Advertisement
  • English
  • Vietnamese

TIN HOẠT ĐỘNG - STDe

“Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững “Chữa lành với thiên nhiên” để phát triển du lịch bền vững
Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành". Tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học..
"Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành "Chữa lành với thiên nhiên": Góc nhìn từ khoa học liên ngành
Xem Tiếp...

Tin du lịch

Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế Chiêm ngưỡng những tòa nhà cao nhất thế giới với kiến trúc nguy nga, bề thế
Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland Chiêm ngưỡng nhà thờ Hallgrimskirkja, kiến trúc độc đáo ở thủ đô của Iceland
Xem Tiếp...
LÀM “SỐNG LẠI” GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA HỒ GƯƠM BẰNG TOUR DU LỊCH “ TÂM LINH

                                                                                    TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh
                                    Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe)  

                 Giá trị cốt lõi của Hồ Gươm là gì 

Bàn về giá trị của Hồ Gươm- Hà nội, người ta có thể phân tích trên rất nhiều khía cạnh: cảnh quan, thương mại, kiến trúc, đô thị, văn hoá, lịch sử, phong tục, tập quán, môi trường...Tuy nhiên, nếu nói về giá trị cốt lõi của Hồ Gươm một cách khái quát và cô đọng nhất trong vai trò là trái tim của cả nước, là hồn phách của dân tộc với ý nghĩa  nhân văn điển hình đã đi sâu vào tâm khảm của người dân VN, thì phải bàn đến giá trị “ Tâm linh- huyền thoại”, là giá trị phi vật thể đặc biệt quan trọng, cần phải nhắc đến đầu tiên. 

Vì sao vậy ? Vì đó chính là phần linh hồn của các giá trị văn hóa.

Giá trị tâm linh của Hồ Gươm được bao phủ trong những huyền thọai, truyền thuyết gắn liền với lịch sử Hà nội. Đó là truyền thuyết về cái tên Thăng Long với hình ảnh “Rồng bay” – một hình ảnh rất lãng mạn, thể hiện ước mơ và kỳ vọng của cả dân tộc đối với thủ đô. Rồi huyền thọai về Hồ Gươm, về rùa vàng, về vua Lê Lợi trả kiếm,... đều là những truyền thuyết hay và độc đáo, thể hiện ý chí bất khuất và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Có thể nói hồ Gươm- là không gian của truyền thuyết, là nơi thể hiện mạnh mẽ nhất khát vọng “ Không có gì quí hơn Độc lập- Tự do” của dân tộc Việt Nam. Đó là giá trị nhân văn tuyệt vời nhất mà dân tộc Việt Nam có được, là giá trị ảo nhưng mang ý nghĩa vô cùng to lớn, khiến cho cả nước hướng về Hà nội, về Hồ Gươm  như hướng về một vùng đất linh thiêng, về cội nguồn của dân tộc.

“ ... Truyền rằng nơi đây Vua Lê 

Đã trả lại gươm báu để giã từ chiến tranh...

             ... Truyền rằng nơi đây đêm đêm 

Cây bút đá vẫn viết lên trời cao

       Những khát vọng ngàn đời

       Của người dân Hà Nội.

            ... Truyền rằng cầu Thê Húc

Rực đỏ, nối đất với trời

     Cho Rùa thiêng mỉm cười 

     Xua tan bao nếp nhăn cuộc đời…”

                     ( bài hát: Truyền thuyết Hồ Gươm”- KTS. Hòang phúc Thắng)

 

 
  
             "Cây bút đá vẫn viết lên trời cao"                    "Vua Lý nhìn thấy Rồng bay"

  
                  "Rùa thiêng mỉm cười"                                  "Vua Lê trả lại gươm báu"

Giá trị cốt lõi của Hồ Gươm chưa được tôn vinh xứng tầm

        Hiện nay, các giá trị đặc sắc của Hồ Gươm còn chưa được khai thác một cách toàn diện và hiệu quả. Đặc biệt là Giá trị tâm linh huyền thoại chưa được tôn vinh xứng tầm, giá trị kinh tế chưa được khai thác triệt để, giá trị du lịch còn khai thác rất hạn chế. Giá trị môi trường đang có nguy cơ bị xâm hại.

Hiện trạng không gian xung quanh Hồ Gươm chủ yếu mang chức năng công sở, thương mại. Trong khi đó, chức năng quan trọng nhất là văn hóa, lịch sử với các giá trị tâm linh, huyền thoại là cốt lõi lại bị xem nhẹ, chưa tương xứng với vị thế trái tim Thủ đô. Tiết diện đường quanh hồ quá rộng, lưu lượng giao thông tại các điểm giao cắt quá lớn đã biến trung tâm Hồ Gươm thành một đảo giao thông khổng lồ, không có điểm đỗ xe ngầm, ách tắc thường xuyên xảy ra. Chưa có những không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức thiết kế không gian cảnh quan còn chưa quan tâm nhiều đến giá trị thẩm mỹ thị giác.

     Đã có khá nhiều dự án cải tạo cho khu vực Hồ Gươm như: Đề án “ Phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm”. Đồ án “ Cải tạo các không gian tồn tại chưa hợp lý của khu vực hồ Gươm” và gần đây nhất là dự án “ tuyến tàu điện ngầm” với vị trí nhà ga C9 nằm ngay trước cổng Đền Ngọc Sơn. Các đề xuất cũng như phương án đều có những sáng kiến nhất định nhưng còn thiếu tính khả thi do chưa đề xuất được các giải pháp tổng hợp, mang tính hệ thống trên diện rộng, có khả năng đáp ứng được cùng lúc nhiều nhu cầu khác nhau của khu vực Hồ Gươm.   

        Làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi của Hồ Gươm?

Muôn đời Hồ Gươm vẫn là một không gian tĩnh, chứa đựng sự lắng đọng sâu xa của lịch sử và ký ức, tâm linh. Đồng thời với các giá phi vật thể quí báu, giá trị văn hóa vật thể của không gian Hồ Gươm cũng rất phong phú: Hồ Gươm là nơi tập trung nhiều hình thái kiến trúc đa dạng: Khu phố cổ với kiến trúc cổ của Phương Đông: đình đền chùa miếu mạo; khu phố cũ có kiến trúc cổ điển của phương Tây như: kiến trúc theo phong cách thuộc địa – kiến trúc Pháp, kiến trúc tôn giáo phương Tây như trục nhà thờ lớn, kiến trúc thời kỳ xây dựng XHCN ở bờ phải phía Đông,… Xuyên suốt không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm là chuỗi không gian văn hóa lịch sử kế tiếp của nhiều thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. 

Để bảo tồn và phát huy xứng tầm các giá trị quí báu của Hồ Gươm như một biểu tượng quan trọng nhất, đáng tự hào nhất của dân tộc VN, tác giả xin được đề xuất 2 chiến lược lớn sau:

- Chiến lược 1: Chuyển đổi và tăng cường chức năng du lịch văn hóa - lịch sử cho khu vực, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn nhằm tái hiện không gian tâm linh huyền thoại đặc sắc của Hồ Gươm. Tạo hình ảnh mới, mang tính đột phá cho Hồ Gươm: vừa cổ xưa huyền thoại vừa giao lưu gắn kết văn hóa dân tộc và hiện đại.

- Chiến lược 2: Giải tỏa áp lực giao thông xung quanh bờ hồ và phụ cận để tạo được không gian lắng đọng, suy ngẫm. Cần thiết lập mạng đường đi bộ, tổ chức giao thông lễ hội và mua sắm thương mại, phát triển giao thông công cộng, khu vực đỗ xe ngầm, tàu điện ngầm; Cải tạo các yếu tố hạ tầng phụ trợ khác như: tượng trang trí, ánh sáng, vỉa hè, biển báo, ghế ngồi, nhà vệ sinh,…
Đề xuất tour du lịch “Tâm linh- huyền thoại”

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của Hồ Gươm cần tổ chức tour du lịch giới thiệu được các giá trị tâm linh- huyền thoại, giá trị cốt lõi quí giá nhất mà Hồ Gươm có được. Tour du lịch “ Tâm linh huyền thoại” là sự kết nối 4 không gian du lịch chủ đề sau:

- Không gian “ Con đường Vua Lý “

- Không gian “ Con đường Vua Lê”

- Không gian “ Con đường Đông Kinh Nghĩa Thục”

- Không gian “ Con đường Rồng bay” 

                  Hình: Sơ đồ tuyến du lịch Tâm linh- huyền thoại

 Không gian “ Con đường vua Lý »

           Hành trình « Con đường Vua Lý » bắt đầu từ Công viên - tượng đài Lý Thái Tổ qua tháp Hòa Phong, kết thúc ở Đồng hồ hoa Thụy Sĩ.

Các hoạt động du lịch trên tour cần xây dựng kịch bản theo chủ đề tôn vinh và nhớ ơn vị vua đã khai sinh ra đất Thăng Long – Hà Nội. Bao gồm: Các hoạt động lễ hội ; sinh hoạt cộng đồng ; văn hóa- Nghệ thuật.

Yêu cầu cần cải tạo để nâng cao chất lượng các không gian cảnh quan trên tuyến như: Vườn hoa – tượng đài Lý Thái Tổ; tái dựng Tháp Hòa Phong ; không gian khu vực đồng hồ Hoa Thụy Sĩ.                 

           * Không gian « Con đường Vua Lê »

Hành trình « Con đường Vua Lê » bắt đầu từ Đồng hồ hoa Thụy Sĩ, qua tuyến phố Hàng Khay, đến Hapro Bốn mùa với điểm chốt là Đền thờ vua Lê Thái Tổ. Các hoạt động trên tour cần xây dựng kịch bản theo chủ đề tái hiện truyền thuyết trả gươm của vua Lê Lợi và giúp người dân cũng như du khách hiểu sâu các khía cạnh giá trị của truyền thuyết. Yêu cầu kiến tạo các không gian trên tuyến đường Hàng khay, Lê Thái tổ để tái hiện lịch sử rõ nét hơn.

* Không gian “ Con đường Đông Kinh Nghĩa Thục »

Hành trình « Con đường Đông Kinh Nghĩa Thục » nối tiếp từ đền thờ vua Lê đến nhà hàng Thủy tạ, điểm chốt là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Các hoạt động du lịch trên tuyến nhằm  tôn vinh giá trị lịch sử của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với vai trò của các nhân sĩ yêu nước trong việc khai sáng con đường đi của dân tộc.

* Không gian “ Con đường Rồng Bay »

Hành trình “con đường Rồng bay” nối tiếp Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với cụm di tích Tháp bút- Đền Ngọc Sơn- Đền Bà Kiệu với điểm chốt cuối cùng là Vườn hoa Lý Thái Tổ. Hành trình này nhằm tái hiện hình ảnh Thăng long- “Rồng bay” trong nhãn quan của Vua Lý Thái Tổ- người có công khai sinh ra Hà Nội qua “ Chiếu dời đô”. Các hoạt động du lịch trên tuyến này cần giúp cho du khách cảm nhận được khát vọng hòa bình của người dân VN, Văn hóa coi trọng chữ nghĩa, truyền thống lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn

          Các chương trình, giải pháp để hiện thực hóa không gian “ tâm linh, huyền thoại”

Để tạo dựng được một“ không gian tâm linh huyền thoại”thực sự, giúp cho du khách có thể trải nghiệm được các giá trị của quá khứ một cách hoàn hảo nhất   cần phải tiến hành đồng bộ các chương trình và kế hoạch dài hạn bao gồm:

Chương trình 1: Bảo tồn các yếu tố cấu thành nên giá trị cốt lõi của Hồ Gươm. 

* Bảo tồn các yếu tố cảnh quan cấu thành: bao gồm :

- Các di tích LSVH đã được xếp hạng như: Tháp Rùa; Cụm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc; Đền Bà Kiệu; Tháp Hòa Phong; Tượng Vua Lý Công Uẩn; Tượng đài Lý Thái Tổ.

- Hình thái hồ Gươm, sự tĩnh lặng của hồ; Màu xanh của mặt nước hồ; động thực vật sống trong hồ ( rùa, tảo,); Hệ thống cây xanh và thảm cỏ quanh hồ, hình thái và kích thước và mật độ xây dựng các công trình xung quanh hồ.

- Các gía trị phi vật thể như: huyền thọai, truyền thuyết, lễ hội,...

* Bảo vệ các lớp không gian cấu thành không gian Hồ Gươm.

- Lớp không gian 1 ven hồ là lớp không gian bảo vệ tuyệt đối, không cho phép xây dựng thêm các công trình làm thay đổi tính chất không gian.

- Lớp không gian 2 là lớp không gian bảo vệ nguyên tắc về hình thái giới hạn ngòai của không gian, tỷ lệ không gian. Bao gồm chiều cao công trình, hình thái và phong cách kiến trúc công trình. Không làm biến đổi tỷ lệ của không gian (tương quan chiều rộng từ 2 dãy công trình hai bên hồ và chiều cao nhà)

        - Lớp không gian thứ 3 có sự tham gia bởi các công trình cao tầng hiện có. Cần qui hoạch định hướng làm hạn chế tầm nhìn về các công trình này.

          Chương trình 2: cải tạo không gian Kiến trúc cảnh quan quanh hồ

Để có thể khai thác tốt hơn các hoạt động du lịch trên tuyến du lịch “ tâm linh, huyền thoại cần cải tạo và điều chỉnh các không gian kiến trúc cảnh quan và công trình xung quanh hồ, bao gồm :

* Cải tạo không gian mở- quảng trường:

- Mở lối liên kết không gian tượng đài Vua Lê với quảng trường tòa soạn báo nhân dân, gắn cây đa cổ thụ và không gian sân làm không gian liên kết, tạo thêm quảng trường không gian mở về phía mặt hồ để tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng động, để tái hiện huyền thoại Vua Lê trả kiếm cho Rùa Vàng. Chuyển vị trí tòa soạn báo Nhân dân để xây dựng bảo tàng Hồ Gươm.

