ cuối tuần (tuoitre.vn)

Ý kiến bạn đọc:
Thiết kế sản phẩm du lịch Mưa phùn xứ Huế.

Một tô cháo bánh canh cua hay một tô cháo bò thật nóng ăn vội trong một sáng mùa đông mưa dầm gió bất. Chỉ nghĩ đến hình ảnh đó thôi là tôi đã muốn bỏ hết mọi công việc để chạy nhanh về với Huế của tôi trong những ngày đông này rồi.

Với sự phát triển du lịch ồ ạc thiếu quy hoạch đã phá vỡ cảnh quan thơ mộng của Huế. Trong những chiều mùa đông mà được ngồi nhắp cà phê ở "Sông xanh" nhìn mưa lất phất trong tư thế co ro thì tuyệt diệu biết bao. Mưa dầm ở Huế tuy kéo dài nhưng không lớn, những lúc có chuyện buồn có thể thả bộ trong mưa qua những con đường "Hàng muối" hay "Phượng bay" để gặm nhắm nổi cô đơn trong cái lạnh và mưa phùn để tình yêu với Huế nâng lên một tầm mới, để không bao giờ quên được Huế. Ý tưởng nâng mưa Huế lên thành một sản phẩm du lịch phục vụ cho việu phát triển kinh tế xã hội của Huế rất hay, tuy nhiên xin các nhà quản lý cần nghiên cứu thật kỹ, quan trọng là tính đồng bộ trong cảnh quan tự nhiên, kiến trúc, con người và thiên nhiên của Huế.


Như Trung
Sản phảm du lịch Mưa Huế...

Huế không có hiện tượng „nhất vũ“ nào cả mà chỉ có mùa xuân mưa bấc, mùa hạ mưa giông, mùa thu mưa ngâu, đầu đông mưa lũ, cuối đông mưa dầm. Huế lại càng không co tứ thời giai thị hạ“ mà lại có bốn mùa rõ rệt : Xuân xanh, hạ trắng, đông xám, thu vàng. Đừng nghe nói về Huế, cứ sống một giờ với Huế. Ngôn ngữ tuyệt vời nhất dành cho Huế là im lặng và cảm nhận. Nhìn Huế qua ống kính nhiếp ảnh, hiểu Huế qua chữ nghĩa sẽ chỉ thấy màu phôi pha và nghe tiếng thở dài của thành quách rêu phong.

Mưa, một hiện tượng thiên nhiên quá đỗi bình thường nhưng với Huế mưa còn mang lại những cảm xúc cho những con xứ Huế với đặc trưng riêng. Trong mưa họ vẫn tìm thấy những niềm vui, niềm lạc quan của cuộc sống, vẫn tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng,được ngắm nhìn cầu vồng lên đã hình thành nên một nét văn hóa của Huế mộng mơ. Mưa là thời gian để gặp gỡ bè bạn, để ngồi ngắm mưa, nghe mưa, để đi dạo trong mưa….được đắm mình trong những hồi ức đã lãng quên. Với những giá trị văn hóa đặc trưng của "xứ Mưa", việc biến nó thành một sảm phẩm du lịch là điều rất khả thi với những người làm du lịch.

Một số ý tưởng:

- Xây dựng các hoạt động vui chơi giải trí trong nhà.
- Tổ chức các không gian, các điểm ngắm mưa, nghe mưa.
- Tổ chức các tour du lịch đi trong mưa.

Phạm Minh



 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: