Theo báo Lao Động
laodong.com.vn/lao-dong-cuoi.../mot-goc-lang-co-duong-lam-24766.bl...   
Thu hút khách tham quan ở vẻ đẹp mộc mạc giản dị đúng “chất quê” của bờ ao sen làng, đồng cỏ xanh mượt và những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng cùng các nhà ở đậm chất truyền thống, làng cổ Đường Lâm vì thế đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2006.


Một làng quê “thuần Việt”

Nằm bên bờ phía nam sông Hồng (thuộc thị xã Sơn Tây), cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, nếu có dịp ghé thăm làng cổ Đường Lâm, du khách sẽ như lạc về miền quê yên tĩnh với những ngõ vắng trải dài qua từng ngôi nhà ngói cổ xưa, với những bậc thềm và giếng nước phủ rêu thẫm màu hay dừng chân dưới gốc đa nghìn năm tuổi, tất cả những điều đó đã làm nên vẻ đẹp xưa cũ và cổ kính của làng cổ Đường Lâm.

 
Người dân cùng thành viên CLB Du lịch xanh (thuộc STDe) làm sản phẩm lưu niệm bằng rơm.

Ngày nay, Đường Lâm tự hào khi vẫn giữ được hầu hết các nét đặc trưng cơ bản của một làng quê “thuần Việt” ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, gồm 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Đến với Đường Lâm ngoài việc tìm hiểu nhiều giá trị lịch sử văn hóa của miền đất hai vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền), bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng mô hình kiến trúc cổ truyền thống khi phần lớn những ngôi nhà nơi đây đều được xây dựng bằng đá ong độc đáo. Và nếu như có ai đó từng ví phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An là “bảo tàng lối sống đô thị”, thì làng cổ Đường Lâm được biết đến là “bảo tàng lối sống nông nghiệp”. Sẽ khó quên khi có dịp thưởng thức những món ăn đặc sản đậm chất hương quê với gà mía, chè lam, bánh tẻ, kẹo vừng… Nghề làm tương của Đường Lâm cũng khá nổi tiếng với chất lượng không hề thua kém các làng làm tương khác như làng Bần (Hưng Yên), làng Cự Đà (Thanh Oai – Hà Tây nay là Hà Nội) v.v…

Cũng theo ước tính của ông Nguyễn Trọng An - Phó Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, số lượng khách đến với Đường Lâm tăng dần trong 6 tháng đầu năm (khoảng 70% so với năm 2010) và chủ yếu phục vụ du khách Bỉ, Hà Lan, Canada, Tây Ban Nha và Pháp... Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng An cũng thừa nhận việc khai thác tiềm năng cũng như ý thức bảo vệ di sản của người dân vẫn còn hạn chế, vì vậy, việc xây dựng và gìn giữ các nếp nhà cổ ở Đường Lâm vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.

Sản phẩm từ... rơm?

Sau một thời gian thử nghiệm làm du lịch, làng cổ Đường Lâm đang dần đi vào chuyên nghiệp hóa trong phương thức tổ chức dịch vụ, nhưng mới chỉ tạm dừng ở khâu tổ chức ăn uống. Ông Nguyễn Văn Hùng – chủ nhân ngôi nhà cổ hơn 400 năm tuổi – cho biết: “Khách quốc tế đến đông nhất bắt đầu từ tháng 9 năm trước cho đến hết tháng 3 năm sau, còn vào những ngày hè chủ yếu là khách nội địa đến tham quan. Đến mùa “cao điểm”, trung bình mỗi nhà có thể thu về từ 5-7 triệu tiền lãi/tháng nhưng trong làng mới chỉ có 4 - 5 hộ dân tập trung làm kinh doanh du lịch nên “cung vẫn chưa đủ cầu”. Còn theo bà Dương Thị Lan – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đường Lâm thì hiện nay, nghề đá ong, nghề mộc gần như không còn được duy trì như trước nên du khách đến tham quan khó có thể tìm mua được những sản phẩm lưu niệm, đó cũng chính là điểm khiến cho Đường Lâm chưa tạo được doanh thu lớn từ du lịch. 

Với mong muốn tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút khách, mới đây, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đã phối hợp tổ chức với Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đường Lâm, Ban quản lý di tích Đường Lâm giới thiệu, hướng dẫn người dân cách làm các sản phẩm lưu niệm từ rơm. TS, KTS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) bày tỏ: “Phải nhìn nhận rằng, sản phẩm du lịch ở đây còn rất nghèo nàn, vì thế bước đầu chúng tôi sẽ giới thiệu và hướng dẫn người dân thiết kế làm ra những sản phẩm bằng rơm. Đây không chỉ là cách lưu giữ hình ảnh về làng cổ Đường Lâm sâu sắc trong lòng du khách mà còn giúp người dân có thêm thu nhập nâng cao cuộc sống”.

Cũng vì những hạn chế trên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa và nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng trước mắt làng cổ Đường Lâm cần phải được bảo tồn những giá trị kiến trúc, mỹ thuật, lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống. “Để tăng sức hút cũng như đáp ứng nhu cầu du khách, Ban quan lý nói chung cũng như người dân nói riêng cần phải quan tâm và nghiêm túc hơn nữa trong việc quảng bá, đầu tư để có được những sản phẩm văn hóa đạt cả hai mặt chất và lượng, có như vậy làng cổ Đường Lâm mới trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai…” - anh Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Cty Du lịch Tầm nhìn Việt (Hà Nội) nhấn mạnh.

Mai Châu
Báo lao động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/mot-goc-lang-co-duong-lam-24766.bld