- Cải tạo lại không gian khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với điểm nhấn công trình là đài phun nước. Mở rộng không gian quảng trường đến Nhà hát múa rối nước để có không gian đủ tầm tổ chức những sự kiện văn hóa lớn, đa dạng. Chuyển bãi đỗ xe ven hồ, mở rộng thêm tầm nhìn ra phía hồ để tăng cường dịên tích đi bộ, tiếp cận với đài phun nước tốt hơn. Tập trung cải tạo sự lộn xộn của các công trình xung quanh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.Mỗi công trình khi cải tạo cần tôn trọng hình thái không gian cũ, thận trọng với những thay đổi lớn về hình thái trong không gian.

- Liên kết không gian Đền Ngọc Sơn với Đền Bà Kiệu thành một quần thể không gian thống nhất, chuyển tuyến giao thông cơ giới chia cắt 2 đền sang phố hàng Dầu. Thiết kế nghệ thuật mảng cây xanh ven hồ kéo dài từ Tháp Bút đến đối diện quảng trường Lý Thái Tổ theo chủ đề “ Rồng bay”. Khai thác các điểm nhìn từ các quán cafe trên cao xuống Hồ Gươm để thưởng thức “Con Rồng xanh” huyền thoại này. Hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh hồ cần được qui hoạch thiết kế để tôn vinh vẻ đẹp của Hồ vào ban đêm nhằm lôi cuốn khách vào các hoạt động buổi tối.

* Cải tạo công trình kiến trúc

- Điều chỉnh chức năng hoạt động các công trình mặt tiền của các công trình hành chính trong khu vực Hồ Gươm như: Sở văn hóa- thể thao và Du lịch, Công ty điện lực, Bưu điện Hà Nội, Nhà in báo Nhân dân, để các công trình này có thể hòa nhập tốt nhất với không gian du lịch văn hóa- lịch sử quanh Hồ Gươm.

- Từng không gian, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo phải đạt được sự hài hòa về hình thái, về chiều cao, về tỷ xích và phong cách kiến trúc. Mỗi công trình khi cải tạo cần tôn trọng hình thái không gian cũ, thận trọng với những thay đổi lớn về hình thái trong không gian.

- Không tăng cường quy mô các công trình ven hồ. Các công trình thương mại, dịch vụ cần khai thác tính thẩm mỹ của không gian, không tương phản, quay lưng lại với cảnh quan.

Chương trình 3: Cải tạo giao thông và hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ

          Các giải pháp về tổ chức giao thông cần được nghiên cứu đề xuất cụ thể với việc
chuyển các tuyến giao thông quanh hồ thành tuyến đi bộ, tổ chức bãi đỗ xe lớn ngoài khu vực giáp ranh, chuyển vị trí nhà ga tàu điện ngầm C9 ra sau quảng trường “ Lý Thái Tổ”. Thay thế các phương tiện giao thông cơ giới bằng các phương tiện “Giao thông sạch” không khói bụi, tiếng ồn như: xe đạp, xích lô, xe điện 6 chỗ và tàu điện ngầm.  

Các giải pháp hỗ trợ như: thiết kế ánh sáng ban đêm, tượng trang trí, thiết kế đèn đường, thiết kế cây xanh vườn hoa, gạch lát đường, ghế ngồi, biển báo, thùng rác,... cũng cần  được đề xuất để tạo ra một không gian “ tâm linh, hyền thoại” thực sự cho du khách trải nghiệm các giá trị đáng tự hào của lịch sử dân tộc Việt Nam.   

KIẾN NGHỊ

Các giá trị văn hóa lịch sử, tâm kinh- huyền thoại của khu vực Hồ Gươm cần được coi là nền tảng trong việc hoạch định chiến lược phát triển không gian Thủ đô Hà Nội. Cần nghiên cứu điều chỉnh lại qui hoạch không gian Hồ Gươm với việc hoạch định các vùng không gian được coi là quí báu, được coi là mang ý nghĩa văn hóa tinh thần sâu sắc để đề xuất các chính sách đô thị hợp lý. Cần phải khẳng định đó là các vùng lõi giá trị, không thể để biến dạng trong quá trình phát triển Thủ đô. Trong các vùng không gian đó, cần phải xác định những khu vực phải gìn giữ và tôn vinh giá trị của quá khứ với các họat động dịch vụ, thương mại được coi là phù hợp, hài hòa với không gian truyền thống.

TÀI LIỆU THAM  KHẢO

-          Đề tài khoa học của thành phố Hà Nội 2006: ” Tổ chức khai thác không gian Kiến trúc cảnh quan tại các khu di tích lịch sử văn hóa thuộc thành phố Hà Nội nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch Hà Nội”. Chủ nhiệm Đề tài: TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh.

-          Đề tài khoa học của thành phố Hà Nội 2012: ” Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại khu vực Hồ Gươm”. Chủ nhiệm Đề tài: TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh.

 
 
Ý KIẾN CHIA SẺ
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung: